Khuyến khích doanh nghiệp tự thực hiện tái chế, xử lý chất thải

Khuyến khích doanh nghiệp tự thực hiện tái chế, xử lý chất thải

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì, thu gom, xử lý chất thải là của doanh nghiệp

Khuyến khích DN tự thực hiện tái chế, xử lý chất thải- Ảnh 1.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Về nguyên tắc, cần khuyến khích doanh nghiệp tự thực hiện trách nhiệm tái chế theo quy định của Luật hoặc ký hợp đồng các doanh nghiệp tái chế đủ điều kiện – Ảnh: VGP/Minh Khôi

Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết việc ban hành Quyết định là cần thiết, thiết lập cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc thực hiện trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu, theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Tuy nhiên, kể từ khi Luật có hiệu lực đến nay, hầu hết doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về tái chế, và thường lựa chọn đóng góp tài chính hỗ trợ tái chế vào quỹ của nhà nước, thay vì tự thực hiện tái chế hoặc ký hợp đồng với doanh nghiệp tái chế.

Trong quá trình xác định định mức chi phí tái chế hợp lý, hợp lệ (Fs), Bộ TN&MT đã tiến hành điều tra, khảo sát thực tế chi phí tái chế tại gần 70 cơ sở tái chế lớn trên toán quốc; đồng thời tham khảo, đối chiếu với các quốc gia, vùng lãnh thổ có quy định đóng góp tài chính hỗ trợ tái chế vào quỹ của nhà nước.

Khuyến khích DN tự thực hiện tái chế, xử lý chất thải- Ảnh 2.
Phó Thủ tướng cho ý kiến về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy định tái chế của các doanh nghiệp theo phương thức hậu kiểm; hỗ trợ, khuyến khích người dân phân loại rác thải sinh hoạt và tái chế… – Ảnh: VGP/Minh Khôi

Đại diện Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam nêu thực tế hiện nay hầu hết các cơ sở tái chế ở làng nghề đều không đạt chuẩn, vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước cần siết chặt hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở tái chế không đạt chuẩn, các doanh nghiệp vi phạm quy định tái chế theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng quy định về tái chế là rất cần thiết trước yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững, song cần tính toán Fs phù hợp với nguồn lực thực hiện của doanh nghiệp, cũng như tác động làm tăng chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì, thu gom, xử lý chất thải là của doanh nghiệp đã được quy định, và là chính sách không mới so với thế giới, đã được sự thống nhất cao để đưa vào Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

“Về nguyên tắc, cần khuyến khích doanh nghiệp tự thực hiện trách nhiệm tái chế theo quy định của Luật hoặc ký hợp đồng các doanh nghiệp tái chế đủ điều kiện. Trong trường hợp doanh nghiệp lựa chọn đóng góp chi phí tài chính hỗ trợ tái chế vào quỹ của nhà nước, mức đóng góp cần dựa trên số liệu khảo sát Fs từ các doanh nghiệp tái chế đủ điều kiện, ưu tiên những đơn vị có công nghệ hiện đại”, Phó Thủ tướng nói.

Khuyến khích DN tự thực hiện tái chế, xử lý chất thải- Ảnh 3.
Trong trường hợp doanh nghiệp lựa chọn đóng góp chi phí tài chính hỗ trợ tái chế vào quỹ của Nhà nước, mức đóng góp cần dựa trên số liệu khảo sát Fs từ các doanh nghiệp tái chế đủ điều kiện, ưu tiên những đơn vị có công nghệ hiện đại.

Về quy định chi phí quản lý hành chính phục vụ quản lý, giám sát, hỗ trợ thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của nhà sản xuất, xuất khẩu, Phó Thủ tướng giao Hội đồng Thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) quốc gia nghiên cứu, quyết định mô hình, nhân sự, kinh phí hoạt động phù hợp theo quy định của pháp luật.

Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy định tái chế của các doanh nghiệp theo phương thức hậu kiểm; hỗ trợ, khuyến khích người dân phân loại rác thải sinh hoạt và tái chế…

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích