Khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu
Khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu
Bộ Công Thương đang khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị định quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.
Liên quan đến vấn đề nêu trên, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, Người phát ngôn Bộ Công Thương cho biết: Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/52023 đã đề ra mục tiêu cụ thể liên quan đến điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.
Cụ thể là, phấn đấu đến năm 2030, có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu để phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia.
Về định hướng phát triển nguồn điện và phương án phát triển nguồn điện, Quy hoạch điện VIII cũng nêu rất rõ: Ưu tiên, khuyến khích phát triển điện gió, điện mặt trời tự sản, tự tiêu; trong đó có điện mặt trời mái nhà của người dân và mái công trình xây dựng của các công sở và các cơ sở sản xuất kinh doanh để tiêu thụ tại chỗ, không đấu nối hoặc không bán điện vào lưới điện quốc gia.
Để thực hiện chủ trương nêu trên của Chính phủ, theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, cần phải xây dựng văn bản pháp luật để cụ thể hoá và đưa cơ chế phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu đi vào hoạt động.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đang khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị định quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu; trong đó có những nội dung cơ bản như: Khái niệm về điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu; Quy định các công trình có thể lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà; Cơ chế hỗ trợ, khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà; Đơn giản hoá các thủ tục hành chính để tạo thuận lợi nhất cho người dân, cơ quan, doanh nghiệp trong triển khai thực hiện.
Hiện nay, Bộ Công Thương đang tiếp tục tổ chức các hội nghị, hội thảo tham vấn ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương và các nhà khoa học, chuyên gia có uy tín, các tổ chức quốc tế để tiếp thu, sớm hoàn thiện dự thảo Nghị định, gửi Bộ Tư pháp thẩm định và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để xem xét, quyết định phê duyệt.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị