Không nên tự do thái quá trong âm nhạc “Indie”
Indie (xuất phát từ “Independent” – độc lập) không phải là một thể loại nhạc như Pop, Rn’B hay EDM. Đó là tên gọi chung của một xu hướng âm nhạc được tạo ra bởi những nghệ sĩ độc lập tự sáng tác, phối khí và thu âm ca khúc của mình; thay vì phụ thuộc vào công ty quản lý, các chiến lược truyền thông.
Ảnh minh họa |
Đây là một phong cách nhạc tiệm cận với quan điểm “do it yourself” trong thu âm và sản xuất âm nhạc. Từ “Indie” thường được đính kèm với một thể loại nhạc nào đó (ví dụ như Indie rock, indie metal và indie pop). Theo nghĩa rộng hơn, khái niệm “indie” không chỉ miêu tả việc sản xuất âm nhạc độc lập, mà còn dùng để chỉ các sản phẩm hoặc phong cách nhạc không thể xếp được vào những thể loại nhạc hiện có.
Nghệ sĩ indie tại Việt Nam thường chia sẻ những tác phẩm của mình trên các kênh âm nhạc lớn như Youtube, SoundCloud, Spotify,… Bên cạnh đó, một số nghệ sĩ thay vì đăng tải miễn phí trên các kênh âm nhạc thì họ bán đĩa của chính mình. Những nghệ sĩ Indie thường không ồn ào như những ca sĩ lớn nhưng họ vẫn có sức nặng nhất định trong cộng đồng yêu âm nhạc.
Người nghe nhạc có thể bắt gặp ở những ca khúc Indie không phải là một cái gì đó quá triết lý và hàn lâm, không phải những bài hát chỉ để nghe một lần. Những sáng tác đó chứa thông điệp từ cuộc sống, tình yêu giữa con người với con người, rất gần gũi, bình dị, một chất nhạc lạ tai từ tận sâu ở người nghệ sĩ muốn được hát, thể hiện và cống hiến. Câu từ, ngôn ngữ không cần chau chuốt, cầu kỳ mà nó chỉ đơn giản là tâm sự của người viết ra. Mỗi ca khúc Indie dường như gắn liền với cảm xúc của người nghệ sĩ chứ không hề chạy theo thị trường, thị hiếu khán giả. Cuối cùng, những nghệ sĩ Indie hầu hết đều có giọng hát đặc biệt. Nó phá vỡ các quy tắc hay, không hay trong âm nhạc.
Indie không phải là thể loại mới tại Việt Nam. Nó đã hình thành và xuất hiện từ nhiều năm trước. Nhưng cùng sự phát triển của các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram hay YouTube…mới mang nó đến gần với khán giả hơn. Các nghệ sĩ Indie được xem như là “đầu tàu” dòng nhạc này ở Việt Nam có thể kể đến Da lab, ban nhạc Ngọt, Cá Hồi Hoang, Hải Sâm, Thái Đinh hay Vũ.
Khi mà thị trường nhạc Việt đang dần bị bão hòa về màu sắc, số lượng idol, MV thương mại nhan nhản thì Underground/Indie, với bản chất sáng tạo, tự do đã mang đến một làn gió mới lạ cho người nghe. Chính sự mới lạ đã giúp khán giả dần yêu thích đã đón nhận thể loại âm nhạc này, song song với nhóm nghệ sĩ mainstream giúp cho âm nhạc Việt Nam đầy màu sắc và thú vị.
Tuy là những sản phẩm tự sáng tác, song chỉ cần đủ hay và lôi cuốn, khả năng trở thành hit sẽ rất lớn. Nhắc đến dòng nhạc Indie không thể không kể đến những nghệ sĩ như Lê Cát Trọng Lý, Thái Vũ,… Là những cái tên khá quen thuộc với cộng đồng âm nhạc Việt, họ vẫn hoạt động nghệ thuật và tung ra những sản phẩm âm nhạc chất lượng. Những ca khúc của họ đều mang những tâm sự riêng, sự trải đời, không hề chạy theo thị hiếu của khán giả.Con đường âm nhạc của Thịnh Suy bắt đầu từ những bản cover, để rồi tập tành chơi đàn guitar và sau đó là sáng tác. Bước ngoặt của chàng trai 19 tuổi chính là “Một đêm say”, ca khúc như “đánh trúng” tâm sự của tuổi trẻ, chỉ trong vòng 4 tháng bài hát đã thu về hơn 30.000.000 views trên YouTube. Cuộc sống chính là nguồn cảm hứng lớn đối với Thịnh Suy vì thế những sáng tác của anh chàng đều là cảm xúc thật của bản thân những lời tự sự chân thành gần gũi về tình yêu, nỗi buồn. Người yêu nhạc của Thịnh Suy thường yêu cái cảm giác miên man, bình yên đến lạ từ ngôn từ nhẹ nhàng chạm vào cảm xúc của người nghe. Và trong tương lai, chàng trai 10x chắc hẳn còn tiến xa hơn nữa bởi màu sắc âm nhạc mộc mạc, chân thành nhưng vô cùng độc lạ. Thịnh Suy trở thành một cái tên sáng giá trong nền âm nhạc Vpop.
Không dễ để khán giả định hình Indie thuộc underground hay mainstream bởi nó mang “dáng dấp” của cả hai “hình hài” này. Thế nhưng, với những gì mà Indie mang lại, việc phân định dường như không quá quan trọng. Dễ dàng đón nhận nhất từ Indie đó là cảm giác khoáng đạt, tự do bằng chất liệu, ca từ gần gũi với đời sống vì thế ngoài giá trị giải trí, xu hướng âm nhạc này có thể được xem là “bạn đồng hành” thân thuộc về mặt tinh thần. Tuy nhiên, không vì sự khoáng đạt, sáng tác tự do thể hiện trên không gian mạng mà muốn làm gì thì làm. Mấu chốt của âm nhạc vẫn yếu tố chuẩn mực về mỹ học, đạo đức để hướng tới giá trị chân- thiện- mỹ, chứ không thể tự do thái quá trong sáng tác dẫn đến sự “rơi tự do” rồi dừng lại sau một trào lưu!./.
Nguồn: Báo lao động thủ đô