Không trường hợp nào khó khăn mà không được hỗ trợ
Được trợ giúp kịp thời
Sinh sống bằng nghề bán hàng ăn sáng, chị Nguyễn Thị Hồng Ánh (phường Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng) đã nghỉ việc nhiều tháng nay vì ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. “Buôn bán nhỏ, lãi lời ít nên tiền tích lũy không có, khi nghỉ việc nhà tôi vô cùng khó khăn. Thế nhưng, hai vợ chồng tôi đều đã được nhận trợ cấp an sinh xã hội của Chính phủ với mức 1,5 triệu đồng mỗi người, tổng số là 3 triệu đồng, tuy không nhiều nhưng cũng đủ cho gia đình trang trải những nhu cầu thiết yếu về ăn uống trong thời gian giãn cách, chưa thể đi làm”, chị Ánh cho biết.
Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Hà Nội trao hỗ trợ cho lao động tự do bị ảnh hưởng dịch Covid-19 trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. |
Tương tự, chị Vang Thị Huyền, là lao động tạm trú tại thôn Ngọc Động, xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm) cũng đã bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 từ giữa tháng 7/ 2021, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. “Ban đầu, tôi rất lo lắng, nhưng trong suốt thời gian thực hiện “ai ở đâu ở đó”, tôi đã nhiều lần nhận được hỗ trợ lương thực, thực phẩm thiết yếu từ các đoàn thể, cơ quan chức năng: khi thì yến gạo, lúc là thùng mỳ tôm, ít lạc, rau xanh, mì chính, nước mắm… Cứ thế, gia đình tôi vẫn no đủ trong suốt thời gian giãn cách vừa qua” chị Vang Thị Huyền cho hay.
Là đối tượng hộ nghèo, bà Trần Thị Đắc, ngõ 35 phố Nguyễn An Ninh, phường Tương Mai (quận Hoàng Mai) chia sẻ: “Sức khỏe của hai vợ chồng tôi đều không tốt, lại làm công việc tự do, nên cứ ráo mồ hôi là hết tiền chi tiêu. Trong thời gian giãn cách xã hội, chúng tôi không có việc làm, không có thu nhập. Song, nhờ nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ nhiều phía, cuộc sống của gia đình tôi vẫn tương đối ổn định”.
Là thương binh 2/4, ông Nguyễn Viết Nhương (thôn Yên Thái, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức) đã được nhận hỗ trợ 1 triệu đồng theo chính sách hỗ trợ đặc thù của Thành phố ban hành tại Nghị quyết số 15/NQ-HĐND, ngày 13/8/2021 của Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố. Ông Nhương xúc động cho hay: “Hai vợ chồng tôi đều đã cao tuổi, trồng được sào rau để có thêm đồng ra đồng vào, nhưng dịch Covid-19 không đi bán được. Các con làm nghề may, thợ xây cuộc sống khó khăn nên không giúp được gì cho bố mẹ. Khi được Thành phố hỗ trợ 1 triệu đồng, gia đình tôi rất khấn khởi, xúc động”.
Cán bộ LĐ-TB&XH xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm trao hỗ trợ an sinh cho người lao động khó khăn. |
Là hộ cận nghèo được nhận hỗ trợ đặc thù của Thành phố, chị Nguyễn Thị Xuân (xóm 2, thôn Tiền Lệ, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức) cũng vô cùng xúc động: “Tôi xin cảm ơn Thành phố, huyện và chính quyền xã đã quan tâm kịp thời. Đợt dịch này, cuộc sống của chúng tôi khó khăn quá, khi chồng làm thợ xây nghỉ việc, tôi không đi buôn bán được chỉ ở nhà làm ruộng nuôi 4 con. Số tiền hỗ trợ của Thành phố giúp tôi giải quyết được phần nào khó khăn của cuốc sống. Tôi rất ấm lòng trước sự quan tâm này”.
Trên đây chỉ là một vài trường hợp trong số hàng triệu người dân khó khăn đã nhận được sự hỗ trợ an sinh kịp thời của Chính phủ và Thành phố. Theo thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), đến hết ngày 5/9, các sở, ngành có liên quan và các quận, huyện, thị xã của Thành phố đã ra quyết định hỗ trợ cho 1,616 triệu người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg và Quyết định số 3642/QĐ-UBND với kinh phí 393,04 tỷ đồng, trong đó, đã thực hiện hỗ trợ cho 1,587 triệu người lao động, người sử dụng lao động với kinh phí 335,384 tỷ đồng. Điều đó cho thấy, số lượng lớn người người dân, người lao động và đối tượng khó khăn trên địa bàn Hà Nội đã được tiếp cận, thụ hưởng chính sách hỗ trợ an sinh xã hội.
Chủ động gỡ vướng, huy động thêm nguồn lực hỗ trợ
Với đặc thù là địa bàn rộng, số người thụ hưởng đông, đa dạng, trong khi việc triển khai các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội trên địa bàn Hà Nội đúng vào thời gian thành phố giãn cách xã hội, nên gặp nhiều khó khăn. Vượt lên tất cả, các cơ quan chức năng luôn nỗ lực cao nhất để bảo đảm an sinh xã hội cho nhân dân.
Chi kinh phí hỗ trợ đặc thù cho người dân tại phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông. |
Với 12 nhóm chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 1/7/2021, của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, ngày 7/7/2021, của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Hà Nội đã triển khai các chính sách theo hướng chủ động, linh hoạt.
Theo hướng này, những vướng mắc xuất phát từ thực tiễn đã được Hà Nội chủ động tháo gỡ hoặc đề xuất tháo gỡ. Chẳng hạn, để tạo điều kiện cho lao động tự do tạm trú được tiếp cận với chính sách hỗ trợ, Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố đã cho phép các cơ quan chức năng thực hiện một số thủ tục theo hình thức gián tiếp (qua bưu điện hoặc online). Đồng thời, một số quy định liên quan đến chính sách hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch, viên chức hoạt động nghệ thuật… cũng được các bên liên quan tìm hướng đưa vào đời sống.
Nhờ đó, đến cuối ngày 5/9, Thành phố đã phê duyệt và thực hiện hỗ trợ đối với 11 nhóm trong số 12 nhóm chính sách hỗ trợ quy định tại Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg. Chỉ còn 1 nhóm chưa có kết quả phê duyệt hỗ trợ do chưa nhận được hồ sơ của đối tượng là nhóm “Hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động”.
Chi kinh phí hỗ trợ đặc thù cho người dân tại xã Đông Dư, huyện Gia Lâm. |
Đáng chú ý, một số chính sách ban đầu gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc như hỗ trợ đối tượng không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) thì đến nay đã thực hiện được nhiều nhất. Theo đó, đến nay, cả 30/30 quận, huyện, thị xã đã ra quyết định hỗ trợ cho 103.873 lao động tự do với số tiền 155,8 tỷ đồng. Đã có 80.207 lao động tự do được nhận số tiền 120,31 tỷ đồng.
Ngoài chính sách chung, từ ngày 13/8 đến nay, Hà Nội còn triển khai chính sách hỗ trợ đặc thù theo Nghị quyết số 15/NQ-HĐND, ngày 13/8/2021, của Thường trực HĐND thành phố, quy định một số chính sách đặc thù của thành phố Hà Nội hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đến ngày 5/9, 29/30 quận, huyện, thị xã đã hoàn thành (còn huyện Thanh Trì cơ bản hoàn thành) việc chi trả hỗ trợ cho 3 nhóm đối tượng: người có công, Bảo trợ xã hội và hộ nghèo, cận nghèo theo chính sách hỗ trợ đặc thù.
Cụ thể, các quận, huyện, thị xã đã phê duyệt quyết định hỗ trợ cho 282.650 người thuộc 03 nhóm đối tượng trên với số tiền 282,65 tỷ đồng, trong đó, đã thực hiện chi trả cho 282.382 người, hộ gia đình với số tiền 282,382 tỷ đồng). Các nhóm đối tượng khác đang được các sở, ngành có liên quan và các quận, huyện, thị xã hiện tiếp tục triển khai thực hiện.
Chi hỗ trợ an sinh xã hội cho người lao động khó khăn tại phường Khương Trung, quận Thanh Xuân. |
Được biết, để nguồn lực hỗ trợ kịp thời đến với người dân, các địa phương chủ động ứng kinh phí, phân công lực lượng cán bộ chi trả liên tục cho đối tượng thụ hưởng. “Hơn lúc nào hết, người dân cần được trợ giúp càng sớm, càng tốt. Vì thế, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Gia Lâm đã chi trả cho người dân cả vào ban đêm”, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Gia Lâm Lê Thị Kim Châu cho hay. Cùng với nguồn chi từ ngân sách, thời gian qua, với tinh thần “tương thân tương ái”, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, từ khi Thành phố thực hiện Chỉ thị 17/CT-UBND ngày 23/7/2021 đến nay, các tổ chức chính trị, xã hội Thành phố và một số quận, huyện, thị xã cũng đã huy động nhiều nguồn lực xã hội và quà của các nhà hảo tâm để cùng chung sức hỗ trợ cho 562.145 lượt người, hộ gia đình còn khó khăn trên địa bàn ổn định cuộc sống với số tiền 182,275 tỷ đồng.
Với tinh thần không để ai bị thiếu ăn, thiếu mặc, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội Bạch Liên Hương cho biết, thời gian tới, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội tiếp tục triển khai nhiều chính sách, huy động thêm nhiều nguồn lực để hỗ trợ những trường hợp khó khăn. Trước mắt, Hà Nội tập trung hỗ trợ người lao động làm việc tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp có ký hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương do cơ sở giáo dục tạm dừng hoạt động; hỗ trợ chủ nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục đủ điều kiện hoạt động, phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên…
Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai chính sách an sinh xã hội Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho biết, sau khi Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội ban hành Chỉ thị số 20/CT-UBND ngày 3/9/2021 về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố thì ngày 4/9/2021, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cũng đã ban hành văn bản 5036/SLĐTBXH-VP yêu cầu các phòng chuyên môn, nghiệp vụ; thủ trưởng các đơn vị trực thuộc phổ biến quán triệt tới công chức, viên chức, người lao động thực hiện nghiêm Chỉ thị số 20/CT-UBND. Trong đó, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội yêu cầu các phòng chuyên môn nghiệp vụ tham mưu lãnh đạo Sở phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã và các cơ quan có liên quan đẩy nhanh việc triển khai các chính sách an sinh xã hội theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, Quyết định 3642/QĐ-UBND, Nghị quyết số 15/NQ-HĐND để kịp thời hỗ trợ nhân dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn, không để chậm trễ đồng thời, chủ động hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc thực hiện các chính sách hỗ trợ của Thành phố tại các địa phương; tiếp tục rà soát, cắt giảm các thủ tục tạo thuận lợi cho người dân. Sở yêu cầu các phòng chuyên môn, nghiệp vụ theo lĩnh vực quản lý, tiếp tục rà soát kỹ, nghiên cứu, đề xuất có phương án tiếp tục hỗ trợ các đối tượng khó khăn để thống nhất đầu mối thực hiện chính sách hỗ trợ, tránh trùng đối tượng và chính sách; đảm bảo tốt an sinh xã hội, cố gắng cao nhất với phương châm “không có ai trên địa bàn Thành phố khó khăn do dịch bệnh Covid-19 mà không được hỗ trợ” đồng thời tiếp tục rà soát các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao trong năm 2021 để tham mưu lãnh đạo Sở triển khai thực hiện, không để chậm trễ. |
Nguồn: Báo lao động thủ đô