“Khúc hát từ lòng sông” – Đài hương tưởng nhớ những anh hùng, liệt sỹ hải quân trên dòng sông Gianh linh thiêng
(Xây dựng) – Đúng dịp cả nước kỷ niệm chào mừng 48 năm đất nước thống nhất – Đại thắng mùa Xuân 1975 Bắc – Nam liền một dải; Nhà giáo, nhà thơ, NSNA Cảnh Giang hoàn thành bản trường ca thứ 2 của đời mình về dòng sông Gianh – Đại Linh Giang lịch sử: “Khúc hát từ lòng sông”.
Tác giả trường ca Cảnh Giang và Nhà báo Lê Quang Vinh bên bờ sông Gianh ở làng Lộc Điền, xã Quảng Thanh – Địa phương đã đưa nhiều thuyền ra giữ lòng sông để tiếp nhận thương binh, liệt sỹ trong thời khắc máy bay Mỹ bám đuổi tàu Hải quân bắn phá, ném bom dữ dội vào chiều 28/4/1965. |
Sáng (29/4/2023), tôi đọc một hơi bản trường ca do Nhà thơ gửi từng đoạn qua zalo lúc 5 giờ 49′ ngày 27/4/2023. Tôi không ngạc nhiên bởi bút lực của Cảnh Giang đã bước sang “75 mùa Xuân” rồi mà vẫn mới mẻ, khác lạ; vẫn giữ được phẩm chất nghệ thuật hình thành bấy lâu trên “con đường thơ” tươi xanh của mình.
Câu chuyện chính được kể lại là cuộc chiến đấu diễn ra vào ngày 28/4/1965 của 5 tàu tuần tiễu Quân chủng Hải quân nhân dân đồn trú tại Quân cảng sông Gianh ở cửa biển Thanh Khê. Cả 5 con tàu đã kiên cường đánh lại lũ giặc trời với ưu thế tuyệt đối vượt trội, gồm hàng chục máy bay hiện đại Thần Sấm, Con Ma, F15, F16… với hàng trăm lượt xuất kích từ Hạm đội 7 Thái Bình Dương, tập trung oanh kích toàn bộ 5 con tàu Hải quân nhân dân Việt Nam đang ngụy trang thành các lùm cây sơ tán trên dọc tuyến sông Gianh thuộc Nguồn Nậy. Đó là những địa điểm nước sâu ở các khúc sông chảy qua Lèn Bảng xã Tiến Hóa, làng Lệ Sơn, xã Văn Hóa (huyện Tuyên Hóa); làng Tiên Lệ, xã Quảng Tiên. Sang buổi chiều thì trận đánh diễn ra trên khúc sông làng Lộc Điền, xã Quảng Thanh, làng Thổ Họa, xã Quảng Thuận (huyện Quảng Trạch) và khu vực Quân cảng sông Gianh ở cửa biển Thanh Khê.
Sau 1 ngày vật lộn trên sông nước, những “lùm cây di động” (là các tàu Hải quân nhân dân) đã bắn rơi 5 máy bay của không quân Mỹ, có chiếc rơi tại chỗ cùng nhiều chiếc khác bị thương phải bay ra biển. Nhưng phía ta, cả 5 tàu chiến cũng bị bom đạn lũ giặc trời đánh chìm. Nhiều cán bộ, chiến sỹ hy sinh. Có thể nói, đây là trận đánh bi hùng nhất trên dòng sông Giang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân dân ta ở miền Bắc.
“Khúc hát từ lòng sông” – trường ca thứ 2 Cảnh Giang viết về dòng sông cùng những con người từng sống, chiến đấu trên quê hương mình. Trước đó, đầu năm 2015, ông đã xuất bản “Sóng Linh Giang” – một trường ca dựng lại cội nguồn, lịch sử của cả vùng châu thổ sông Gianh – gồm bốn huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa, Bố Trạch, Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn.
Chương I với chủ đề “Sông Gianh huyền thoại”, tác giả dành những câu thơ đẹp nhất, trĩu nặng ân tình về Cha mẹ mình. Bởi chính cuộc đời họ đã hóa vào sóng nước, cỏ cây đôi bờ sông Gianh để thành một con sông quê hương trong trái tim thi sỹ – nguồn mạch sáng tạo nên “Khúc hát từ lòng sông” hôm nay.
“Tiếng vọng thời gian/ Man mác cội nguồn/ Bóng mẹ chân trần nặng gánh mưa tuôn/ Hết chợ Ba Đồn, qua chợ Trường, chợ Mới/ Dấu chân mẹ giọt mồ hôi nắng dội/ Lặn lội thân cò, tần tảo bến quê…”. Đây là hình ảnh cụ thể của người mẹ Cảnh Giang. Nhưng qua những vần thơ biểu trưng này thì đó cũng là “Người mẹ đất nước” rồi.
Hình ảnh người Cha cũng vậy: “Thương nhớ Cha xưa vẫn khuya sớm đi về/ Manh áo, miếng cơm/ Nhọc nhằn đò ngang, đò dọc/ Đồng Hới – Tua Ran vượt biển đời xuôi ngược/ Mơ mai sau con khôn lớn nên người…”.
Đoạn thơ như tác phẩm điêu khắc, được nhà nghệ sỹ “đúc”, “chạm” tài tình về hình ảnh người Mẹ người Cha với những đường nét, hình khối rất riêng, khó ai có thể biểu tả cha mẹ mình thiệt với đời thường như vậy. Nhưng qua những nét “chạm trổ” độc đáo đó, các cụ cũng lại là người mẹ người cha của mỗi chúng ta.
(Tôi muốn nhâm nhi lại đoạn thơ rất hay này: “Bóng mẹ chân trần nặng gánh mưa tuôn/ Hết chợ Ba Đồn, qua chợ Trường, chợ Mới/ Dấu chân mẹ giọt mồ hôi nắng gội/ Lặn lội thân cò, tần tảo bến quê…”; “Manh áo, miếng cơm,/ Nhọc nhằn đò ngang, đò dọc/ Đồng Hới – Tua Ran vượt biển đời xuôi ngược”…).
Chúng ta trân trọng, biết ơn tình cảm, sự sáng tạo của thi sỹ “Bọ rin”, đã thay chúng ta tri cố lại hình ảnh cha mẹ, ông bà, cụ kỵ… thân thương của mỗi chúng ta và con cháu trên vùng quê sông nước vừa sơn thủy hữu tình, vừa chất chứa hào khí của những lớp người mở cõi, dựng xây nơi đây.
Chương II “Quân cảng sông Gianh” – lời thơ đằm lại, đây là thời khắc của những “Vạn sự khởi đầu nan” của một quân chủng mới – Quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam ra đời:
“Chuyến hàng đầu tiên mang nghĩa, bao tình
Biển dữ dội và gặp tàu quân cướp nước
Là bài học cho con đường phía trước
Cho những chuyến hàng qua bão táp, phong ba…
Những người Tiên phong đi về phía biển xa
Thành ngọn hải đăng chói ngời phía trước
Các anh Nguyễn Bất, Trần Mức người chỉ huy thao lược
Huỳnh Sơn, Huỳnh Ba, Nguyễn Nữ, Nguyễn Sanh”.
Cũng từ Sông Gianh, cùng Đồ Sơn – Hải Phòng, “con đường mòn Hồ Chí Minh trên biển” hình thành. Đó là “phép thần của lịch sử”, của những người lính hóa thân thành “dân chài lưới” đánh cá trên biển để thực hiện một cuộc trường chinh lâu dài, oanh liệt nhất trong mấy nghìn năm chống xâm lăng của cha ông ta.
Chương III – Khúc dạo đầu chiến thắng cuộc leo thang
“Mồng 5 tháng 8 năm sáu tư (1964)
Cả miền Bắc, khắp trời cao, biển cả
Hàng trăm máy bay
Gầm rít
Bom rơi
Lửa khói ngút trời…
Tàu 527 ở cửa Ròn
Cùng quân dân Cảnh Dương
Kiên cường đánh trả
Tàu 181- 183 ở cửa Gianh Nổ súng – bắn máy bay từ loạt đạn đầu tiên
Ba tàu Phân đội 6: 173-175- 177
Cùng quân dân Nam Bắc sông Gianh
Bắn cháy máy bay F8U vùi sâu đáy biển
Cùng Bãi Cháy – Hạ Long Cửa Hội – Vinh
Bến Thủy – Nghệ An
Lạch Trường Thanh Hóa
Lưới lửa phòng không
Kiên cường – đánh trả…
Tám máy bay thù
Tan xác giữa trời cao”!
Ngày 5/8/1964, đế quốc Mỹ huy động 64 máy bay bất ngờ tiến công những nơi xung yếu của phên dậu miền Bắc. Chúng ồ ạt ném bom, bắn rốc két vào nhiều mục tiêu quan trọng ven biển phía Bắc vĩ tuyến 17 là Cảng Gianh (Quảng Bình), Vinh – Bến Thủy (Nghệ An), Lạch Trường (Thanh Hóa), Bãi Cháy (Quảng Ninh). Đây là trận oanh kích mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại quy mô lớn vào miền Bắc Việt Nam. Nhờ đánh giá đúng âm mưu, thủ đoạn của địch, với tinh thần cảnh giác và sẵn sàng chiến đấu cao độ, quân và dân miền Bắc với nòng cốt là lực lượng Phòng Không – Không quân và Hải quân nhân dân, đã anh dũng đánh trả các đợt bắn phá của địch. Chúng ta đã bắn rơi 8 máy bay, bắt sống 1 giặc lái và tiêu diệt nhiều phi công Mỹ, giáng cho Mỹ đòn thất bại cay đắng, nặng nề đầu tiên.
Những câu thơ cất lên đầy hào sảng: “Tàu 527 ở cửa Ròn/ Cùng quân dân Cảnh Dương/ Kiên cường đánh trả/ Tàu 181-183 ở cửa Gianh Nổ súng – bắn máy bay từ loạt đạn đầu tiên”.
Trận mở màn “Mồng 5 tháng 8 năm sáu tư (1964)” chống lại cuộc chiến tranh phá hoại do đế quôc Mỹ phát động: “Cả miền Bắc, khắp trời cao, biển cả/Hàng trăm máy bay/ Gầm rít/ Bom rơi/ Lửa khói ngút trời…”. Đó là bức tranh quá chân thực, nên vẫn nóng bỏng trong ký ức không riêng thế hệ nhà thơ mà cho nhiều thế hệ mai sau nữa.
Chương IV: Sông Gianh còn vọng mãi chiến công
Trận đánh lịch sử trên sông Gianh cách đây 58 năm (ngày 28/4/1965). Khi máy bay do thám của quân đội Mỹ phát hiện tại một số nơi đang sơ tán trên nguồn Rào Nậy – sông Gianh, có 5 tàu tuần tiễu của Quân cảng sông Gianh chuyên làm nhiệm vụ bảo vệ bờ biển từ Nghệ An đến cửa Tùng thuộc Quân khu 4, giặc Mỹ đã huy động hàng trăm lượt máy bay bám riết 5 con tàu tuần tiễu đó để tiêu diệt.
Cuộc đối đầu không cân sức từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều ngày 28/4/1965 giữa 5 tàu Hải quân nhân dân Việt Nam với không lực Hoa Kỳ mạnh nhất thế giới, đã diễn ra vô cùng ác liệt. Sau 3 giờ chiến đấu, Tàu 165 chìm ở sát chân lèn Bảng xã Tiến Hóa – đối diện làng Lệ Sơn, xã Văn Hóa. Tàu 126 và 163 thì hơn nửa ngày đánh trả quyết liệt, đúng lúc thủy triều rút đã mắc cạn không còn cơ động được, liền bị trúng đạn chìm ở khúc sông ngang làng Tiên Lệ thuộc xã Quảng Tiên. Đến chiều, hai tàu còn lại là 161 và 173, trên đường chạy về hướng biển, đã hợp đồng cùng dân quân xã Quảng Thanh – nơi có lòng sông sâu và rộng, để chuyển giao thương binh, liệt sỹ lên bờ. Trong khi máy bay Mỹ quần thảo, ném bom, xả đạn như mưa xuống cả khúc sông Lộc Điền, bà con ở đây can trường không kém, kịp thời đưa nhiều thuyền gỗ ra tiếp ứng. Hai tàu Hải quân nhanh chóng chuyển giao xong thương binh, liệt sỹ vẫn tiếp tục vừa chạy vừa đánh trả máy bay địch.
Tàu 173 chạy tới đoạn sông xã Quảng Thuận thì bị trúng đạn rất nặng, chìm ở đây. Tàu 161 tốc lực chạy về khu vực Quân cảng sông Gianh (cửa biển Thanh Khê), trúng rốc két bị chìm nốt.
Khúc sông Gianh – Nơi chứng kiến trận đánh ác liệt giữa Quân chủng Hải quân Việt Nam với Không quân Mỹ. |
Như vậy, kết thúc trận chiến đấu ngày 28/4/1965, cả 5 con tàu Hải quân đều bị đánh đắm. Tổn thất sinh mạng có 37 cán bộ – chiến sỹ hy sinh, 73 cán bộ – chiến sỹ bị thương. Phía Mỹ bị tàu Hải quân nhân dân Việt Nam tiêu diệt 5 máy bay, nhiều chiếc khác bị thương.
“58 năm rồi
Lịch sử đất nước không quên
Một ngày bão nổi
Một ngày sông Gianh còn vọng mãi chiến công
Quân dân hai bên bờ sông
Chiến đấu hợp đồng
5 con kình ngư – Quân cảng Sông Gianh
Với lũ hiếu chiến Huê Kỳ
Mạnh giàu – Tối tân – Hiện đại
Chúng sa lầy miền Nam
Lầu 5 góc hung tàn – điên dại
5 máy bay tan thây
Bởi sức mạnh kiên cường
5 con tàu tuần tiểu thân thương
Cùng 37 người con
Yên nghỉ ngàn năm trong lòng sông Huyền thoại
Lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam
Vẫn còn ghi mãi
Trận đánh mở màn
Đụng độ cuộc leo thang
Trận đánh lớn nhất
Quyết liệt gian nan
Lấy đại nghĩa để thắng hung tàn đế quốc
Rực Huân chương
Cho những con tàu tiêu biểu nhất
161- 126 -173
Cùng hàng trăm Huân chương chiến công
Như hương hoa ngào ngạt
Trên Tượng đài
Chiến thắng Sông Gianh
Lòng mẹ – lòng sông
Trân quý muôn đời…”.
Chương V: “Đau đáu một tượng đài”
“Nửa thế kỷ đi qua
Đất nước – lời ru
Nơi bến sông
Của đôi bờ Linh Giang huyền thoại
Ước có một tượng đài
Bên bóng lèn sừng sững
Nơi hai con tàu xưa
Mắc cạn súng vươn nòng
Bát ngát mênh mông
Lòng Mẹ, lòng sông
Ôm 5 con tàu
Dạt dào sóng vỗ
Dũng mãnh – Oai hùng
Lừng lẫy những chiến công
Các chú Hải quân
Áo trắng như sóng bạc đầu
Đạp lên đầu thù xốc tới
Như mây trời
Gấm vóc non sông
Như nước biển xanh
Đưa con tàu
Ra khơi
Vào lộng
Giữ bình yên Tổ quốc
Giữa sóng gầm biển động
Kẻ thù nào đến đây
Cũng dìm đáy biển sâu
Cờ đỏ tung bay
Hùng vĩ những con tàu…
Chiếc cầu vồng vắt qua
Nối tượng đài
Dưới lèn cao vời vợi
Với bến quê hương
Mang nặng yêu thương
Để các thế hệ hôm nay
Nhớ một thuở chiến trường
Ầm ầm lửa khói
Tôn vinh muôn đời
37 bông hoa
Những liệt sỹ anh hùng
Cùng 5 con tàu
Đã hóa thành bất tử
60 năm đi qua
Chói ngời trang sử
Truyền thống Hải quân
Quân đội anh hùng…”
Tôi thực sự xúc động khi đọc đoạn kết này – nó khép lại một ký ức không thể đau buồn hơn về tổn thất 37 sinh mạng cùng 5 con tàu đang nằm dưới đáy sông Gianh. Mạch thơ nghẹn lại, nhưng như sóng triều, nó thúc dục mỗi chúng ta tiếp nối truyền thống “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của những đơn vị Hải quân 58 năm trước: “Nửa thế kỷ đi qua/ Đất nước – lời ru/ Nơi bến sông/ Của đôi bờ Linh Giang huyền thoại”.
Tác giả thấu hiểu sâu sắc đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, đã dành những lời thơ tha thiết nêu cao trách nhiệm tri ân của thế hệ mình, thế hệ con cháu mai sau. Đó cũng là nguyện vọng của hàng chục vạn người dân đôi bờ “Linh Giang huyền thoại”: “Ước có một tượng đài/ Bên bóng lèn sừng sững/ Nơi hai con tàu xưa/ Mắc cạn súng vươn nòng/ Bát ngát mênh mông”; “Chiếc cầu vòng vắt qua/Nối tượng đài/ Dưới lèn cao vời vợi/ Với bến quê hương/ Mang nặng yêu thương/ Để các thế hệ hôm nay/ Nhớ một thuở chiến trường”…
Trước khi dừng bài viết này, tôi muốn dẫn lại nhận xét khá tinh tế của cố Nhà thơ Ngô Minh (Ngô Minh Khôi) cách đây 10 năm về thi sỹ Cảnh Giang trên Báo Công an Đà Nẵng (13/11/2013): “Tập thơ tình nồng cháy với 120 bài thơ Sonne. Đây là lần đầu tiên tôi đọc một tập thơ dày của một tác giả Việt Nam viết chuyên về Sonne, chỉ trong một năm, từ tháng 7/2012 đến tháng 7/2013 mà đậm đặc đến thế.
Hình như ngày nào Cảnh Giang cũng “Sonne em”. Chỉ chừng đó thôi cũng đủ cảm phục sức cảm, sức viết của Cảnh Giang nơi miền quê Thanh Trạch bên dòng sông Gianh cuồn cuộn ấy”.
Riêng tôi, trong bài phê bình văn học – có tên “Một bài thơ hay về làng Minh Lệ của thi sỹ Cảnh Giang” (17/12/2018), đã rất ấn tượng về ông: “Thi sỹ – Nhiếp ảnh gia – Thầy giáo Cảnh Giang, một người con của làng biển Thanh Khê (xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình). Ông là con người hết lòng vì công việc, gia đình, bạn bè; cũng là người có trái tim đa cảm, đa sầu, khát khao “yêu đương” – dẫu nay 70 “xuân xanh” rồi mà yêu vợ, yêu những người phụ nữ đẹp như… “mối tình đầu” của cuộc đời đã từng trải của mình.
Tôi luôn bái phục tình cảm nồng nhiệt nơi Cảnh Giang trong mọi ứng xử. Đặc biệt tài thơ – có thể ngồi ở đâu, bất kỳ trạng thái nào cũng có thể làm thơ được; từng có khá nhiều bài rất hay, đi vào lòng công chúng”.
Nguồn: Báo xây dựng