Khuyến cáo bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5

Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo các biện pháp tăng cường phòng ngừa cháy, nổ tới người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở; chủ hộ gia đình và người dân nâng cao ý thức về PCCC; thực hiện tốt các quy định về PCCC, các biện pháp phòng, chống cháy, nổ.

Cụ thể: Tại nơi vui chơi giải trí, tập trung đông người phải có sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn chung cho cả cơ sở, công trình và cho từng khu vực; có hệ thống đèn chiếu sáng sự cố, đèn chỉ dẫn hướng và đường thoát nạn tại nơi quy định; có giải pháp ngăn lửa và chống tụ khói cho lối thoát nạn. Không sử dụng cùng lúc nhiều thiết bị tiêu thụ điện vượt quá khả năng chịu tải của dây dẫn, ổ cắm.

Phân bổ thiết bị để đảm bảo công suất truyền tải, tránh quá tải gây cháy; khi lắp đặt thêm thiết bị có công suất lớn, phải lựa chọn dây dẫn phù hợp. Không sử dụng giấy bạc hoặc dây kim loại thay thế cầu chì bị đứt, aptomat bị hỏng, không cắm nhiều phích cắm trên 1 ổ cắm. Các mối nối phải chắc, gọn, so le, quấn bằng vật liệu cách điện. Không sạc điện thoại, xe máy điện, xe đạp điện, thiết bị tiêu thụ điện… qua đêm, khi không có người ở nhà.

Khuyến cáo bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5
Công an Hà Nội kiểm tra hướng dẫn người dân sử dụng phương tiện chữa cháy.

Đối với các hộ gia đình, nhà ống, nhà liền kề: Không tồn chứa xăng, dầu, cồn, gas, hóa chất nguy hiểm và các chất dễ cháy, nổ khác trong nhà; trường hợp cần thiết phải sử dụng thì hạn chế tối đa số lượng và phải có các giải pháp, biện pháp đảm bảo an toàn PCCC.

Không sắp xếp vật dụng che chắn, cản trở lối thoát nạn; sân thượng, mái phải bố trí thông thoáng và có lối lên từ tầng dưới qua các thang cố định và cửa đi, không khóa cửa lối lên mái đồng thời cần bố trí lối có thể sang được mái của nhà bên cạnh. Thời gian nghỉ lễ khi đi xa phải kiểm tra hệ thống gas (nếu có), hệ thống thiết bị điện trước khi ra khỏi nhà.

Nên lắp đặt thiết bị bảo vệ điện có mức độ an toàn cao như: Rơ le, cầu dao, aptomat tự động ngắt điện khi xảy ra sự cố quá tải, chập cháy cho đường dây điện trong nhà và từng thiết bị điện, đặc biệt là các thiết bị điện có công suất lớn; bóng đèn điện chiếu sáng, trang trí, bảng điện phải đặt cách xa vật dễ cháy tối thiểu 0,5m.

Bên cạnh đó, cần trang bị đầy đủ phương tiện chữa cháy phù hợp với quy mô, tính chất nguy hiểm cháy của từng cơ sở, công trình. Tăng cường công tác tự kiểm tra đối với lực lượng, phương tiện tại cơ sở. Đồng thời các cơ sở phải có kế hoạch phân công lực lượng thường trực 24/24 trong thời gian nghỉ lễ. Chủ động phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; đề ra tình huống phức tạp nhất để xử lý khi có sự cố cháy, nổ xảy ra; đặc biệt chú trọng công tác thoát nạn, cứu nạn tại các cơ sở, công trình.

Khuyến cáo bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5
Duy trì điểm chữa cháy công cộng tại địa bàn khu dân cư.

Đối với cơ quan, doanh nghiệp: Thực hiện tốt các điều kiện an toàn PCCC theo quy định trong quá trình sản xuất và khi nghỉ lễ, ngừng hoạt động, sản xuất và khi hoạt động trở lại nên vận hành từng công đoạn, tránh đồng loạt vận hành đóng điện sẽ gây quá tải, chạm chập gây cháy, nổ…

Tự tổ chức kiểm tra an toàn PCCC nhằm phát hiện kịp thời các thiếu sót; kiểm tra bảo dưỡng phương tiện PCCC đảm bảo sẵn sàng hoạt động hiệu quả khi cần; tắt điện tại các khu vực làm việc, dây chuyền sản xuất khi không sử dụng; phân công người trực tại cơ quan, doanh nghiệp 24/24 theo quy định.

Mặt khác, cơ quan đơn vị tổ chức tuyên truyền, huấn luyện cho những cán bộ, công nhân viên, lao động hợp đồng… làm việc trong từng cơ sở kỹ năng PCCC; thành thạo xử lý các tình huống, sự cố theo phương án đã đề ra; hướng dẫn người lao động sử dụng thành thạo các phương tiện chữa cháy tại chỗ, dụng cụ phá dỡ đã được trang bị và các kỹ năng thoát nạn khi có cháy.

Khuyến cáo bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5
Người lao động trong cơ quan, công sở phải sử dụng thành thạo các phương tiện chữa cháy tại chỗ.

Đối với người dân và các hộ kinh doanh: Nên cẩn trọng trong việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, nguồn điện khi nấu nướng vui chơi. Khi đi chơi xa, ra khỏi nhà phải kiểm tra an toàn PCCC tại nhà và tắt hệ thống điện, giảm nguy cơ gây cháy do điện.

Thường xuyên kiểm tra điều kiện an toàn PCCC trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh: Không sạc điện thoại, xe đạp, xe máy điện, thiết bị tiêu thụ điện qua đêm, không thể giám sát… Thường xuyên nhắc nhở, cảnh giác đề phòng cháy nổ và tham gia các hoạt động PCCC; trang bị sẵn bình chữa cháy, phương tiện thoát nạn…

Người dân khi đến những nơi tập trung đông người, cần thực hiện đầy đủ nội quy, quy định về PCCC, quan sát những nơi đặt bình chữa cháy, biển chỉ dẫn và sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn để kịp thời xử lý khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.

Tại các địa phương, địa bàn khu dân cư, cần thực hiện duy trì hiệu quả Tổ liên gia an toàn PCCC, điểm chữa cháy công cộng. Phong trào “Nhà tôi có bình chữa cháy” được phát động trên cả nước, với tinh thần tự ý thức trách nhiệm của mỗi người dân trong phòng chống “giặc lửa”.

Khuyến cáo bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5
Các bước xử lý khi phát hiện đám cháy.

Khi xảy ra cháy cần nhanh chóng gọi cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH theo số điện thoại 114, Đội Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an quận, huyện hoặc Công an xã, phường, thị trấn gần nhất. Và thực hiện quy trình các bước xử lý:

Bước 1: Báo động, hô hoán cho mọi người trong gia đình và người dân xung quanh biết.

Bước 2: Cắt điện. Sử dụng bình chữa cháy và các phương tiện tại chỗ để chữa cháy.

Bước 3: Tổ chức thoát nạn, cứu người bị nạn, di chuyển tài sản ra nơi an toàn.

Mỗi cơ quan, doanh nghiệp, gia đình và người dân hãy tích cực chủ động phòng cháy, sẵn sàng chữa cháy; không để xảy ra cháy, nổ là hạnh phúc của mọi người, mọi nhà, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, ổn định phát triển kinh tế xã hội.

Minh Phương

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích