Khuyến khích người nông dân gia tăng sản xuất từ các mô hình khuyến nông
Đẩy mạnh các mô hình khuyến nông
Năm 2022, Đan Phượng đã có diện tích lúa đạt trên 1.046ha, ngô 800ha, đậu tương 142ha, rau các loại 1.518ha, hoa 1.618ha, cây màu khác 330ha. Chiến dịch “phủ xanh ruộng đồng” của người nông dân Đan Phượng đã đạt được những thành quả lớn lao khi bước vào giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch bệnh. Bất chấp những khó khăn, trong một năm qua, nông dân đã nỗ lực làm chủ kinh tế trên mảnh đất quê hương mình.
Không chỉ trồng cây, người nông dân còn là những chiến sĩ trên mặt trận chăn nuôi, với các mô hình chăn nuôi khoa học, đến nay tổng đàn trâu, bò trên toàn huyện đã lên đến 3.388 con; đàn lợn trên 81.183 con; đàn gia cầm trên 227.359 con; diện tích nuôi trồng thuỷ sản 147ha.
Mô hình trồng bưởi theo định hướng hữu cơ tại xã Hạ Mỗ |
Chia sẻ về những thành quả này, ông Thiều Văn Son – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng cho biết, Hội đã cùng nông dân đồng hành, đẩy mạnh các mô hình khuyến nông cũng như các biện pháp khích lệ nông dân cùng thi đua, thực hiện.
“Hội Nông dân huyện đã khuyến khích và tạo điều kiện để hội viên tham gia các mô hình khuyến nông, ví dụ như mô hình trồng cây măng tây, nho hạ đen tại xã Phương Đình cho năng suất chất lượng cao. Trồng hoa đồng tiền ở xã Đồng Tháp mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân, nhất là vào các dịp Tết. Đặc biệt, mô hình nho hạ đen năm nay đã thành lập Hợp tác xã nho do ông Nguyễn Văn Nội và 9 thành viên thuộc xã Phương Đình, xã Trung Châu quản lý. Chúng tôi vẫn duy trì các mô hình trồng nho, chăm sóc cây ăn quả; đồng thời mở rộng mô hình cây nho hạ đen – loại giống cây trồng năng suất chất lượng cao. Hiện nay đã có 3 hộ tham gia với quy mô trên 1,5 ha tại xã Trung Châu, Hạ Mỗ, Đan Phượng”, ông Thiều Văn Son cho biết.
Để những sản phẩm khuyến nông được nhiều người biết đến, gia tăng đầu ra, mang lại giá trị kinh tế thực cho người nông dân, Hội Nông dân đã phối hợp với nhiều tổ chức đoàn thể tổ chức tọa đàm, hội chợ kết nối nông sản nông nghiệp tại nhiều địa điểm trong huyện. Ngoài ra, hàng trăm nông dân đã được tham gia các hội thảo về phương pháp bảo vệ, cải tạo đất trong canh tác tái sinh, bảo tồn đất nông nghiệp. Từ đó, người nông dân có thêm kỹ năng cũng như kiến thức để phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp bền vững.
Vẫn luôn coi lúa là mạch máu của đất nông nghiệp, Hội Nông dân huyện Đan Phượng tiếp tục nhân rộng các mô hình giống lúa mới, giống lúa chất lượng cao tại nhiều địa bàn. Ví dụ như mô hình trồng lúa ST25 tại xã Tân Lập; lúa Lai thơm 6, CS6 tại xã Đan Phượng, xã Phương Đình, xã Hạ Mỗ, xã Tân Hội, xã Tân Lập,…
Ngoài ra, để bảo vệ quyền lợi và thương hiệu sản phẩm cho người nông dân, Hội Nông dân huyện đã thực hiện bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Nấm Đan Phượng” và chỉ đạo Hội Nông dân xã Trung Châu bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Lợn thịt an toàn”.
Nhiều bước đi “chiến lược” trong năm tới
Thừa kế và phát huy những thành quả của năm 2022, trong năm 2023, Hội Nông dân huyện Đan Phượng cùng Hội Nông dân các xã quyết tâm đặt ra những mục tiêu lớn và các giải pháp chiến lược nhằm phát huy tối đa sức mạnh của kinh tế nông nghiệp.
Đặc biệt, chú trọng các biện pháp đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Theo đó, các cấp Hội sẽ làm tốt vai trò là đầu mối liên kết với các doanh nghiệp, ngân hàng, các nhà khoa học giúp nông dân xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu.
Mô hình chăm sóc cà chua sử dụng thuốc trừ sâu thảo mộc Anisat. |
Đồng thời, hướng dẫn, động viên, khuyến kích, tạo điều kiện để các hộ sản xuất kinh doanh giỏi làm nòng cốt trong việc xây dựng, thành lập các mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã. Chủ động phối hợp với các cấp, các phòng, ban, ngành tham mưu cho huyện các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất. Hàng năm tổ chức kiểm tra, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo phong trào; các chuyên đề của Hội theo kế hoạch.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thiều Văn Son, để thắng lợi các mục tiêu trong năm tới, các cấp nông dân cần phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả, đặc biệt là các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp.
“Các cấp Hội sẽ tích cực tuyên truyền vận động nông dân liên kết tập trung, tích tụ ruộng đất nâng cao qui mô sản xuất, xây dựng cách đồng mẫu lớn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi mới hình thành kinh tế trang trại, gia trại; nâng cao nhận thức, hiểu biết của cán bô, hội viên, nông dân trong việc liên kết, hợp tác xây dựng các hợp tác xã, các mô hình kinh tế tập thể.
Phối hợp với chính quyền, các cơ quan chuyên môn hướng dẫn nông dân, các mô hình kinh tế, trang trại sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ thích ứng với biến đổi khí hậu; gắn nông nghiệp với phát triển du lịch; về trình tự, thủ tục thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã. Gắn xây dựng mô hình kinh tế tập thể với xây dựng chi, tổ Hội nghề nghiệp”, ông Thiều Văn Son nhấn mạnh.
Cùng với đó, xác định đầu ra là điều kiện sống còn của người nông dân trong canh tác, chăn nuôi, Hội sẽ tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức tốt các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm. Tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho nông dân; hỗ trợ nông dân nâng cao năng lực, trình độ sản xuất, năng lực quản lý kinh tế; xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại, chính sách hỗ trợ sản xuất.
Bảo Thoa
Nguồn: Báo lao động thủ đô