Kiểm duyệt phim vẫn “nóng”
Cảnh phim “Ròm”. (Ảnh chụp từ màn hình) |
Dưới đây là một số ý kiến của nhà quản lý, nghệ sĩ, nhà hoạt động điện ảnh… trong lĩnh vực trên.
Phân rõ thể loại phim nào cần tiền kiểm hay hậu kiểm
NSND Vương Duy Biên (Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL):
Nhiều ý kiến cho rằng cần xóa bỏ cơ chế duyệt phim (tiền kiểm) chuyển sang hậu kiểm (tức là cho trình chiếu mà không cần kiểm duyệt và cấp phép trước, nếu phim có vấn đề thì mới cấm chiếu và xử phạt). Vấn đề này cần phải hết sức thận trọng vì mỗi quốc gia với chế độ chính trị và điều kiện kinh tế xã hội cũng như dân trí khác nhau cần có cách giải quyết khác nhau.
Ở Việt Nam đang trong quá trình đổi mới và hội nhập, lĩnh vực văn hóa nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng cần có bước đi, lộ trình phù hợp, tránh hậu quả xấu, đôi khi trả giá quá đắt. Cụ thể: Đối với phim ngắn, phim tài liệu, phim truyền hình không chiếu rạp và không phát hành rộng rãi quốc tế thì có thể áp dụng hậu kiểm. Đối với phim truyện điện ảnh, nó có phạm vi phổ biến rộng rãi, tác động rất nhanh và sức ảnh hưởng lớn đến hành vi, ứng xử, quan niệm đạo đức của xã hội và là một công cụ tuyên truyền tư tưởng mạnh mẽ. Nếu không có cơ quan Nhà nước thực hiện kiểm duyệt nội dung trước thì các nhà sản xuất có thể sẽ đưa các hình ảnh về chính trị, chủ quyền quốc gia, tình dục, khỏa thân, bạo lực vào phim sẽ gây ra những tác hại rất lớn tới đạo đức xã hội. Vì vậy, các tác phẩm phim truyện điện ảnh bắt buộc phải trải qua kiểm duyệt trước khi được cấp phép trình chiếu.
Nên phân loại thay vì kiểm duyệt?
Bà Nguyễn Nữ Như Khuê, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Sản xuất phim Hoan Khuê:
Công tác kiểm duyệt phim hiện nay vẫn còn gây hoang mang, mơ hồ cho các nhà làm phim. Đây là vấn đề không còn mới nhưng vẫn chưa có giải pháp cụ thể.
Khi chưa có hệ thống chuẩn, cụ thể hoá những khái niệm trừu tượng trong điện ảnh, thì các nhà làm phim vẫn sẽ mù mờ, làm phim với tâm thế rất hồi hộp. Suốt một thời gian dài qua, các nhà làm phim đều phải tự kiểm duyệt trên giấy trước, tự đoán mơ hồ kịch bản nào sẽ thông qua được kiểm duyệt, chi tiết nào nên bỏ vì có thể không được duyệt.
Chúng tôi nghĩ rằng, thay vì duyệt thì nên dùng công cụ phân loại phim để đưa phim đến đúng đối tượng khán giả của phim. Đã phân loại thì không cắt bỏ cảnh phim, nếu cần thiết thì có thể đề xuất thêm nhãn C21, để tác phẩm được nguyên vẹn đến với công chúng. Với những phim gây tranh cãi hoặc quá nhạy cảm, trước khi chiếu phim có một dòng cảnh báo những cảnh phim khán giả sắp xem.
Với những phim đi liên hoan quốc tế cần được cho phép có thể có một phiên bản khác phù hợp với tiêu chí của các liên hoan phim hơn. Không nhất thiết phải có cùng một bản phim với phim được phát hành ở thị trường nội địa.
Thêm phân loại và tăng chế tài xử phạt
Đạo diễn điện ảnh, NSƯT Vũ Xuân Hưng (Nguyên Chủ tịch Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim truyện):
Có không ít phim khi phân loại, nằm giữa tiêu chí phân loại của hai loại phim. Phân vào loại có độ tuổi thấp hơn thì rộng rãi quá, nhưng nếu phân vào loại có độ tuổi cao hơn thì chặt chẽ quá. Rõ rệt nhất là những phim nằm giữa tiêu chí phổ biến rộng rãi và cấm khán giả dưới 13 tuổi (C13).
Việc sửa đổi quy định về hoạt động thẩm định và phân loại phim truyện là cần thiết, chủ yếu trong ba nội dung sau:
1. Sửa đổi cơ chế hoạt động của Hội đồng thẩm định và phân loại phim truyện 2. Sửa đổi căn cứ pháp lý cho hoạt động thẩm định và phân loại phim truyện 3. Sửa đổi chế tài cho hành vi vi phạm hoạt động thẩm định và phân loại.
Ở nội dung 1, nên thành lập Hội đồng chuyên trách, các thành viên Hội đồng được tuyển chọn, làm việc theo hợp đồng, thời hạn 5 năm. Trong thời gian làm việc, các thành viên được bồi dưỡng nghiệp vụ, được cung cấp các thông tin, tài liệu cần thiết và được trả thù lao theo cơ chế thị trường. Nói cách khác, là chuyên nghiệp hóa nghề thẩm định và phân loại phim, để có thể đáp ứng hiệu quả số lượng phim truyện trình duyệt ngày càng tăng lên. Nhất là phim truyện được phổ biến trên không gian mạng.
Về nội dung 2, thông qua Nghị định, Thông tư, cụ thể hóa ở mức nhận diện được rõ nét và đầy đủ các hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh. Để không chỉ Hội đồng, mà các đơn vị sản xuất và nhập khẩu phim cũng có thể hiểu và thực hiện được. Thêm phân loại cấm trẻ em dưới 9 tuổi (C9). Và cân nhắc thêm loại PG.
Về nội dung 3 cần tăng chế tài tới mức có khả năng răn đe.
Theo Việt Văn/laodong.vn
https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/kiem-duyet-phim-van-nong-953539.ldo
Nguồn: Báo lao động thủ đô