Khu lưu niệm danh nhân Nguyễn Trãi: Địa chỉ “đỏ” cho người yêu văn hóa, lịch sử
Thường Tín là “thủ phủ” làng nghề của cả nước và xã Nhị Khê là “thủ phủ” di tích của huyện. Thường Tín – vùng đất danh hương là nơi sinh ra nhiều nhà khoa bảng, hiện còn giữ được những nếp làng truyền thống tuyệt đẹp. Quan trọng hơn, chính quyền và nhân dân nơi đây luôn có ý thức gìn giữ di tích, vẻ đẹp truyền thống làng quê.
Tại Nhị Khê, từ năm 2016, huyện Thường Tín đã có chủ trương thực hiện dự án gìn giữ, bảo tồn, xây dựng và tu bổ phát huy quần thể di tích về Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi. Đó là chủ trương đúng đắn, được sự ủng hộ của các cấp chính quyền thành phố và nhân dân.
Khu lưu niệm Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi có diện tích 2,7ha, nằm ở Khu Ao Huê – Trại Ổi, nơi cụ Nguyễn Phi Khanh (cha của Nguyễn Trãi) mở trường dạy học. Khu lưu niệm là tâm huyết, là công trình tôn vinh, tưởng nhớ tới công lao to lớn của anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi trên quê hương Thường Tín.
Khuôn viên Nhà thờ dòng họ Nguyễn Trãi (thôn Nhị Khê, xã Nhị Khê, huyện Thường Tín) |
Cụ Nguyễn Thông, hậu duệ đời thứ 18 của Nguyễn Trãi cho biết: Đây là nơi có thế đất “đầu sơn, chân thủy”, “địa linh, nhân kiệt”. Khu lưu niệm được huyện Thường Tín đầu tư xây dựng với quy mô rộng lớn và nhiều hạng mục khiến gia tộc chúng tôi thực sự cảm thấy tự hào và vô cùng vinh dự.
Cách trung tâm Hà Nội chưa đầy 20km, Nhị Khê có tên Nôm là làng Dũi, xưa thuộc tổng Cổ Hiền, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam, nay thuộc huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội. Nhị Khê là điểm đến hấp dẫn, bởi đây là mảnh đất văn hiến, khoa bảng, quê hương của những bậc danh nhân như Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Trãi, Lương Văn Can, Lương Ngọc Quyến… Nhị Khê còn nổi tiếng với nghề tiện truyền thống, chuyên cung cấp những sản phẩm tiện bằng gỗ vô cùng tinh xảo cho thị trường cả nước.
Suốt bao năm qua, người dân Nhị Khê đã dày công tạo dựng quê hương, đã xây cất nên những Quán Rồng, Quán Phượng, cầu Vân, đình Ba Chạ, chùa Thông… Mỗi cái tên ấy đều gắn bó với một sự tích. Như Quán Rồng, tương truyền trong ngày khánh thành Trùng tu đình làng Nhị Khê, nhà vua có về dự lễ, thuyền dừng lại ở con sông nhỏ, ăn thông ra sông Tô Lịch. Để ghi dấu nơi nhà vua dừng thuyền, các bô lão trong làng đã cho xây quán và mang tên Quán Rồng. Còn quán Phượng là nơi nghỉ của các quan văn võ, cung phi đi theo hộ giá nhà vua.
Khu văn bia được xây dựng ở đầu phía đông cầu Vân – bắc qua sông Tô Lịch, trên cánh đồng bãi sếu giữa Nhị Khê và Trung Thôn, trên khoảng đất rộng chừng hai sào Bắc bộ (720m2) gồm Khu văn chỉ thờ Khổng Tử – là nơi tế lễ hằng năm các bậc chí tôn trong đạo Nho; song song với văn chỉ là nhà bia. Tấm bia cổ nhất được dựng vào năm 1690, có ghi tên, chức vụ những người trong vùng Nhị Khê, đỗ đạt khoa bảng thời Trần, Lê như: Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Trãi, Nguyễn Hòa, Nguyễn Đình Tấn, Nguyễn Trung Lương, Dương Công Độ, Trần Đình Dụ… Những tấm bia dựng thời Tây Sơn, thời Nguyễn ghi tiếp những người đỗ đạt về sau như: Dương Bá Cung, Lương Văn Can, Lương Ngọc Quyến, Lương Trúc Đàm… Văn chỉ nay đã không còn, chỉ còn nhà bia.
Khu lưu niệm Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi đang hoàn thiện |
Nhị Khê cũng còn nhiều nhà từ đường thờ những người có danh tiếng, có công với làng với nước như: Từ đường họ Dương, thờ tổ họ và Dương Công Độ, Dương Bá Cung; Từ đường họ Nguyễn Trung, thờ Nguyễn Trung Mạch, Nguyễn Trung Lượng; Từ đường họ Lương thờ tổ họ và Lương Văn Can. Tại đây còn có ngôi trường của Lương Văn Can dựng năm 1924, đến nay đã trở thành các phòng học dành cho các cháu lớp 1 trong làng, đã được xếp hạng di tích cấp Thành phố năm 2005.
Để ghi nhớ và tôn vinh công lao Nguyễn Trãi, hậu duệ của dòng tộc họ Nguyễn ở Nhị Khê đã lập đền thờ. Thế phả họ Nguyễn ghi rằng: Đền thờ Nguyễn Trãi được dựng ở xóm Trù Lý, đến thời Minh Mạng mới chuyển ra địa điểm giữa làng Nhị Khê như hiện nay; năm 1927, nhà thờ đại trùng tu; đến năm 1932, niên hiệu Bảo Đại xây cổng và tường bao quanh với quy mô như hiện tại ở giữa làng Nhị Khê.
Năm 1964, đền thờ Nguyễn Trãi được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích cấp quốc gia, công trình thường xuyên được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm tu bổ, tôn tạo và khôi phục một số hạng mục như Ao Huê, Trại Ổi với quy mô phù hợp trong điều kiện kinh tế còn hạn hẹp.
Do khuôn viên khu vực nhà thờ nhỏ hẹp, chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách thập phương vào các dịp tuần tiết, lễ Tết, chính vì vậy, việc xây dựng Khu Lưu niệm Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi xứng tầm với tên tuổi – danh tiếng của ông, sẽ đáp ứng nhu cầu du lịch văn hóa tâm linh của nhân dân và du khách thập phương.
Sông Tô Lịch – con sông từng có quá khứ huy hoàng, đẹp và thơ mộng bậc nhất kinh thành Thăng Long chảy từ nội thành Hà Nội đến cầu Quán Gánh, rồi uốn thành hình chữ U đỡ lấy Nhị Khê trước khi chảy thêm vài cây số nữa để hợp lưu sông Nhuệ, kết thúc “sứ mệnh lịch sử” của mình. Người ta ví, Nhị Khê như được cánh tay khổng lồ của tạo hóa – là con sông Tô Lịch đỡ lấy, cho nên những tinh túy của đất trời đã hội tụ để Nhị Khê sản sinh ra những nhân tài và những nghề thủ công đặc sắc.
Vẻ đẹp vùng quê Nhị Khê. |
Đến xã Nhị Khê, ngoài tham quan Khu lưu niệm, đền thờ cổ kính, du khách còn được trải nghiệm không gian yên bình, xanh ngát của vùng quê nông thôn mới. Với hệ thống dày đặc các di tích, du khách sẽ được chiêm ngưỡng nhiều cổng làng thâm nghiêm, rêu phong cổ kính. Trên mỗi cổng làng ở xã Nhị Khê đều đắp nổi dòng chữ Hán, có ý nghĩa như một triết lý sống.
Cổng làng Trung Thôn đề chữ “Trung lập bất ỷ” – ý khuyên con người trung thực, tự lập vươn lên. Cổng làng Thượng Đình có chữ “Chí bình dĩ thánh” – hàm chỉ cuộc sống nơi đây luôn bình dị, thanh cao. Cổng làng Văn Xá đề chữ “Nhân vi mỹ” – con người luôn coi trọng cái đẹp từ bên trong và luôn mong làm những điều tốt đẹp, hướng tới chân – thiện – mỹ…
Không chỉ nổi tiếng với truyền thống văn hiến, khoa bảng, làng còn có nghề tiện tinh xảo có lịch sử hàng trăm năm nay, được lưu truyền trong bài ca dao: “Hỡi cô con gái bên sông/Có về Dũi Tiện với anh thì về/ Dũi Tiện có cây bồ đề/Có sông tắm mát, có nghề tiện mâm”. Nhiều người giỏi nghề, đi khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước để làm ăn, sinh sống. Có nơi, bà con tập trung nhau lại, lập thành con phố để làm nghề như phố Tố Tịch (quận Hoàn Kiếm), phố Thợ Tiện (Thành phố Nam Ðịnh), phố Hàng Nón (thị xã Sơn Tây)…
Với tất cả vẻ đẹp, sự hội tụ của các di tích lịch sử, văn hóa, mà điểm nhấn là Khu lưu niệm Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi; vẻ đẹp của ngôi làng, lối ứng xử thân tình, hiếu khách, tiếng thơm của Nhị Khê sẽ ngày càng vang xa. Và khi dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô hoàn thành, với sự kết nối của vùng Thủ đô, các giá trị văn hóa của Thường Tín sẽ ngày càng được phát huy, lan tỏa.
Diệp Anh
Nguồn: Báo lao động thủ đô