Khu du lịch văn hóa Phương Nam – Điểm đến check-in lý tưởng

(Xây dựng) – Khu du lịch văn hóa Phương Nam tọa lạc tại xã Long Hưng, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, có tổng diện tích 30ha, là một trong quần thể du lịch lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long. Khu du lịch văn hóa Phương Nam đã được đầu tư hơn 1.000 tỷ để xây dựng quần thể du lịch với nhiều dịch vụ phong phú đón du khách khám phá trải nghiệm văn hóa Phương Nam. Khu du lịch văn hóa Phương Nam đã thu hàng triệu lượt khách, là điểm đến hấp dẫn của tỉnh Đồng Tháp, được Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long công nhận là “Điểm du lịch tiêu biểu Đồng bằng sông Cửu Long”.

Khu du lịch văn hóa Phương Nam - Điểm đến check-in lý tưởng
Khu du lịch văn hóa Phương Nam.

Đến Đồng Tháp hầu hết du khách tìm đến Khu du lịch văn hóa Phương Nam để check-in. Bởi văn hóa Phương Nam là một trong những điểm đến hàng đầu của Đồng bằng sông Cửu Long. Du khách đến Văn hóa Phương Nam mới cảm nhận được những nét đẹp thiên nhiên của miền Tây Nam bộ. Đó là vườn hoa sân cảnh với nhiều loại “kỳ hoa dị thảo”, nhiều tiểu cảnh xinh tươi và Thiên kiều (cầu đến thiên đàng), cầu sao, cầu tình yêu, cung đường trái tim… hồ sen xanh mát tỏa ngát hương thơm; Con đường trúc đầy thơ mộng dài 1.000m tung tăng dạo bước rất đẹp và mát mẻ; Khu vườn hoa giấy 2.000m2 rực rỡ sắc màu; Khu vườn nguyệt quế 1.000m2 hương thơm bát ngát; Khu vườn tre ngà 3.000m2 vàng óng là nơi cắm trại, dã ngoại lý tưởng và hấp dẫn… Du khách tha hồ chọn vị trí và góc độ hoành tráng, duyên dáng, xinh đẹp để chụp ảnh, selfie, quay phim lưu dấu kỷ niệm cho chuyến du lịch tham quan thú vị của mình.

Hay du khách có thể ăn uống tại các căn nhà lá trên hồ sen có nhiều tiểu cảnh đẹp để cùng gia đình ăn uống hay nhâm nhi vài ly bia, rượu thật là ấm lòng cho chuyến du lịch tại Khu du lịch văn hóa Phương Nam. Cùng nắm tay dạo bước trên con đường trúc thơ mộng ngút ngàn, hay đi trên con đường Trầu bà nhìn cảnh vật xung quanh điều mang lại thú vị cho du khách cảm thấy mát mẻ và sảng khoái.

Khu du lịch văn hóa Phương Nam - Điểm đến check-in lý tưởng
Du khách tham quan Khu du lịch văn hóa Phương Nam.

Khu du lịch văn hóa Phương Nam còn là nơi đạt nhiều kỷ lục quốc gia như: Con đường nón lá rộng 08m, cao 07m, dài 400m, treo 7.200 chiếc nón lá, tạo ra cảnh đẹp ngút ngàn, đong đưa, sinh động, đẹp mắt; Đòn bánh tét lớn có quy cách: dài 06m, đường kính 02m, chu vi 06m, chứa 2.022 đòn bánh tét nhỏ, được mở ra tặng cho bà con du khách tham quan Tết Nhâm Dần 2022… Tết năm 2023, Khu du lịch văn hóa Phương Nam trang trí trên 13.000 chậu vạn thọ, 2.000 chậu hoa xác pháo, 2.000 chậu mào gà, 2.000 chậu hoa hồng ri, 1.000 chậu hoa cúc nhám, 2.000 chậu sao nhái màu và các loại hoa khác trên 3.000 chậu và tiếp tục mở đòn bánh tét lớn với 2.023 đòn bánh tét nhỏ tặng khách tham quan. Chỉ trong dịp Tết, Khu du lịch văn hóa Phương Nam đã đón gần 50.000 lượt khách tham quan du lịch…

Khu du lịch văn hóa Phương Nam - Điểm đến check-in lý tưởng
Du khách chụp ảnh lưu niệm Khu du lịch văn hóa Phương Nam.

Đến Khu du lịch văn hóa Phương Nam du khách không chỉ thỏa thích check-in với cảnh quan thiên nhiên mà nơi đây còn có nhiều công trình văn hóa ấn tượng để khám phá. Đó là cùng với đội nhạc lễ và học trò lễ, thành kính dâng hương tưởng nhớ các nhân vật lịch sử đã có công nơi vùng đất phương Nam trên đền thờ Nam Phương Linh từ và Đặng tộc Nam Phương Linh. Bảo tàng Đặng tộc: Nơi trưng bày, lưu giữ hình ảnh hiện vật của các bậc tiền hiền, hậu hiền họ Đặng trong cả nước qua bao thế kỷ theo dòng lịch sử. Nhà trưng bày chuyên đề: Hoàng Sa và Trường sa – Biển đảo của Việt Nam; ảnh đẹp Khu du lịch văn hóa Phương Nam và hình ảnh Nam bộ xưa. Vườn hoa thư pháp: nơi khắc ghi trên bia đá nét chữ như rồng bay phượng múa những lời hay, ý đẹp mà thâm thúy của tiền nhân, nhằm khuyên răn và định hướng cuộc sống con người vươn đến những giá trị chân thiện mỹ. Vườn tượng danh nhân văn hóa: những bậc hiền tài như thật gần gũi với mọi người yêu mến tài năng, phẩm giá của họ vì những con người tài hoa ấy đã để lại cho đời những di sản văn hóa trường tồn…

Du khách đến đây còn được trải nghiệm khám phá làng quê Nam bộ: hát bội đình làng, đàn ca tài tử và các trò chơi dân gian sinh động, vui nhộn và hấp dẫn điển hình như: đá gà truyền thống, đua xuồng, bắt vịt trên sông, nôm cá dưới mương, bịt mắt đập nồi… Show diễn văn hóa lúa nước: tái hiện lại quy trình sản suất cây lúa nước của cha ông từ khâu cày cấy, tát nước vào ruộng bằng gàu sòng, cắt đập, giã gạo…

Trong khu này còn có khu vui chơi liên hoàn dành cho thiếu nhi và các trò chơi hiện đại trên bờ lẫn dưới sông dành cho mọi lứa tuổi như: đua xe đạp nước, ôtô nước, đi dây tử thần, qua cầu lắc, đạp xe vượt sông, căn nhà bí hiểm, nhà bắn cung với cảm giác lý thú và bắn súng hơi thể thao có thưởng, trò chơi câu cá trẻ em, tranh cát động lực.

Du khách được thưởng thức “hương vị quê nhà” với đặc sản sông nước miền Tây. Đó là thưởng thức buffet với hàng chục loại bánh dân gian Nam bộ được chế biến từ hạt gạo, bột củ ấu: như bánh xèo, bánh canh, bánh khọt làm từ bột củ ấu sẽ là hương vị đặc sắc cho du khách. Nhà hàng Nam bộ, sức chứa hơn ngàn chỗ ngồi sẽ giúp quý khách ngon miệng, no lòng khi chơi Khu du lịch văn hóa Phương Nam.

Khu du lịch văn hóa Phương Nam - Điểm đến check-in lý tưởng
Con đường trúc đẹp tại Khu du lịch văn hóa Phương Nam.

Ông Lê Ngọc Vũ, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Khu du lịch văn hóa Phương Nam cho biết: “Khu du lịch văn hóa Phương Nam là một quần thể công trình văn hóa – tâm linh phụng thờ các vị tiền nhân, các họ tộc cả nước, trong đó có tổ tiên họ Đặng đã khai phá ra vùng đất mới này, cũng như những người của các thế hệ, các giai đoạn lịch sử đã nằm xuống nơi đây. Để tỏ lòng tri ân, tôn vinh sự xả thân của các bậc tiền nhân cũng chỉ vì muốn cho quốc thái dân an, xã tắc đời đời hưng thịnh mà doanh nhân Đặng Phước Thành (hiện là Chủ tịch HĐQT VINASUN CORP; đồng thời là Chủ tịch danh dự Hội đồng Đặng tộc Việt Nam) cùng chi tộc Đặng xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp phát tâm công đức xây dựng công trình này.

Du khách khi đến tham quan tại Khu du lịch văn hóa Phương Nam sẽ cảm nhận được rằng: “Du lịch là hành trình khám phá; Văn hóa là nội lực trường tồn; Bởi vì, đây chính là một di sản nối quá khứ với tương lai từ hiện tại…”.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích