Khu đất để xây dựng mới và mở rộng các điểm dân cư nông thôn phải đảm bảo yêu cầu gì?

(Xây dựng) – Điểm dân cư nông thôn là nơi cư trú tập trung của nhiều hộ gia đình gắn kết với nhau trong sản xuất, sinh hoạt và các hoạt động xã hội khác trong phạm vi một khu vực nhất định bao gồm trung tâm xã, thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc (gọi chung là thôn, bản) được hình thành do điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế – xã hội, văn hóa, phong tục, tập quán và các yếu tố khác. Vậy khu đất để xây dựng mới và mở rộng các điểm dân cư nông thôn phải đảm bảo yêu cầu gì?

Khu đất để xây dựng mới và mở rộng các điểm dân cư nông thôn phải đảm bảo yêu cầu gì?
Ảnh minh họa.

Theo quy định tại Mục 6 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 4454:2012 về Quy hoạch xây dựng nông thôn – Tiêu chuẩn thiết kế thì điểm dân cư nông thôn thì:

– Khu đất xây dựng điểm dân cư nông thôn phải phù hợp với quy hoạch mạng lưới điểm dân cư nông thôn, đảm bảo yêu cầu về vị trí và điều kiện tự nhiên, điều kiện hạ tầng kỹ thuật, chất lượng môi trường, các tiện ích xã hội khác và đất dự trữ phát triển. Đảm bảo liên hệ thuận tiện trong sinh hoạt và sản xuất của người dân. Khoảng cách từ điểm dân cư đến khu vực canh tác không lớn hơn 2km.

– Khu đất để xây dựng mới và mở rộng các điểm dân cư nông thôn phải đảm bảo các yêu cầu sau:

+ Giải quyết tốt mối quan hệ giữa việc xây dựng hiện tại với dự kiến phát triển tương lai;

+ Đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh;

+ Đảm bảo chỉ tiêu sử dụng đất cho việc xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật;

+ Sử dụng đất xây dựng hiện có, hạn chế tối đa việc lấy đất canh tác cho mục đích xây dựng, đặc biệt đất sản xuất nông nghiệp năng suất cao. Đối với miền núi và trung du, những khu đất có độ dốc dưới 15° cần ưu tiên để trồng trọt, canh tác, không nên dùng làm đất xây dựng;

+ Không bị úng ngập, hạn chế ảnh hưởng của thiên tai;

+ Đảm bảo yêu cầu về cấp thoát nước, xử lý nước thải, vệ sinh môi trường và an toàn cháy nổ;

+ Đảm bảo các yêu cầu về an ninh, quốc phòng, du lịch, văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng…

Lưu ý: Không sử dụng đất để xây dựng và mở rộng các điểm dân cư nông thôn trong các khu vực sau:

– Khu vực có môi trường bị ô nhiễm nặng chưa được xử lý;

– Khu vực có khí hậu, địa chất xấu, nơi gió quẩn, gió xoáy;

– Khu vực có tài nguyên cần khai thác hoặc trong khu vực khảo cổ;

– Khu vực cấm xây dựng (phạm vi bảo vệ các công trình kỹ thuật hạ tầng, khu bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa, thắng cảnh, khu bảo tồn sinh học, khu bảo vệ công trình quốc phòng…);

– Khu vực thường xuyên bị ngập lụt quá sâu (ngập trên 3 m), sạt lở, lũ quét;

– Khu vực có đường sắt, đường bộ trọng yếu, tuyến đường dây tải điện cao áp, đường ống dẫn dầu, dẫn khí xuyên qua.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích