Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà

(Xây dựng) – Anh bảo, sắp Tết rồi em nhỉ? Mắt tôi bỗng rưng rưng vì nhớ Tết Việt Nam, có những nơi chỉ khi đi xa, ta mới biết mình thuộc về.

Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà

Tháng 12, Ukraine trở nên buồn hơn, trầm lặng và âm u, thi thoảng tiếng còi báo động rít lên trong không trung đặc quánh sương là sương. Tuyết thi thoảng lại rơi từng đợt khiến cả đất nước Đông Âu này như chìm trong một màu trắng đến đơn lạnh.

Tôi ngồi so vai bên bờ sông Đ-nhép (Dnepr), nhìn những con quạ đen đang co ro đi tìm mồi dọc hai bờ sông phủ đầy băng tuyết, lại nhớ dòng sông quê mình đến thế. Tôi nhớ cái không khí chờ Tết của vùng quê miền Bắc cũng lạnh lẽo thế này, nhưng là cái lạnh của sự náo nức chờ đón mùa Xuân.

Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà

Khi còn ở Hà Nội, mỗi khi Tết đến, tôi thường bận rộn bởi công việc, sắm tết, trang hoàng nhà cửa, về quê Tết nhà nội, nhà ngoại… khiến tôi cảm thấy mỏi mệt, đôi khi tôi càu nhàu về Tết. Nhưng khi xa Việt Nam, sang tận bên kia bán cầu, tôi nhớ Tết đến nao lòng. Tôi chợt nhận ra đó mới là hương vị của Tết, là hồn cốt của dân tộc, bởi nó mang sự thiêng liêng đặc biệt mà không phải đất nước nào cũng có.

Tết ở châu Âu, cũng không thiếu thứ gì, từ bánh chưng xanh, giò, chả, xôi, nem, miến, mộc nhĩ, gà… nhưng không thể tạo nên một hương vị Tết đặc trưng của quê mình. Có lẽ, bởi thiếu cái không khí rộn ràng đi chợ hoa ngày Tết, thiếu những câu hỏi thăm giá cả về cây đào, cây quất… từ nhà ra ngõ của các bà nội trợ, thiếu mùi khói bay ra từ nồi bánh chưng trong không gian ấm cúng của nhà bà hàng xóm, thiếu mùi nhang, mùi nước lá mùi mẹ đun để tẩy uế cuối năm… ngay cả tiếng xe máy ồn ào hối hả, bụi bặm của Hà Nội bây giờ cũng trở nên thân thương đến thế.

Chị Yến, một kiều bào sống tại Ukraine gần 20 năm, nhưng đến tận bây giờ, lòng chị vẫn không thôi xao xác mỗi khi Tết đến. Mặc dù, sáng mồng một Tết năm nào, bà con kiều bào cũng đến nhà nhau thăm hỏi, chúc Tết. Mâm cỗ Tết vẫn đầy đủ đồ cúng nhưng chị vẫn không thôi nhung nhớ về Tết ở quê nhà, với mùi khói bếp, mùi của rơm rạ ấm nồng quện lại. Không khí chờ Tết đến ở quê nhà mới náo nức làm sao! Để rồi, mỗi lần đến Tết, lòng chị lại cảm thấy lạc lõng biết bao!

Tôi đến nhà ông Diện trong dịp cuối năm, người đàn ông có vóc dáng béo đậm, nhưng lại có nhiều bệnh trong người, rất hay cười với tinh thần đầy lạc quan, dù cuộc xung đột giữa hai nước Nga và Ukraine đã làm cuộc sống của ông trở nên khó khăn hơn. Ông bảo, chẳng biết bao giờ ông mới về lại được quê nhà, bởi vì ông đang bị bệnh nặng, dù khó khăn nhưng Tết đến, ông vẫn cố sắm đôi bánh chưng và cân giò, con gà để thắp hương.

Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà

Tuyết vẫn rơi ngoài cửa sổ, từng bông tuyết trắng tinh và mịn phủ lên những cành cây khẳng khiu trong một chiều mùa đông ảm đạm, một vài ba con cò trắng đang lặn lội tìm mồi dọc bờ sông mé phía bờ rừng. Tôi bỗng thương đến nao lòng những người con xa quê mà chẳng thể trở về, họ như cánh cò chao đi, nghiêng lại mà chưa tìm được đường về với tổ.

Đây là cái Tết đầu tiên tôi xa Việt Nam sao mà đã nhớ xao xác thế này. Vài năm trước cứ Tết đến là bận rộn, đôi khi tôi đã muốn tự thưởng cho mình một chuyến du lịch thật xa đất nước để trốn Tết, vậy mà bây giờ xa rồi, tôi lại muốn được trở về, để được ăn Tết cùng bố mẹ. Mẹ tôi đã già lắm rồi, chẳng biết tôi còn được ăn Tết với mẹ được bao nhiều lần nữa, nghĩ đến mẹ nước mắt tôi lại trào ra, tôi khe khẽ hát bài hát ru xưa mẹ ru tôi: “Cái cò đi đón cơn mưa/ Tối tăm mù mịt, ai đưa cò về/ Cò về thăm quán cùng quê/ Thăm cha, thăm mẹ, cò về thăm anh”.

Tôi hát để gửi về bên kia đại dương, không biết ở nơi ấy, mẹ có nghe tiếng tôi không? Kiev hôm nay lạnh sâu hơn, bên bờ sông Đ-nhép không khói hoàng hôn sao tôi vẫn thấy nhớ nhà?

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích