Khu tập thể xưa – nhà ở xã hội nay
Sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, công cuộc tái thiết và phát triển Thủ đô Hà Nội được triển khai trên mọi phương diện.
Nhu cầu nhà ở ngày càng tăng do dân số tăng gấp nhiều lần so với thiết kế ban đầu, điều này đặt ra yêu cầu cấp bách giải quyết vấn đề chỗ ở cho cán bộ, công nhân, viên chức. Các khu tập thể dần được quy hoạch xây dựng trong từng giai đoạn và là biểu tượng của tiến bộ xã hội trong giai đoạn đó. Phải chăng, chính những khu tập thể đó là “tiền thân” của mô hình “Nhà ở xã hội” bây giờ?
Một trong những văn bản đầu tiên xuất hiện cụm từ “Nhà ở xã hội” (NƠXH) là Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia được ban hành theo Quyết định số 76/2004/QĐ-TTg ngày 6-5-2004, trong đó có đưa ra định nghĩa về Quỹ NƠXH như là “quỹ nhà ở do Nhà nước hỗ trợ chính sách đầu tư xây dựng nhằm bán trả dần, cho thuê – mua và cho thuê đối với các đối tượng thuộc diện chính sách có khó khăn trong việc cải thiện chỗ ở”.
Ở đây, khái niệm NƠXH đã xuất hiện một cách gián tiếp qua một khái niệm khác về quỹ nhà ở thuộc sở hữu của Nhà nước, và có vẻ như đó là sự kế thừa của quan điểm về Quỹ nhà ở trong các văn bản trước đó.
Khu nhà ở xã hội Đặng Xá, huyện Gia Lâm có nhiều tiện ích phục vụ cộng đồng dân cư. Ảnh: Tiến Tuấn |
Cũng là nhà trong Quỹ nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, các khu tập thể thời bao cấp được phân cho cán bộ, công nhân viên chưa có nhà ở, dựa trên các tiêu chí chấm điểm tùy thuộc vào cơ quan công tác, thì với NƠXH, các đối tượng thụ hưởng chính sách đa dạng hơn, nhiều thành phần đang gặp khó khăn. Điều này tạo nên văn hóa, lối sống đặc trưng riêng của từng loại hình.
Các khu tập thể với cộng đồng dân cư khá đồng đều về mặt tri thức, thu nhập, thậm chí cùng cơ quan, nhà máy. Điều này làm cho cộng đồng gắn kết với nhau một cách bền chặt, tinh thần tương thân tương ái, hỗ trợ lẫn nhau trở thành nét văn hóa đặc trưng.
Góp phần tạo nên không gian và môi trường sống hòa đồng, đoàn kết của khu tập thể lại chính nhờ sự hạn chế của các khu tập thể thời bao cấp, đó là không gian riêng tư khá ít. Phần lớn các gia đình phải sử dụng chung bếp, khu vệ sinh… Sự nhường nhịn, cách cư xử ý tứ, sự kiên nhẫn luôn được đề cao đi kèm với không gian giao tiếp nhiều hơn khiến những cư dân của khu tập thể càng trở nên gần gũi và chia sẻ nhiều hơn – điều mà các khu NƠXH khó mà thiết lập và duy trì.
Nếu như ở các khu tập thể, mọi người “trông nhau mà sống” thì sự đa dạng của cư dân tại các khu NƠXH làm cộng đồng không có mặt bằng chung. Đây cũng là yếu tố cản trở trong việc xây dựng văn hóa cộng đồng. Văn hóa cộng đồng, trật tự, an toàn cũng như sự tôn trọng người dân trong khu NƠXH lúc này duy trì được là nhờ ban quản lý hoặc một vài thành viên có nhiệt huyết, có thời gian để kết nối toàn khu thông qua những bộ quy chế quản lý, quy chế hành xử chung cho cư dân.
Sự biệt lập và tiện nghi khiến cho mỗi gia đình sống co cụm, không có nhiều sự giao tiếp với hàng xóm. Các hoạt động thể thao, văn hóa tại các khu NƠXH phong phú, dồi dào hơn so với các khu tập thể thời bao cấp nhờ hệ thống hạ tầng được quy hoạch và bố trí khá đầy đủ, hiện đại, nhưng sự gắn kết, “tình làng nghĩa xóm” không thể được như ở các khu tập thể thời bao cấp. Cũng chính cái “tình làng nghĩa xóm” bao bọc lấy nhau ấy mà các khu tập thể thời bao cấp đều bình yên và an toàn mà không cần bất cứ một ban quản trị hay bảo vệ nào.
NƠXH thời nay phổ biến hơn với thiết kế hiện đại hơn, tôn trọng nhu cầu cá nhân nhiều hơn nhưng những ký ức về khu tập thể lại mang nhiều màu sắc và cảm xúc cho những người cư ngụ tại đó bởi tính cộng đồng và văn hóa đặc trưng. Vì thế, việc hình thành văn hóa cộng đồng đoàn kết bền chặt trong đời sống hiện đại ở những khu NƠXH thời nay vẫn đang là một thách thức lớn, cần sự chung tay của các cư dân và chính quyền Thành phố.
Nguồn: Báo xây dựng