Không phân biệt đối xử, nhưng cần chế độ quản lý riêng với người bị bắt buộc chữa bệnh

Không có hành lang pháp lý và điều kiện vật chất để bố trí khu điều trị riêng

Bộ Công an cho biết, sau hơn 10 năm thi hành, Nghị định 64/2011/NĐ-CP đã bộc lộ nhiều bất cập. Cụ thể, Nghị định được ban hành dựa trên Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, Luật Thi hành án hình sự năm 2010, các luật, bộ luật này đến nay đã hết hiệu lực thi hành. Căn cứ vào Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì Nghị định 64 cũng sẽ hết hiệu lực. Do vậy, việc ban hành nghị định thay thế là cần thiết.

Ngoài ra, thực tế áp dụng Nghị định 64 còn bộc lộ những quy định cần sửa đổi. Cụ thể như Nghị định 64 hiện đang quy định Viện Giám định pháp y tâm thần trung ương, Bệnh viện Tâm thần trung ương 1, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, Phân viện Giám định pháp y tâm thần phía Nam, Bệnh viện Tâm thần trung ương 2 chỉ có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý và điều trị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh ở các tỉnh, khu vực nhất định, là chưa phù hợp về chuyên môn của các đơn vị này.

Không phân biệt đối xử, nhưng cần chế độ quản lý riêng với người bị bắt buộc chữa bệnh
Một ca giám định tâm thần tại Viện Pháp y tâm thần Trung ương. Ảnh minh họa: VGP

Vì nhiều đơn vị như Bệnh viện tâm thần Trung ương 1, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng hiện có đủ chuyên môn để đảm nhiệm việc giám định pháp y tâm thần sau điều trị bắt buộc chữa bệnh, nhưng không được quy định thực hiện. Dẫn đến, sau khi điều trị bắt buộc chữa bệnh, các cơ quan có thẩm quyền phải chuyển đối tượng qua các tổ chức giám định pháp y tâm thần, làm phát sinh thêm vấn đề bảo đảm an ninh, kinh phí di chuyển và ảnh hưởng trực tiếp đến thời gian, tiến độ giải quyết vụ việc, vụ án.

Bên cạnh đó, Nghị định 64 quy định đình chỉ biện pháp bắt buộc chữa bệnh khi người bị bắt buộc chữa bệnh đã “khỏi bệnh” là chưa phù hợp. Bởi một số bệnh tâm thần sau quá trình điều trị đã có tiến triển và tình trạng bệnh đi vào ổn định mà không có khả năng chữa trị tuyệt đối (khỏi bệnh). Quy định trên đã gây khó khăn cho cơ sở điều trị bắt buộc chữa bệnh và khiến một số đơn vị không đến nhận đối tượng do cơ sở điều trị không kết luận khỏi bệnh.

Cũng theo Bộ Công an, đối tượng bị mắc bệnh tâm thần gây án vừa có yếu tố bệnh lý vừa có yếu tố tội phạm. Theo quy định hiện nay, việc áp dụng biện pháp chữa bệnh được trừ vào thời gian chấp hành án của đối tượng. Trong khi đó, cán bộ chuyên môn của Bộ Y tế chỉ có chuyên môn về công tác khám, điều trị bệnh, hạn chế trong công tác quản lý đối tượng có yếu tố tội phạm.

Tuy nhiên, Luật Thi hành án hình sự, Nghị định 64 đang quy định không được phân biệt đối xử đối với người bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Do đó, cơ sở giám định, điều trị không có hành lang pháp lý và chưa đủ điều kiện vật chất để bố trí khu điều trị riêng đối với các đối tượng này.

Không phân biệt đối xử trong điều trị nhưng có chế độ quản lý riêng

Cũng vì quy định “không được phân biệt đối xử” nên có thể dẫn đến trường hợp đối tượng được nghỉ phép về nhà, được gặp người thân, được người nhà vào buồng bệnh chăm sóc, được sử dụng điện thoại di động dẫn đến tình trạng lợi dụng việc đi giám định, chữa bệnh tâm thần để có cơ hội tiếp xúc, thông cung và đối phó với cơ quan tiến hành tố tụng. Cá biệt có trường hợp đã lợi dụng chính sách không được phân biệt đối xử để trốn khỏi nơi bắt buộc chữa bệnh và tiếp tục phạm tội.

Trường hợp đối tượng giám định, bắt buộc chữa bệnh trốn thì cơ sở giám định, bắt buộc chữa bệnh phải phối hợp với gia đình đối tượng, cơ quan đã đề nghị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh phối hợp truy tìm đối tượng. Tuy giao cơ sở y tế có trách nhiệm chủ trì trong việc truy tìm đối tượng nhưng chưa có quy chế về quan hệ phối hợp giữa các đơn vị có liên quan như hiện nay là chưa phù hợp, vì đội ngũ cán bộ, nhân viên, y tế của Cơ sở giám định không thực sự có chuyên môn về hoạt động này…

Để giải quyết những bất cập trên, Bộ Công an đề xuất 4 chính sách sửa đổi. Theo đó, bổ sung đơn vị được tiếp nhận, quản lý, điều trị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Cu thể là bổ sung các Trung tâm giám định pháp y tâm thần khu vực có đủ khả năng đáp ứng việc điều trị bắt buộc chữa bệnh trong Nghị định, đồng thời nên giao Bộ Y tế có trách nhiệm bổ sung các đơn vị có đủ khả năng nếu đáp ứng được nhu cầu.

Cùng với đó, sửa quy định về quản lý người được trưng cầu giám định pháp y tâm thần, người bị áp dụng bắt buộc chữa bệnh, bằng cách chỉnh sửa các quy định liên quan của Luật Thi hành án hình sự và Nghị định 64 theo hướng không phân biệt đối xử trong điều trị người bị bắt buộc chữa bệnh, nhưng có chế độ quản lý riêng của Bộ Y tế.

Mặt thuận lợi của phương án này là đối tượng được quản lý theo chế độ riêng, không gian riêng, dễ cho cơ sở bắt buộc chữa bệnh theo dõi, quản lý, không để đối tượng trốn, không để đối tượng có cơ hội gây khó khăn cho hoạt động điều tra của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Đồng thời, đảm bảo an toàn cho đội ngũ bác sĩ, giám định viên…

Phương Thảo

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích