Không có khó khăn trong xây dựng văn bản hướng dẫn Luật Thủ đô (sửa đổi)

Đảm bảo văn bản hướng dẫn có hiệu lực thi hành cùng Luật

Bộ Tư pháp vừa tổ chức họp báo thông tin về một số kết quả công tác tư pháp quý 3 và nhiệm vụ trọng tâm công tác quý 4/2024. Tại buổi họp báo, ông Trần Anh Đức – Vụ trưởng Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Bộ Tư pháp đã trả lời phóng viên Báo Lao động Thủ đô về tiến độ, vướng mắc, khó khăn trong xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi).

Ông Trần Anh Đức cho biết, sau khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua, ngày 27/7/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 717/QĐ-TTg, ban hành danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7, trong đó có Luật Thủ đô (sửa đổi).

Tiếp đó, ngày 2/8/2024, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 762/QĐ-TTg về kế hoạch triển khai thi hành Luật Thủ đô, xác định cụ thể nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức thi hành Luật Thủ đô; xác định trách nhiệm và cơ chế phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, thành phố Hà Nội và các địa phương có liên quan trong việc tiến hành các hoạt động triển khai thi hành Luật Thủ đô.

Không có khó khăn trong xây dựng văn bản hướng dẫn Luật Thủ đô (sửa đổi)
Ông Trần Anh Đức – Vụ trưởng Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Bộ Tư pháp đã trả lời tại buổi họp báo.

Theo Vụ trưởng Trần Anh Đức, Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định hai thời điểm có hiệu lực thi hành là ngày 1/1/2025 và ngày 1/7/2025. Trong đó, Chính phủ được giao 6 nội dung, với 3 nội dung có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 và 3 nội dung có hiệu lực thi hành từ 1/7/2025; thành phố Hà Nội được giao 32 nội dung, trong đó có 28 nội dung có hiệu lực từ 1/1/2025 và 4 nội dung có hiệu lực từ 1/7/2025.

“Về tiến độ, những nội dung nào có hiệu lực từ 1/1/2025 sẽ được ban hành trước ngày 15/10/2024 và đến thời điểm này, Bộ Tư pháp chưa nhận đươc phản ánh, kiến nghị nào của các bộ ngành, cũng như của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phản ánh khó khăn trong việc xây dựng văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi)”, ông Đức thông tin.

Cũng theo ông Đức, hiện nay các bộ cũng như địa phương đang tiến hành triển khai xây dựng để làm sao những nội dung nào có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025 sẽ được ban hành văn bản hướng dẫn có hiệu lực cùng thời điểm 1/1/2025 và những nội dung nào có hiệu lực từ 1/7/2025 cũng sẽ được ban hành văn bản hướng dẫn có hiệu lực cùng thời điểm.

Xác định cụ thể nội dung thực hiện theo quy định của Luật Thủ đô

Theo Quyết định 762/QĐ-TTg về kế hoạch triển khai thi hành Luật Thủ đô, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì giúp Chính phủ hướng dẫn quy định về liên kết phát triển kinh tế – xã hội trong vùng Thủ đô (khoản 3 Điều 3); quyết định Danh mục chương trình, dự án liên kết, phát triển vùng được hỗ trợ từ ngân sách Trung ương quy định tại khoản 1 Điều 46 theo đề nghị của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội (khoản 6 Điều 46).

Đồng thời chủ trì, phối hợp với các địa phương, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội bảo đảm cân đối ngân sách triển khai thực hiện chương trình, dự án liên kết, phát triển vùng giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng động lực phía Bắc (khoản 3 Điều 47).

Không có khó khăn trong xây dựng văn bản hướng dẫn Luật Thủ đô (sửa đổi)
Một góc Thủ đô nhìn từ trên cao. (Ảnh: Phương Ngân)

Bộ Xây dựng chủ trì giúp Thủ tướng Chính phủ quyết định danh mục, biện pháp và lộ trình di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và trụ sở các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức Trung ương (điểm a khoản 3 Điều 18).

Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì giúp Chính phủ tổ chức xem xét, đánh giá kết quả, hiệu quả thực hiện các nội dung thử nghiệm có kiểm soát để quyết định theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định ban hành mới, sửa đổi, bổ sung pháp luật về lĩnh vực, nội dung có liên quan làm cơ sở cho việc áp dụng chính thức công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh đã được thử nghiệm (khoản 10 Điều 25).

Thủ tướng Chính phủ cũng giao các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan khác ở Trung ương quyết định danh mục công trình, hạng mục công trình thuộc phạm vi quản lý của cơ quan mình được nhượng quyền khai thác, quản lý; quy định nguyên tắc, điều kiện, nội dung, cơ chế tài chính, trình tự, thủ tục và biện pháp bảo vệ, quản lý, sử dụng, khai thác công trình, hạng mục công trình thực hiện nhượng quyền khai thác, quản lý quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 41 (khoản 5 Điều 41).

Các bộ, cơ quan ngang bộ được giao chủ trì soạn thảo dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội có trách nhiệm rà soát, đối chiếu với quy định của Luật Thủ đô, xác định cụ thể nội dung thực hiện theo quy định của Luật Thủ đô hoặc nội dung cần thực hiện theo luật, nghị quyết đó (khoản 2 Điều 50).

– Các bộ, ngành có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra các nội dung thuộc chức năng quản lý nhà nước của bộ, ngành mình; giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức thi hành và theo dõi việc thi hành pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực.

– Các bộ, ngành trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình chủ trì, phối hợp với chính quyền thành phố Hà Nội trong việc xây dựng chiến lược phát triển ngành, quy hoạch ngành, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật có nội dung liên quan đến xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô; tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc phân cấp, ủy quyền cho HĐND, UBND thành phố Hà Nội, quyết định việc phân cấp, ủy quyền cho HĐND, UBND thành phố Hà Nội thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thuộc phạm vi thẩm quyền của mình ngoài các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật này.

Phương Thảo

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích