Khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề

Khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề
Giáo dục nghề nghiệp góp phần thúc đẩy nâng cao năng suất lao động. (Ảnh nguồn: nld.com.vn)

Theo số liệu của Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, hiện nay cả nước có gần 84.000 nhà giáo đang giảng dạy trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Chất lượng nhà giáo tại các cơ sở này đang từng bước được nâng lên về trình độ đào tạo, trên 92% nhà giáo đạt chuẩn về sự nghiệp sư phạm; khoảng 70% nhà giáo đạt chuẩn về trình độ kỹ năng nghề để dạy thực hành.

Sự phát triển đội ngũ nhà giáo trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đã góp phần vào thành quả của hệ thống giáo dục nghề nghiệp trong những năm qua. Cụ thể, trên 85% học sinh, sinh viên tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng có việc làm; có trường, có nghề đạt tỷ lệ 100% học sinh, sinh viên có việc làm sau khi ra trường, với mức thu nhập từ 7 – 10 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt mạnh, chất lượng đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp vẫn còn nhiều bất cập như trình độ kỹ năng nghề của nhà giáo nhìn chung còn hạn chế, tỷ lệ nhà giáo vừa dạy được lý thuyết vừa dạy được thực hành thấp (khoảng 51%). Kỹ năng phát triển chương trình, biên soạn giáo trình, tài liệu đào tạo còn yếu, phương pháp giảng dạy chậm đổi mới, chưa đáp ứng được yêu cầu giảng dạy tiếp cận năng lực và yêu cầu chuyển đổi số trong bối cảnh cách mạng Công nghiệp 4.0.

Đặc biệt, hệ thống giáo dục nghề nghiệp chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích đủ mạnh để thu hút những người có trình độ cao, tay nghề giỏi tham gia vào lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, nhất là những người đang làm việc tại các doanh nghiệp.

Mặc dù theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã tổ chức hoạt động đào tạo thông qua vị trí công việc. 70 – 80% doanh nghiệp dệt may, da giày, điện tử… đã cử lao động lành nghề có kỹ năng đứng ra kèm cặp cho các nhân viên mới tham gia vào các công đoạn trên dây chuyền sản xuất.

Đồng thời, một số trường đào tạo nghề cũng đã hợp tác, liên doanh với các doanh nghiệp trong khâu đào tạo và đầu ra. Tuy nhiên, số lượng này vẫn ít. Vì vậy, để nâng cao chất lượng đào tạo nghề trên nền tảng “học đi đôi với hành”, gắn công tác đào tạo với chất lượng đầu ra để tránh phải đào tạo lại, góp phần có lộ trình phát triển cho doanh nghiệp và xã hội điều đầu tiên cần phải có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào công tác đào nghề dưới các hình thức (hợp tác, liên doanh, liên kết) với các trường đào tạo nghề.

Chỉ khi doanh nghiệp tham gia vào công tác đào tạo mới góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, “giải bài toán” cung thị trường lao động để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội, đồng thời “xóa” được điểm nghẽn lớn nhất về lao động hiện nay đó là vấn đề năng suất lao động.

L.Hà

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích