Không gian văn hóa cảnh quan sông Hồng: Tầm nhìn và giải pháp

Không gian văn hóa cảnh quan sông Hồng: Tầm nhìn và giải pháp

Lợi thế, tiềm năng về cảnh quan, tài nguyên luôn được nhận diện ngày càng đầy đủ, song để phát huy giá trị rất cần có tầm nhìn và giải pháp hiệu quả.

Lịch sử phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội Thăng Long – Hà Nội luôn có mối liên kết với sông Hồng. Quá trình lịch sử vừa qua đã tạo lập được những kết quả trong khai thác, quản lý không gian hai bên sông Hồng, song cũng đã để lại một số bài học kinh nghiệm rất cần quan tâm.

Lợi thế, tiềm năng về cảnh quan, tài nguyên luôn được nhận diện ngày càng đầy đủ, song để phát huy giá trị rất cần có tầm nhìn và giải pháp hiệu quả.

Không gian văn hóa cảnh quan sông Hồng: Tầm nhìn và giải pháp - Tạp chí Kiến Trúc
Vị thế sông Hồng với Thủ đô, với Vùng

Sông Hồng là hệ thống sông lớn thứ hai của Việt Nam bắt nguồn từ Vân Nam (Trung Quốc), với chiều dài hơn 1200km. Qua Việt Nam gần 600km, chảy qua các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng. Qua Hà Nội = 40km (trước khi mở rộng Hà Nội 2008) và = 118km sau mở rộng. Thượng lưu sông Hồng phân 3 nhánh chính là sông Đà, sông Lô, sông Thao và phân nhánh với sông Đuống tại Hà Nội. Việc phân nhánh tác động đến lưu lượng dòng chảy và thoát lũ của Vùng. Theo nghiên cứu của Pháp khái quát giai đoạn, thì dòng chảy sông Hồng đã trải qua ba thế sông với chu kỳ 70 – 100 năm. Mức nước sông biến đổi từ mức thấp nhất 2 – 4m và cao nhất là hơn 13m so với mực nước biển. Theo thống kê, trong 50 năm (1956 – 2005) có tới 92 lần ở mức báo động 1 (cốt 9,5m), 66 lần báo động 2 (cốt 10,5m), 28 lần ở mức báo động 3 (cốt 11,5m), 4 lần ở mức nước cao 13m. Lũ cao nhất gần đây là năm 1971. Những biến đổi về thế sông, mực nước dẫn đến biến đổi về quy mô, hình dáng và chất lượng đất bãi giữa và bãi ven sông, nhất là đoạn 40km sông Hồng qua trung tâm thành phố. Đây là thách thức lớn cho nghiên cứu, xây dựng không gian kiến trúc, cảnh quan trục sông Hồng.

Các nghiên cứu đã thực hiện và bài học kinh nghiệm

Quá trình lịch sử Thăng Long – Hà Nội, nhất là giai đoạn đẩy mạnh đô thị hóa. Công nghiệp khu vực ven sông Hồng và Bãi Giữa đã được quan tâm và có nhiều nghiên cứu của cả trong và ngoài nước. Ngay từ sau hòa bình lập lại (1954) đã bước đầu có nghiên cứu khai thác quỹ đất ven sông để xây dựng các mô hình nhóm nhà ở, tiểu khu nhà ở theo mô hình xã hội chủ nghĩa. Năm 1992 đã lập quy hoạch ven sông để đảm bảo an toàn dân cư và khu vực Bãi Giữa.

Để có định hướng phát triển đảm bảo an toàn. Viện Nghiên cứu Thủy Lợi (1997 – 2002) đã xây dựng quy hoạch thoát lũ, chỉnh trị sông Hồng. Năm 1994, Văn phòng Kiến trúc sư trưởng thành phố đã lập quy hoạch xây dựng hai bên sông Hồng. Bộ Giao thông Vận tải (1997 – 1998) đã nghiên cứu giao thông thủy sông Hồng. Trong thời gian từ 1992 đến 2008 (mở rộng Hà Nội) đã có gần 20 dự án của cả trong và ngoài nước nghiên cứu về đầu tư xây dựng Bãi Giữa, ven sông Hồng. Trong đó có thể kể đến:

– Khu đô thị Phúc Xá 1994 (Singapore nghiên cứu giúp đỡ);

– Xây dựng Công viên văn hóa Bãi Giữa sông Hồng (Ý, Trung Quốc);

– Cải tạo, chỉnh trang hai bên sông Hồng (Hội Khoa học Thủy lợi nghiên cứu 2003)…

– Dự án các khu đô thị: Bát Tràng, Cự Khối, Thạch Bàn, Bồ Đề, Thăng Long… do doanh nghiệp Việt Nam đề xuất và nghiên cứu;

– Dự án phát triển Du lịch sông Hồng (2000);

– Dự án Khu đô thị khoa học Tầm Xá – ven sông (Công ty Indochinia – Lan, Mỹ nghiên cứu)

– Năm 2002 UBND Thành phố Hà Nội đã xây dựng đề án thoát lũ sông Hồng và kè cứng bờ sông Hồng…

Ngay sau đó, là các đề án: Thành phố sông Hồng; Công viên Bắc Giữa sông Hồng; Công viên Trần Phú – Thanh Trì; Dự án thí điểm cải tạo chỉnh trang 1km ven sông khu vực Quảng An…

Còn rất nhiều dự án cụ thể khác, nhìn lại có thể nhận biết một số bài học kinh nghiệm:

– Cơ sở khoa học để xem xét dự án là Quy hoạch phòng chống lũ hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình cần được cụ thể hóa trên địa bàn Hà Nội (Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt số 92/QĐ – TTg 2007 và điều chỉnh tại Quyết định 257/QĐ – TTg 2006);

– Các dự án cần có các giải pháp khoa học để thích ứng với biến đổi dòng chảy và an toàn khi mực nước có biến động trong khai thác, sử dụng;

– Cần có sự thống nhất quản lý đồng bộ về chỉnh trị sông Hồng, hệ thống giao thông, tổ chức phân bố dân cư, cải tạo phát triển đô thị ven sông và sự phối hợp giữa các đơn vị hành chính (một số dự án Bãi Giữa, bãi ven sông thuộc địa giới cả 2 huyện, quận);

Việc chỉ đạo thống nhất sẽ tạo thuận lợi để xác định không chỉ khu dân cư mà còn là chức năng các khu công viên hình thành trong tương lai (khu sinh thái, công viên, thể thao, công viên lịch sử văn hóa, khu phục nguyên sinh thái ven sông, công viên chức năng tổng hợp…).

Các định hướng phát triển – cơ sở pháp lý

– Từ sau khi Hà Nội mở rộng địa giới năm 1961, các đồ án quy hoạch đều đã đề cập đến vai trò sông Hồng và khai thác quỹ đất hai bên sông Hồng;

– Đồ án quy hoạch xây dựng TP năm 1992 đã bước đầu định hướng chức năng sử dụng các khu đất ven sông với mục tiêu ổn định, an toàn cho dân cư và tập trung ở các vị trí thuộc địa bàn Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm;

– Quy hoạch chung xây dựng TP năm 1998 đã có định hướng phát triển công viên cây xanh đặc dụng phòng hộ, sinh thái ven sông, khai thác giao thông thủy sông Hồng, nâng cấp một số cảng: Phà Đen, Khuyến Lương… và gia cố đê để ngăn lũ cho khu vực trung tâm thành phố;

– Sau khi mở rộng địa giới Hà Nội năm 2008, đến quy hoạch chung xây dựng 2011 đã có đột phá mới về mô hình đô thị và xác định khu vực hai bên sông Hồng là trục không gian cảnh quan trung tâm Thủ đô, nơi bố trí các công viên, công trình văn hóa, giải trí lớn. Khai thác, kế thừa quy hoạch cơ bản phát triển sông Hồng đoạn qua Hà Nội; Cùng với quy hoạch chung, Hà Nội đã phối hợp với nước ngoài nghiên cứu quy hoạch chuyên sâu về khu vực sông Hồng.

– Từ năm 2005, thành phố Hà Nội đã phối hợp với thành phố Seoul Hàn Quốc lập quy hoạch cơ bản phát triển khu vực sông Hồng đoạn qua Hà Nội. Cuối năm 2007 đã hoàn chỉnh và được nghiệm thu với phạm vi nghiên cứu 6.200ha, định hướng cụ thể về chỉnh trị sông Hồng (cơ sở theo QĐ 92/2007 của Thủ tướng Chính phủ), giao thông thủy, hệ thống giao thông ven sông, bố trí các khu đất ở, hệ thống không gian xanh, công viên… Tổng số đất xây dựng đô thị là 2.400ha/ 5200ha nghiên cứu. Riêng công viên cây xanh được phân 4 khu vực theo đơn vị hành chính với tổng diện tích 780ha ven sông và 340ha bãi giữa. Với dự kiến nguồn kinh phí gần 300 triệu USD.

– Trước đó, thành phố Hà Nội và cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã phối hợp nghiên cứu Chương trình phát triển đô thị tổng thể Thủ đô Hà Nội (HAIDEP), từ 2005 – 2007 đã nghiệm thu. Trong đó có nội dung về phát triển khu vực ngoài đê với tổng diện tích nghiên cứu 1.363ha;

– Trong Luật Thủ đô 2013 đã đề cập đến định hướng tạo lập cảnh quan khu vực hai bên sông Hồng;

– Hiện nay, sau quy hoạch chung 2011, Thành phố đã phê duyệt quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng (đoạn từ cầu Hồng Hà – Mễ Sở), Quyết định 1045/QĐ-UBND ngày 25/3/2022, với quy mô đất nghiên cứu 10.996,1ha. Đây là đề án cụ thể hóa quy hoạch chung xây dựng 2011, được lập căn cứ các cơ sở pháp lý hiện hành, trong đó có Quyết định 257/QĐ – TTg năm 2016 của Thủ tướng điều chỉnh quy hoạch phòng chống lũ sông Hồng và sông Thái Bình. Trong quy hoạch phân khu này đã định hướng cụ thể về xây dựng công viên cây xanh cấp thành phố và cấp đơn vị ở.

– Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên đến 2030 (quyết định 1495/QĐ – UBND tháng 3/2014 đã định hướng trục cảnh quan sông Hồng hình thành các công viên, công trình mang tính biểu tượng, tính thời đại phục vụ lễ hội, du lịch.

Qua một số cơ sở pháp lý nêu trên cho thấy việc xây dựng công viên văn hóa cảnh quan ven sông và bãi giữa sông Hồng là có đủ cơ sở pháp lý. Để triển khai tại Quyết định 1045/QĐ – UBND tháng 3/2022, thành phố đã xác định, phân công tổ chức thực hiện cho các Sở, UBND các quận, huyện.

Rất cần có cơ quan đầu mối quản lý để đảm bảo hài hòa và đồng bộ trong thực hiện mục tiêu xây dựng Hà Nội: “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”.

Một số giải pháp triển khai xây dựng công viên văn hóa, cảnh quan bãi giữa sông Hồng

– Đây là công việc cần thiết, có cơ sở pháp lý, có định hướng khung, song để cụ thể hóa rất cần có tầm nhìn đồng bộ và rộng (liên quan đến vùng và Quốc gia). Hơn nữa, TP đang nghiên cứu: Điều chỉnh quy hoạch chung, lập quy hoạch Thủ đô nên cần có phối hợp trong triển khai và lựa chọn dự án thí điểm;

– Ứng dụng khoa học – công nghệ trong tổ chức không gian, vật liệu xây dựng, cây xanh, hạ tầng kỹ thuật để thích ứng với biến đổi mực nước. Bài học từ các dự án chưa được triển khai là chưa hài hòa với hành lang thoát lũ và tính bền vững trong xây dựng. Bài học từ nước ngoài cho thấy đây là vấn đề tác động đến phát triển bền vững;

– Lựa chọn mô hình liên kết thích hợp giữa dự án bãi sông với khu vực qua hệ thống giao thông thủy, trên cao hoặc kết nối từ các cầu qua sông. Đây không chỉ từ chủ định của dự án mà còn xem xét đến yêu cầu chung của cả trục không gian sông Hồng.

Một số ý kiến trên, mong xem xét tham khảo để lựa chọn địa điểm thích hợp, quy trình hợp lý trong xây dựng Công viên ven sông, Bãi Giữa sông Hồng.

TS.KTS. Đào Ngọc Nghiêm 
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch – Phát triển đô thị Việt Nam 
(Hội thảo khoa học Đề án xây dựng Công viên văn hóa cảnh quan Bãi Giữa sông Hồng Tầm nhìn và giải pháp)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích