Khu CNC Hoà Lạc: Điểm sáng thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao

Địa chỉ tin cậy của nhiều nhà đầu tư lớn

Ông Trần Đắc Trung, Phó trưởng Ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc cho biết, Khu CNC đã thu hút nhà đầu tư lớn, đủ tầm dẫn dắt các lĩnh vực công nghệ khác nhau, cụ thể: Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel (5 dự án, vốn đầu tư đăng ký 3.700 tỷ đồng); Tập đoàn Vingroup (3 dự án, vốn đầu tư đăng ký 9.020 tỷ đồng); Tập đoàn FPT (4 dự án, vốn đầu tư đăng ký 5.430 tỷ đồng); Tập đoàn VNPT (2 dự án, vốn đầu tư đăng ký 3.765 tỷ đồng), Tập đoàn Hanwha Aerospace (Hàn Quốc) với dự án sản xuất các bộ phận và cấu kiện của động cơ máy bay và động cơ gas tuabin công nghiệp (vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD); Tập đoàn Nissan Techno và Tập đoàn Nidec (Nhật Bản) với 2 dự án trong lĩnh vực nghiên cứu, phát triển, sản xuất và kinh doanh các sản phẩm mô đun nhiệt hiệu năng cao, mô tơ điện một chiều không chổi than (vốn đầu tư khoảng 375 triệu USD)…

Tại đây, có các dự án hỗ trợ của Chính phủ, doanh nghiệp các nước: Dự án Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc (V-KIST) (35 triệu USD vốn vay không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc); dự án Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (hỗ trợ của Tập đoàn SK, Hàn Quốc); dự án Trung tâm vũ trụ Việt Nam và dự án Đại học Việt Nhật (hỗ trợ vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản); dự án Đại học Việt – Pháp (hỗ trợ vốn vay ODA của Ngân hàng ADB và Chính phủ Pháp)…

Bộ trưởng Bộ KHCN Huỳnh Thành Đạt trong chuyến thăm Khu CNC Hòa Lạc.

Hoạt động đào tạo, thu hút nhân lực công nghệ cao đã được chú trọng để có thể đào tạo và cung cấp các công nhân, kỹ thuật viên trình độ tay nghề cao, đội ngũ cán bộ nghiên cứu trong các lĩnh vực công nghệ cao cho khu và cả nước. Hiện tại, khu có khoảng 9.500 học sinh, sinh viên và khoảng 14.500 người lao động đang làm việc. Khu đã hình thành mạng lưới một số tổ chức nghiên cứu và triển khai (R&D) trong các lĩnh vực, như: Công nghệ thông tin, điện tử viễn thông và phần mềm; công nghệ sinh học, trang thiết bị y tế; công nghệ cơ khí chính xác; công nghệ tự động hóa…

Nhiều sản phẩm công nghệ cao như công nghệ 4G, 5G, rada cảnh giới biển, thiết bị y tế kỹ thuật số, cấu kiện động cơ máy bay, các giải pháp phần mềm, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp lớn trên nền tảng Akaminds IOT, Akabot, điện thoại thông minh… được sản xuất tại đây.

Khu CNC Hoà Lạc cũng đang hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, triển khai xây dựng nền tảng dữ liệu não người Việt tại Hệ tri thức Việt số hóa, triển khai các Testlab về công nghệ như “IoT Innovation Hub”, phối hợp các đơn vị khác để đầu tư, xây dựng trang thiết bị phòng thí nghiệm, hạ tầng kỹ thuật cần thiết hỗ trợ các nhóm ươm tạo phát triển công nghệ, sản phẩm theo hình thức hợp tác công – tư…

Khu CNC Hòa Lạc cũng đã triển khai các hoạt động thu hút đầu tư để hình thành hệ sinh thái ươm tạo, đổi mới sáng tạo, có được kết quả bước đầu quan trọng, làm nền tảng để hình thành và phát triển các công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao và lan tỏa ra nền kinh tế.

Điển hình như Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đang được xây dựng, sẽ thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận các nguồn lực về KH&CN, đào tạo, tài chính, tư vấn, không gian làm việc,..; hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; vận hành, phát triển Mạng lưới sáng tạo Việt Nam, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng phát triển KH&CN…

 Ông Trần Đắc Trung, Phó Trưởng ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc cho biết, thời gian qua, Khu CNC Hoà Lạc đã thu hút được các nhà đầu tư lớn, đủ tầm dẫn dắt các lĩnh vực công nghệ khác nhau.

Hướng tới vận hành theo mô hình đô thị thông minh

Ngoài việc giữ quy mô, kể cả khi sáp nhập Hà Tây về Hà Nội, Khu CNC Hòa Lạc còn giữ vững phương châm hoạt động không vì mục tiêu thu hút nhanh để lấp đầy hay không xây dựng các khu nhà ở thành đô thị mà mọi chặng đường, giai đoạn phát triển phải đi từng bước. Hoạt động nghiên cứu, sản xuất đến đâu thì các dịch vụ, hậu cần sẽ đi theo tới đó, bảo đảm sự phát triển giữa các lĩnh vực, ngành nghề.

“Các dự án, doanh nghiệp khi đầu tư vào Khu CNC Hòa Lạc phải cam kết có yếu tố về phát triển công nghệ cũng như có kế hoạch đầu tư vào hoạt động nghiên cứu phát triển. Đây là triết lý để thực hiện mục tiêu Khu CNC Hòa Lạc phải là nơi sản sinh ra công nghệ, đổi mới, cải tạo công nghệ nhưng đây cũng là điểm khó đối với một số DN, kể cả các tập đoàn lớn khi mà họ chỉ muốn tập trung đầu tư vào sản xuất”, ông Trần Đắc Trung lý giải một trong những nguyên nhân của việc thu hút đầu tư vào Khu CNC Hòa Lạc chưa như kỳ vọng.

Ngoài ra, các doanh nghiệp, nhà đầu tư thường đề nghị được xây dựng dự án trên khu đất liền khoảnh thành tổ hợp khép kín bao gồm cả sản xuất, nghiên cứu và các dịch vụ nhà ở, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của nhà đầu tư. Tuy nhiên, theo quy hoạch đã được phê duyệt thì Khu CNC Hòa Lạc đã được phân chia thành các khu vực theo các chức năng cụ thể nên không đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư.

Hơn nữa, cơ chế chính sách cho phát triển Khu CNC Hòa Lạc chưa có nhiều vượt trội so với các khu công nghiệp thông thường, trong khi các dự án đầu tư tại khu CNC phải đáp ứng tiêu chí về công nghệ, sản phẩm, quy định về dự án công nghệ cao và trải qua quá trình thẩm định mất nhiều thời gian (theo quy định).

“Mô hình xây dựng và phát triển Khu CNC là rất mới, chưa có tiền lệ đối với Việt Nam. Khu CNC Hòa Lạc là khu CNC đầu tiên, đa chức năng nên quá trình xây dựng và phát triển còn ở trạng thái vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vừa bổ sung cơ chế, chính sách và nguồn lực”, ông Trần Đắc Trung cho hay.

Định hướng đến năm 2030, Khu CNC Hòa Lạc cơ bản hoàn thành mục tiêu xây dựng và đi vào hoạt động hoàn chỉnh, vận hành theo mô hình đô thị thông minh, góp phần xây dựng thành phố đổi mới, sáng tạo Hòa Lạc, là phần lõi của đô thị vệ tinh Hòa Lạc.

Nhân viên Viện Thực phẩm chức năng (tại Khu CNC Hòa lạc) vận hành thiết bị máy móc hiện đại.

Thời gian tới đây, Khu CNC Hòa Lạc sẽ tập trung thu hút các nhà đầu tư hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin – truyền thông và công nghệ sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp và y tế, do đây là các lĩnh vực mà Việt Nam có khả năng, điều kiện phát triển cũng như cầu của thị trường lớn và là những lĩnh vực hiện nay Khu CNC Hòa Lạc có thế mạnh với các hệ sinh thái đang dần hình thành.

Đồng thời, tập trung thu hút các cơ sở nghiên cứu, phòng thí nghiệm quy mô lớn tại khu vực phía bắc trong lĩnh vực công nghệ cao được đầu tư bằng ngân sách Nhà nước. Việc này vừa bảo đảm nhu cầu nghiên cứu phát triển của các ngành, lĩnh vực, vừa tạo được tiềm lực và cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao của Khu CNC Hòa Lạc.

Vì vậy, Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc mong muốn cấp có thẩm quyền cho phép Khu CNC Hòa Lạc áp dụng một số cơ chế chính sách thí điểm trong một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng phát triển ươm tạo, khởi nghiệp, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ 4.0, công nghệ tự động hoá…; ban hành chương trình KH&CN phát triển sản phẩm trọng điểm công nghiệp tại Khu CNC Hòa Lạc; đồng thời có chủ trương tập trung đầu tư các cơ sở nghiên cứu, phòng thí nghiệm quy mô lớn tại khu vực phía bắc trong các lĩnh vực công nghệ cao được đầu tư bằng ngân sách Nhà nước…

Khu công nghệ cao Hòa Lạc được thành lập từ năm 1998. Theo quy hoạch đã được phê duyệt, khu CNC Hoà Lạc có quy mô diện tích là 1.586 ha, nằm trên địa bàn 2 huyện Thạch Thất và Quốc Oai, thành phố Hà Nội.

Mục tiêu đặt ra là phát triển khu CNC Hòa Lạc theo mô hình mở, là đầu mối quan trọng của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, có hạ tầng hiện đại và thông minh, là nơi thúc đẩy phát triển chuỗi hoạt động tri thức, công nghệ giữa trường đại học, tổ chức nghiên cứu và triển khai, doanh nghiệp và thị trường. 

Bảo Lâm

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích