Khủng hoảng thừa trong nước: Các nhà máy cọc đang khó khăn chồng chất do cung vượt cầu quá lớn
(Xây dựng) – Trước đây, cùng với sự tăng trưởng nhanh của nền kinh tế, các “cơn sốt” giá bất động sản đã tác động làm cho thị trường vật liệu xây dựng sôi động hẳn lên với sự phát triển vượt bậc cả về nhu cầu và năng lực sản xuất. Cũng chính bởi nguyên nhân này, khi thị trường bất động sản “đóng băng” đã gây nên tình trạng mất cân đối cung – cầu ở một số loại vật liệu xây dựng, trong đó có sản phẩm cọc bê tông. Các doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục mở rộng sản xuất cọc bê tông đã khiến cho cung đang vượt cầu quá lớn, năng suất của các nhà máy sản xuất cọc hiện gấp 200% – 300% nhu cầu của thị trường. Hiệp hội doanh nghiệp cọc Việt Nam và các chuyên gia đã có những chia sẻ về vấn đề này.
Hiệp hội doanh nghiệp cọc Việt Nam (VPIA) hoạt động trong lĩnh vực chuyên ngành nghề cọc và nền móng cọc. |
Hơn chục năm qua, đi kèm với sự phát triển của bất động sản và các nhà đầu tư nước ngoài, một loạt các nhà máy sản xuất cọc bê tông đã mọc lên trong cả nước. Theo ông Nguyễn Ngọc Hùng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp cọc Việt Nam (VPIA – Viet Nam Pile Industry Asociation), chỉ riêng 10 năm trở lại đây ước tính có hơn 60 nhà máy cọc ở Việt Nam (chỉ riêng Hiệp hội đã có gần 50 thành viên, có những thành viên có tới 2-4 nhà máy sản xuất cọc) với công suất gần 100 triệu mét dài cọc/năm. Trong khi đó nhu cầu trong cả nước thấp hơn mức cung rất nhiều. Đây là một con số đáng báo động. Chính vì vậy, hiện tại nhiều đơn vị đang sản xuất bằng giá thành, phải bán dưới giá thành để duy trì việc làm, hoặc một số nhà máy phải đóng cửa, ngoại trừ một số đơn vị xuất khẩu được. Kể cả giai đoạn cao điểm nhất, thị trường bất động sản tốt nhất như cách đây khoảng 2 năm, các nhà máy sản xuất cọc cũng chỉ hoạt động được 60% – 75% thời gian theo tính toán của dự án đầu tư ban đầu.
Trong khi đó một số doanh nghiệp ở địa phương vẫn đang tiếp tục đầu tư mở thêm nhà máy sản xuất loại vật liệu này. Đặc biệt, khu vực đồng bằng sông Hồng chiếm 40% các nhà máy trên cả nước khiến hiện tượng khủng hoảng thừa càng trở nên lớn hơn tại đây.
Cũng theo ông Hùng, chi phí đầu tư cho mỗi một nhà máy cọc lên tới gần 200-500 tỷ đồng. Như vậy với hơn 60 nhà máy cọc, tổng mức đầu tư là khoảng hơn 1 tỷ USD nhưng chỉ khai thác 35 – 50% công suất, ngoại trừ một số nhà máy có thương hiệu và vị trí tốt mới có thể đạt 60 – 75% công suất.
Theo Hiệp hội doanh nghiệp cọc Việt Nam, các doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục mở rộng sản xuất cọc bê tông đã khiến cung đang vượt cầu quá lớn, năng suất của các nhà máy sản xuất cọc hiện gấp 200% – 300% nhu cầu của thị trường. |
Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng đây là sự lãng phí lớn không những của doanh nghiệp mà còn là sự lãng phí của xã hội. Nên chăng các nhà đầu tư, các doanh nghiệp cũng như lãnh đạo các tỉnh đang dự định phát triển các nhà máy cọc bê tông cần nghiêm túc nhìn nhận lại vấn đề này, vừa giảm thiệt hại cho doanh nghiệp đầu tư, vừa giảm lãng phí tài sản của xã hội.
Nhìn vào sự phát triển kinh tế xã hội và tình hình cung cầu thị trường cọc hiện nay có thể thấy, số lượng, năng suất các nhà máy cọc hiện có đã đủ để đáp ứng nhu cầu cọc trong 20-30 năm tới và có thể vẫn xảy ra tình trạng cung vượt cầu. Vì vậy, các chủ đầu tư, các doanh nghiệp không nên đầu tư thêm các nhà máy cọc để tránh tình trạng khủng hoảng thừa nghiêm trọng hơn. Nếu doanh nghiệp tiếp tục đầu tư nhà máy cọc sẽ khó tiêu thụ, không hiệu quả dẫn đến lãng phí nguồn lực.
Đối với việc cấp phép đầu tư nhà máy cọc (ngoài các dự án đã cấp phép đầu tư), các địa phương cũng cần xem xét và khuyên các nhà đầu tư tạm dừng phát triển các nhà máy cọc bởi tình trạng cung vượt cầu quá lớn. Đối với các nhà máy đã có chủ trương đầu tư, giấy phép xây dựng, doanh nghiệp nên xem xét chuyển sang sản xuất các loại cấu kiện, vật liệu khác hiệu quả hơn.
Chia sẻ về vấn đề trên, ông Lê Trung Thành – Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết: “Với tình hình sản xuất cọc bê tông cung vượt cầu, nguyên nhân chính có lẽ là do các nhà đầu tư có nhận định chưa hợp lý về tốc độ phát triển ngành Xây dựng cũng như tốc độ áp dụng giải pháp kỹ thuật cọc bê tông thay thế các giải pháp truyền thống khác để xử lý nền đất công trình, dẫn đến nhu cầu thị trường không như kỳ vọng. Đặc biệt trong mấy năm gần đây thị trường bất động sản trong nước giảm cũng là nguyên nhân làm giảm đầu ra cho sản phẩm cọc bê tông của các doanh nghiệp sản xuất”.
Theo ông Lê Trung Thành, để giải quyết vấn đề này, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp cần đánh giá lại nhu cầu thị trường để điều chỉnh sản lượng cọc cho phù hợp, chuyển hướng một phần sang xuất khẩu các sản phẩm mà thị trường các nước đang có nhu cầu nhưng vẫn tận dụng được nhân sự, dây chuyền công nghệ, nhà xưởng… nhằm giảm bớt thiệt hại đầu tư cũng như thu hồi vốn. Đối với các địa phương có nhu cầu xây dựng không cao, không gần các thị trường xây dựng lớn, không có lợi thế về nguyên vật liệu, không thuận lợi về giao thông thì việc đánh giá nhu cầu thị trường càng đặc biệt quan trọng để quyết định việc đầu tư cho hợp lý.
Ngoài các giải pháp trên, việc cân đối cung – cầu thị trường cọc bê tông cũng phụ thuộc nhiều vào việc giải ngân vốn đầu tư công các dự án hạ tầng kỹ thuật, giao thông, thuỷ lợi của Chính phủ và sự phục hồi của thị trường bất động sản của nước ta trong thời gian tới.
Bên cạnh vấn đề khủng hoảng cầu vượt cung quá lớn, các chuyên gia cũng khuyến khích các chủ đầu tư, đơn vị thiết kế nên áp dụng cọc ly tâm thay thế cọc vuông vừa tiết kiệm thời gian, tiến độ, vừa tiết kiệm giá thành 20-30% so với cọc nhồi, vừa đảm bảo môi trường, vừa chống lãng phí các nhà máy cọc.
Ông Lê Trung Thành – Viện trưởng Viện Vật liệu Xây dựng chia sẻ: “Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, trong những năm gần đây ở nước ta cọc bê tông đúc sẵn, đặc biệt là cọc bê tông ly tâm dự ứng lực đang được sử dụng hiệu quả để xử lý nền đất yếu trong nhiều công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông, thuỷ lợi. Hiện nay, các sản phẩm cọc bê tông khá đa dạng, các nhà máy có thể sản xuất cọc bê tông ly tâm có đường kính đến 1,2m, chiều dài đến 36m, bê tông có cường độ nén đến 105MPa. Khi thi công, ngoài phương pháp ép (chỉ áp dụng được cho cọc có đường kính nhỏ, cấu tạo địa chất nền móng không phức tạp) các nhà thầu cũng đã áp dụng phương pháp khoan hạ hoặc khoan thả (tương tự thi công cọc khoan nhồi) nên có thể thi công được các loại cọc có đường kính lớn và chiều sâu dài”.
Cọc bê tông ly tâm có nhiều ưu điểm như khả năng chịu tải lớn; chất lượng ổn định do được sản xuất tại nhà máy; không bị biến dạng và nứt trong quá trình vận chuyển và thi công; bê tông có cường độ cao và đặc chắc nên tăng độ bền trong môi trường xâm thực khi làm việc; do sử dụng bê tông và thép có cường độ cao nên giảm được tiết diện bê tông và cốt thép, giảm được giá thành; trọng lượng nhẹ hơn cọc bê tông thông thường nên thuận lợi trong quá trình vận chuyển; tiến độ thi công nhanh và ít gây ô nhiễm môi trường do không xả thải bùn khoan bentonite như thi công cọc khoan nhồi. Chính vì vậy, xu hướng các dự án xây dựng sử dụng cọc bê tông ly tâm thay thế cọc khoan nhồi trong xử lý nền đất yếu ngày càng tăng ở nước ta.
Nhiều doanh nghiệp lớn đã hướng mục tiêu trọng tâm sang xuất khẩu cọc ra thị trường nước ngoài để giải quyết khó khăn của khủng hoảng thừa ở thị trường cọc bê tông trong nước. |
Trao đổi với ông Phạm Văn Nghị – Tổng Giám đốc Nhà máy cọc bê tông AMACCAO về vấn đề khủng hoảng thừa cọc bê tông hiện nay, ông Nghị cho biết: “Thực trạng cung lớn hơn cầu nhiều lần dẫn đến các doanh nghiệp sản xuất cọc bị khách hàng ép giá, áp điều kiện hợp đồng trả chậm khiến doanh nghiệp lỗ, mất cả lãi lẫn gốc… Đây là bài học mà chúng tôi cần rút kinh nghiệm. Chúng tôi cũng may mắn hơn vì có thương hiệu, có dây chuyền tự động nên cạnh tranh được, có được sự hợp tác lâu năm với các khách hàng lớn trong nước… Ngoài ra để khắc phục vấn đề này, hiện chúng tôi đang mở rộng sang xuất khẩu ra thị trường nước ngoài và xác định xuất khẩu là trọng tâm trong những năm tiếp theo. Nhờ vậy, doanh nghiệp hiện vẫn đảm bảo việc làm, nhưng về lâu dài cũng không tránh khỏi khó khăn. Tôi được biết nhiều nhà máy cọc khác trong nước hiện đang trong tình trạng “chết lâm sàng”, khó khăn chồng chất. Vì vậy, chúng tôi rất mong các cơ quan truyền thông, báo chí nên cảnh báo về tình trạng khủng hoảng thừa này bởi cung cao gấp 2-3 lần cầu trong một ngành là vấn đề rất lớn, đồng thời định hướng các doanh nghiệp và địa phương cần xem xét thận trọng trước khi phát triển thêm các nhà máy cọc mới. Không chỉ ngành cọc mà bất cứ ngành nào, doanh nghiệp và nhà đầu tư nên xem xét trước khi đầu tư, tính đến yếu tố thị trường để tránh lãng phí cho doanh nghiệp cũng là tránh lãng phí cho xã hội, đất nước”.
Hiệp hội doanh nghiệp cọc Việt Nam (VPIA – Viet Nam Pile Industry Asociation) được thành lập trên cơ sở kiện toàn, nâng cấp Hiệp hội doanh nghiệp cọc phía Nam. VPIA hoạt động trong lĩnh vực chuyên ngành nghề cọc và nền móng cọc, nghiên cứu và đào tạo công nhân nghề cọc trên phạm vi cả nước, theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tự trang trải về tài chính và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hoạt động của Hiệp hội. Tính đến nay, Hiệp hội đã có gần 50 hội viên, pháp nhân là các doanh nghiệp sản xuất đa dạng nhiều loại cọc trong cả nước. |
Nguồn: Báo xây dựng