Khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia lưu trữ tài liệu
Sáng 22/2, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc phiên họp thứ 30 tại phòng họp Tân Trào, Nhà Quốc hội.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến quyết định 5 nội dung chính.
Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về: Việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi); cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; xem xét Tờ trình của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về giao bổ sung số lượng Kiểm sát viên của Viện Kiểm sát nhân dân; xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 1/2024 (trong đó có công tác dân nguyện tháng 12/2023); tổng kết Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp. Ảnh: Quốc hội |
Sau phát biểu của Chủ tịch Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe trình bày báo cáo và thảo luận về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi).
Trình bày báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm có 8 chương, 61 điều.
Trong đó, về thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ, có ý kiến đề nghị quy định tài liệu lưu trữ ở cấp xã là nguồn nộp lưu vào lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở cấp tỉnh. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị quy định tài liệu lưu trữ vĩnh viễn của cấp xã thuộc nguồn nộp vào lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở cấp tỉnh.
Về tài liệu lưu trữ của các hội quần chúng đặc thù được Nhà nước giao nhiệm vụ, giao biên chế và hỗ trợ kinh phí hoạt động thuộc lưu trữ tư hay lưu trữ Nhà nước, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật và Cơ quan chủ trì soạn thảo tán thành đề nghị quy định tài liệu hình thành trong quá trình hoạt động của hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ thuộc Phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam; đối với tài liệu hình thành trong quá trình hoạt động của các hội, tổ chức xã hội khác là tài liệu lưu trữ tư, thuộc Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam.
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Quốc hội |
Về thời hạn nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, chỉnh lý quy định về thời hạn nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử tối đa là 5 năm, nhưng tính từ năm tài liệu được nộp vào lưu trữ hiện hành và áp dụng thống nhất cho cả tài liệu giấy và tài liệu số.
Về lưu trữ tài liệu điện tử, dự thảo Luật được thiết kế theo hướng quy định việc lưu trữ tài liệu giấy song song với lưu trữ tài liệu số và việc chuyển đổi từ lưu trữ tài liệu giấy sang lưu trữ tài liệu số được thực hiện theo lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử và định hướng Chính phủ số, chính quyền số.
Về lưu trữ tư, một số ý kiến đề nghị rà soát, bổ sung quy định đầy đủ, cụ thể hơn về lưu trữ tư để khuyến khích sự tham gia của tổ chức, cá nhân, qua đó góp phần bảo quản, phát huy giá trị tài liệu lưu trữ tư tốt hơn; tôn trọng, bảo vệ quyền sở hữu đối với tài liệu lưu trữ tư; bảo đảm xử lý hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước và tổ chức, cá nhân trong quản lý tài liệu lưu trữ tư.
Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị tiếp thu, bổ sung các quy định nhằm khuyến khích sự tham gia của tổ chức, cá nhân vào lưu trữ tài liệu. Đồng thời bổ sung Điều 47 về ký gửi tài liệu lưu trữ tư vào lưu trữ lịch sử; bổ sung Điều 48 về tặng cho tài liệu lưu trữ tư; chỉnh lý quy định về chính sách hỗ trợ của Nhà nước, về ký gửi, tặng cho, mua bán và việc mang tài liệu lưu trữ tư có giá trị đặc biệt ra nước ngoài…
Về hoạt động dịch vụ lưu trữ, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị cho giữ quy định hoạt động dịch vụ lưu trữ là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.
Đồng thời, bổ sung vào dự thảo Luật một số quy định cụ thể về điều kiện đầu tư kinh doanh để bảo đảm minh bạch và giao Chính phủ quy định chi tiết một số điều kiện có tính kỹ thuật, chuyên ngành về lưu trữ.
Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho phép đưa quy định về Ngày Lưu trữ Việt Nam (ngày 3 tháng 1 hằng năm) vào dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi).
Nguồn: Báo lao động thủ đô