Không gian xây dựng ngầm đô thị: Cần được làm rõ trong Luật Đất đai (sửa đổi)

(Xây dựng) – Phát triển không gian ngầm là xu hướng tất yếu của đô thị hiện đại nhưng hiện chưa có hệ thống pháp luật quy định chi tiết về không gian xây dựng ngầm đô thị. Theo các chuyên gia, để tạo cơ sở pháp lý, Luật Đất đai (sửa đổi) cần làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến quy hoạch sử dụng đất, trong đó có việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để xây dựng công trình ngầm…

Không gian xây dựng ngầm đô thị: Cần được làm rõ trong Luật Đất đai (sửa đổi)
Phát triển không gian ngầm là xu hướng tất yếu của đô thị hiện đại. (Ảnh: TL).

Thiếu cơ sở pháp lý

Công trình ngầm là các công trình xây dựng dưới mặt đất, bao gồm công trình đường ống cấp thoát nước, đường dây, cáp điện, thông tin, cáp quang, truyền thông, truyền hình và nhiều công trình ngầm gắn với các công trình trên mặt đất…

Tại nhiều nước trên thế giới, việc phát triển không gian ngầm đã được quan tâm và phát triển từ hàng trăm năm trước với nhiều giá trị thực tiễn. Chia sẻ với PV Báo Điện tử Xây dựng, KTS Trần Huy Ánh – Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho biết, tại Pháp, cách đây 100 năm, người ta đã đào những đường ống bằng hơi, cho tất cả hàng hóa vào và chuyển đi các nơi. Nhật Bản cũng nổi tiếng với hệ thống tàu điện ngầm Tokyo Metro còn tại Singapore, họ làm đường hầm để chứa nước…

Tại Hà Nội, công trình ngầm xuất hiện từ những năm 1890 do người Pháp xây dựng. Đó những chiếc hào để nước mưa thoát ra sông Hồng và sông Tô Lịch. Và sau này trở thành hệ thống cống ngầm.

Nhiều năm trở lại đây, Hà Nội bắt đầu đẩy mạnh xây dựng các công trình giao thông ngầm, khởi đầu với công trình hầm Kim Liên, hầm chui xuyên qua Vành đai 3 là hầm Trung Hòa và hầm Thanh Xuân, mới đây là hầm chui Lê Văn Lương. Cùng với đó là các công trình ngầm thuộc tuyến đường sắt đô thị Nhổn – Ga Hà Nội.

Cũng theo KTS Trần Huy Ánh, các công trình ngầm mang đến những giá trị vô cùng lớn, việc phát triển không gian ngầm là xu hướng tiến hóa tất yếu của đô thị hiện nay nhưng Việt Nam lại chưa có hệ thống luật quy định chi tiết về không gian ngầm.

Có thể thấy ngay từ việc thi công tuyến metro ngầm, quá trình thi công phải di dời một số hộ dân nhất định, do ảnh hưởng đến các công trình bên trên, tuy nhiên, do chưa có quy định cụ thể nên khoảng không gian dưới đất không thể phân định là sở hữu của ai nên đã xảy ra tranh chấp.

Chia sẻ những vấn đề còn bất cập, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến – nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng cho rằng, trong những năm gần đây, Việt Nam đang bùng nổ về xây dựng công trình ngầm, sử dụng không gian ngầm để xây dựng công trình ngầm nhưng thực tế lại chưa có cơ sở pháp lý cụ thể và chưa được quan tâm thực sự, ngay cả khi thẩm định các quy hoạch đô thị, ít ai đặt các vấn đề cụ thể.

“Luật Quy hoạch đô thị 2009 và Nghị định 39 đã nêu rõ trong các quy hoạch chung đô thị phải có nội dung liên quan đến quy hoạch xây dựng công trình ngầm nhưng khi xét duyệt lại không ai nói. Năm 2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định 39/2010/NĐ-CP về quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị, thời điểm đó, có nói làm quy hoạch nhưng muốn làm được phải xây dựng cơ sở dữ liệu. Bộ Xây dựng cũng đã ban hành thông tư về công trình ngầm và đã tổ chức tập huấn nhưng do những vướng trong triển khai thực hiện nên 10 năm nay, không đơn vị nào xây dựng được cơ sở dữ liệu như thông tư ban hành”, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến cho hay.

Luật Đất đai (sửa đổi) cần phải làm rõ

Trước thực tế nêu trên, các chuyên gia cho rằng, để phát triển không gian xây dựng ngầm đô thị, việc đầu tiên chúng ta cần xây dựng cơ sở pháp lý cụ thể. Theo KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội: “Luật Đất đai sửa đổi cần quy định cụ thể hơn, bởi đây sẽ là cơ sở để ra đời các thông tư, nghị định liên quan đến quản lý kỹ thuật. Bộ Xây dựng cần tham gia vào, bởi đây không chỉ riêng là vấn đề của Bộ Tài nguyên và Môi trường”.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, chúng ta cần thiện các văn bản pháp lý về quản lý không gian ngầm (Xây dựng Luật về Quản lý không gian ngầm; Bổ sung nội dung quy hoạch không gian ngầm trong Luật Quy hoạch đô thị và các hướng dẫn Luật; Luật dân sự liên quan đến sở hữu tài sản; Luật đường sắt liên quan đến phạm vị bảo vệ và hành lang an toàn; Sửa đổi một số Nghị định và thông tư hướng dẫn có liên quan).Từ đó, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật, quy trình kỹ thuật có liên quan đến quy hoạch, thi công xây dựng, bảo trì công trình ngầm; Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu công trình ngầm, cơ sở dữ liệu cấu trúc nền địa chất đô thị phục vụ xây dụng công trình ngầm…;

“Trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nội dung liên quan về sử dụng đất để xây dựng công trình ngầm hay quản lý không gian ngầm đã được bổ sung khá cụ thể. Tuy nhiên, do quản lý đất đai và sử dụng không gian dưới đất để xây dựng và quản lý là khá mới nên một số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, làm rõ thêm như quyền được sử dụng đất đến độ sâu bao nhiêu; quyền sử dụng đất để xây dựng công trình ngầm giữa các chủ thể tham gia (ở các tầng không gian ngầm – mức độ sâu khác nhau); việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để xây dựng công trình ngầm; Cùng với đó là quan hệ giữa người sử dụng đất trên mặt đất và người sử dụng đất dưới mặt đất, việc thu hồi, bồi thường để xây dựng công trình ngầm…”, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến nêu quan điểm.

Vừa qua, có thể thấy những tín hiệu tích cực trong việc phát triển không gian xây dựng ngầm đô thị. Đó là việc Hà Nội chính thức phê duyệt quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm ở 20 quận, huyện với tổng diện tích 756 km2.

Với độ sâu tối đa 30 m, Hà Nội xác định các hạng mục xây ngầm gồm hai nhóm là hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật, điện lực; và công trình công cộng ngầm như trung tâm thương mại, dịch vụ, siêu thị, vui chơi giải trí, kho tàng, bãi đỗ xe…

Theo các chuyên gia, Hà Nội là đô thị đầu tiên phê duyệt quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị. Đây sẽ là cơ sở để các đô thị khác tham khảo, rút kinh nghiệm trong triển khai thực hiện.

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, Hà Nội đang đi từng bước rất bài bản…Chúng ta có thể lấy mô hình vận hành của Vincom với hệ thống tầng hầm, trung tâm thương mại tại Royal City hay Times City để học hỏi, từ việc phê duyệt quy hoạch chi tiết, xây dựng đến vận hành, kết nối không gian xung quanh, các công trình trên mặt đất và dưới mặt đất….

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích