Khu công nghiệp dệt may sinh thái Aurora IP khánh thành công trình cấp nước CTe AQUA

(Xây dựng) – Khu công nghiệp dệt may Rạng Đông (Aurora IP) vừa qua đã kích hoạt vận hành công trình cấp nước Trạm bơm – Tuyến ống CTe AQUA. Đây là một trong những cấu phần quan trọng nhất trong phát triển hạ tầng của khu công nghiệp chuyên sâu về lĩnh vực dệt nhuộm.

Khu công nghiệp dệt may sinh thái Aurora IP khánh thành công trình cấp nước CTe AQUA
Tập thể lãnh đạo Cát Tường Group cắt băng khánh thành hệ thống CTe AQUA.

Từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng

Aurora IP tọa lạc tại huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, là dự án khu công nghiệp dệt may sinh thái tập trung vào công nghiệp hỗ trợ dệt may, đặc biệt là phân khúc dệt nhuộm. Đây là một trong những dự án trọng điểm của Công ty Cổ phần Tập đoàn địa ốc Cát Tường (Cát Tường Group) trong giai đoạn 2021-2031. Dự án được định hướng sẽ từng bước tháo gỡ điểm nghẽn trong khâu dệt nhuộm, góp phần phát triển nguồn cung cấp nguyên liệu đầu vào bền vững cho ngành dệt may Việt Nam.

Với tầm nhìn trở thành khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ thông minh – sinh thái chuyên sâu về dệt nhuộm lớn nhất cả nước, Aurora IP được đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ từ quy hoạch, thiết kế đến thi công, đáp ứng quy trình dệt nhuộm tiêu chuẩn.

Bên cạnh hệ thống xử lý nước thải với công suất lên đến 110.000 m3/ngày đêm, ứng dụng công nghệ tiên tiến, tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế, ngày 06/01/2023 vừa qua, Cát Tường Group đã khánh thành Trạm bơm – Tuyến ống CTe AQUA với tổng công suất đầu tư và được cấp phép khai thác lên đến 170.000m3 nước/ngày đêm. Hệ thống được thiết kế bài bản, chuyên biệt cho lĩnh vực dệt nhuộm, đảm bảo đáp ứng nhu cầu xây dựng, sản xuất và vận hành cho toàn khu công nghiệp.

Khu công nghiệp dệt may sinh thái Aurora IP khánh thành công trình cấp nước CTe AQUA
Ông Nguyễn Văn Tuấn – Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị Cát Tường Group.

Ông Nguyễn Văn Tuấn – Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị Cát Tường Group cho biết: “Công trình cấp nước CTe AQUA được khánh thành là một dấu mốc quan trọng trên chặng đường phát triển của Aurora IP. Cát Tường Group sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng để vừa phục vụ nhu cầu sản xuất của khách hàng, vừa đảm bảo chất lượng môi trường xung quanh, đúng với cam kết về khu công nghiệp xanh – sạch – bền vững. Chúng tôi luôn kiên định với sứ mệnh đặt nền móng phát triển bền vững cho ngành dệt may, từ đó, góp phần đưa Nam Định trở thành trung tâm dệt may của miền Bắc và đóng góp chung cho sự phát triển ổn định của ngành dệt may Việt Nam”.

Công trình cấp nước CTe AQUA cũng chứng minh cam kết mạnh mẽ của Cát Tường Group trên hành trình thực hiện mục tiêu nội địa hóa sản xuất 1 tỷ mét vải mỗi năm, giảm tỷ lệ nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, đồng thời góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương và quốc gia.

Sự kiện cũng là dịp để Cát Tường Group tri ân các nhà đầu tư, chính quyền và người dân tỉnh Nam Định đã đồng hành cùng Aurora IP trong suốt thời gian qua, khẳng định quyết tâm trong phát triển hệ sinh thái công nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường.

Khu công nghiệp dệt may sinh thái Aurora IP khánh thành công trình cấp nước CTe AQUA
Trạm bơm CTe AQUA.

Sứ mệnh tiên phong của Aurora IP

Nam Định hiện là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về thu hút FDI với lượng vốn năm 2022 là 4.345 tỷ đồng, tăng 13,8% so với năm 2021. Trong đó, dệt may và da giày đang là ngành hàng thế mạnh chủ lực của tỉnh với tốc độ tăng trưởng cao (trên 14%/năm), đóng góp trên 40% trong cơ cấu ngành. Năm 2022, sản lượng các sản phẩm dệt may của tỉnh Nam Định tăng trưởng 12,26%; xuất khẩu may mặc tăng 12,4% so với năm 2021.

Dự báo, đây sẽ là một trong những điểm đến hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư công nghiệp dệt may nước ngoài vào Việt Nam. Tuy nhiên, tại Nam Định, sản xuất may mặc chủ yếu vẫn ở phân khúc gia công có giá trị gia tăng thấp. Sản phẩm chủ yếu phục vụ xuất khẩu, khâu sản xuất phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Để phát triển ngành truyền thống của địa phương và vươn xa ra thị trường thế giới, tỉnh Nam Định đang nỗ lực để làm chủ nguồn nguyên liệu đầu vào, phát triển các khu công nghiệp đủ mạnh theo hướng sinh thái, bền vững cho ngành dệt may.

Đáp ứng kịp thời những đòi hỏi cấp thiết này, sự ra đời và định hướng phát triển đúng đắn của Aurora IP nhận được sự tin tưởng của chính quyền và người dân địa phương, đồng thời thu hút nhiều nhà đầu tư FDI, đón sóng “sản xuất xanh” vào Nam Định.

Thời gian qua, Aurora IP đã ký kết thành công các dự án quy mô lớn trong lĩnh vực dệt nhuộm công nghệ cao với nhiều nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hồng Kông, Đài Loan, với tổng vốn đầu tư lên tới 300 triệu USD.

Sau khi hoàn thiện và đưa vào khai thác, Aurora IP được kỳ vọng sẽ là đơn vị đi đầu trong vận động chính sách để “mở khóa” vốn FDI về Nam Định nói riêng và Việt Nam nói chung. Từ đó, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động địa phương, cũng như chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng của các ngành công nghiệp và dịch vụ theo đúng định hướng phát triển chung của tỉnh Nam Định.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích