Không ngừng đổi mới hoạt động đo lường, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội
Qua gần 8 năm triển khai thực hiện Nghị định số 86/2012/NĐ-CP, công tác quản lý nhà nước về đo lường đã có nhiều chuyển biến tích cực theo sự lãnh đạo và chỉ đạo của Đảng và Chính phủ. Hoạt động kiểm tra nhà nước về đo lường đối với các phương tiện đo nhập khẩu đã có hiệu quả, góp phần hạn chế phương tiện đo nhập khẩu không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật về đo lường, tăng tính chấp hành quy định pháp luật về đo lường bảo đảm tính chính xác, thống nhất trong đo lường. Số lượng mẫu phương tiện đo nhập khẩu đã thực hiện thủ tục phê duyệt mẫu hằng năm đều tăng.
Theo đó, Nghị định số 86/2012/NĐ-CP đã quy định cụ thể về trách nhiệm kiểm tra nhà nước về đo lường đối với phương tiện đo, lượng của hàng đóng gói sẵn nhập khẩu tại Điều 13 Nghị định số 86/2012/NĐ-CP.
Ảnh minh họa.
Cụ thể: Quy định rõ trách nhiệm kiểm tra nhà nước về đo lường đối với Bộ Khoa học và Công nghệ, trong đó có quy định trách nhiệm của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng; Quy định rõ trách nhiệm kiểm tra nhà nước về đo lường đối với Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
Quy định rõ trách nhiệm kiểm tra nhà nước về đo lường đối với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã; Quy định rõ trách nhiệm kiểm tra nhà nước về đo lường đối với Thanh tra khoa học và công nghệ, Hải quan, Công an, Quản lý thị trường và cơ quan, tổ chức khác.
Bên cạnh đó, thông qua báo cáo đánh giá thực trạng thi hành Nghị định 86/2012/NĐ-CP của bộ, ngành, địa phương, trách nhiệm quản lý nhà nước về đo lường được đánh giá: Rõ ràng, không chồng chéo; Thực hiện được chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương trong hoạt động quản lý của mình; Phát huy hiệu quả trong hoạt động quản lý nhà nước về đo lường.
Tuy nhiên, trước những thách thức và cơ hội mới của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (4.0), sự hội nhập mạnh mẽ của toàn cầu và yêu cầu của xã hội, doanh nghiệp, đòi hỏi hệ thống quản lý của mọi ngành nghề, lĩnh vực nói chung và về đo lường nói riêng không ngừng đổi mới, thích ứng, thay đổi phù hợp với thực tế hiện tại khách quan. Một trong những đổi mới đó là thay đổi căn bản về tư duy, cách thức quản lý từ yêu cầu sang phục vụ doanh nghiệp, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm,…
Ví dụ thực tế có thể nói đến như hoạt động kiểm tra nhà nước về đo lường tại cửa khẩu khi nhập khẩu phương tiện đo phải phê duyệt mẫu. Trong quá trình triển khai hoạt động này, đã xuất hiện các khó khăn, bất cập như: Thời gian thử nghiệm mẫu để làm thủ tục phê duyệt mẫu thường kéo dài hơn 30 ngày, thậm chí có một số mặt hàng lên đến 60 – 90 ngày, làm kéo dài thời gian thông quan hàng hóa, gây khó khăn cho doanh nghiệp; Không đủ kho, bãi để lưu giữ phương tiện đo, hàng hóa chờ thủ tục thông quan; Phát sinh nhiều chi phí cho doanh nghiệp khi làm thủ tục thông quan hàng hóa.
Để giải quyết bất cập nêu trên, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ động đề xuất với Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 86/2012/NĐ-CP và văn bản hướng dẫn theo hướng: chuyển việc kiểm tra nhà nước về đo lường đối về việc phê duyệt mẫu đối với phương tiện đo nhóm 2 nhập khẩu được thực hiện sau thông quan (trước khi đưa vào sản xuất, lưu thông tại thị trường nội địa) nhằm giảm thời gian thông quan hàng hóa cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xử lý và tiếp thu ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và đang trình Chính phủ xem xét, phê duyệt để ban hành Nghị định sử đổi Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP, Nghị định số 74/2018/NĐ-CP, Nghị định số 86/2012/NĐ-CP và biện pháp thi hành Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.
Thời gian tới dự thảo Nghị định sửa đổi được Chính phủ ban hành sẽ là điểm mới, thông thoáng hơn, cắt bỏ thủ tục kiểm tra nhà nước về đo lường đối với phương phương tiện đo phải phê duyệt mẫu khi nhập khẩu để hỗ trợ hữu hiệu cho doanh nghiệp.
Hà My