Không chủ quan với bệnh da liễu mùa mưa, bão
Gia tăng bệnh da liễu
Mưa lớn kéo dài gần hai tuần nay tại các tỉnh thành miền Bắc không chỉ gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân, mà còn tiềm ẩn những mối nguy hại đến sức khoẻ, nhất là những bệnh về da liễu. Đáng lo ngại, việc tự ý dùng thuốc là việc làm thường xuyên của nhiều người khi mắc các bệnh ngoài da, chỉ đến khi mãi không khỏi, người bệnh mới đến viện điều trị. Bởi vậy, những ngày này, số bệnh nhân gặp các vấn đề về da do mưa lũ đến khám gia tăng đáng kể tại Bệnh viện Da liễu Trung ương.
Nhân viên y tế tại huyện Chương Mỹ xuống địa bàn ngập úng, hướng dẫn người dân phòng, chống dịch bệnh. |
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Thị Minh Phương, Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Trung ương, những ngày này, số bệnh nhân gặp các vấn đề về da do mưa lũ đến khám gia tăng đáng kể tại Bệnh viện. Tỉ lệ bệnh nhân tăng lên tương đối, tăng lên so với mùa khô khoảng 30%.
Điển hình, như trường hợp của bệnh nhân từ một nốt nấm tròn nhỏ ở tay, sau những ngày dính mưa dai dẳng, vết nấm đã nhanh chóng lan nhanh đến nửa cánh tay kèm với những cơn rát, ngứa. Hay trường hợp một bệnh nhân cho biết, cảm giác rất khó chịu khi căn bệnh lang ben của bản thân dính mưa, ẩm nhiều ngày lại tái phát và lan thêm ở nhiều vùng trên cơ thể.
Theo bác sĩ Phương, trong thời điểm mưa lũ, các bệnh về da hay gặp nhất là bệnh da do nhiễm khuẩn, nhiễm nấm. Bệnh da do nấm hay gặp nhất là nấm kẽ bàn chân, nấm móng chân. Nguyên nhân chủ yếu do người dân lội nước nhiều, làn da bị mềm đi, khả năng bảo vệ trước môi trường giảm, khi đó tác nhân bên ngoài môi trường như nấm dễ chui vào. Nấm dễ phát triển trong môi trường nóng ẩm nên trong mùa mưa lũ, người dân dễ bị nấm kẽ, nấm bàn chân, nấm móng chân…
Bên cạnh đó, người dân dễ mắc bệnh lý viêm da do vi khuẩn. Trong thời tiết mưa ẩm, da không còn độ đàn hồi tốt như trước nên dễ bị các vi khuẩn ngoài nấm xâm nhập như chốc, nhọt, viêm nang lông gây viêm da do nhiễm khuẩn. Ngoài ra, khi người dân lội nước nhiều, nước có thể chứa nhiều tác nhân gây dị ứng, kích ứng dẫn tới bàn chân bị viêm da tiếp xúc kích ứng, viêm da tiếp xúc dị ứng.
Chủ động phòng bệnh
Theo Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Trung ương, một điều đáng cảnh báo là hiện bệnh nhân hay có thói quen tự điều trị, nghe theo lời bạn bè mách sử dụng các loại thuốc khác nhau, nhưng thực tế bệnh lý về da rất phong phú, mỗi loại bệnh có thuốc khác nhau. Vì thế, nhiều người điều trị sai đắp lá, ngâm lá, hoặc đến viện khám khi có biến chứng bởi dùng tuýp thuốc không rõ nguồn gốc.
“Ngay cả khi bệnh nhân mang thuốc đến cho chúng tôi xem, họ cũng không hiểu thuốc đó trị bệnh gì, chỉ biết được mách. Như thế, bác sĩ chúng tôi rất khó điều trị và người bệnh có thể gặp tai biến do dùng thuốc không đúng. Bên cạnh đó, một số người thích ngâm, đắp lá, nhưng không biết khi đó sẽ làm kích ứng, da khô, nứt nẻ, thậm chí loét. Nếu bệnh nhân không được điều trị sẽ tiến triển nặng lên, sẽ dẫn tới tai biến như ngứa, loét, chảy dịch, sưng nóng đỏ…” – bác sĩ Phương nói.
Bệnh về da thông thường là lành tính, nhưng lại đi kèm với cảm giác ngứa rát khó chịu cùng vấn đề về thẩm mỹ, để có những cách bảo vệ da đúng đắn trước nguy cơ mắc bệnh, người dân cần có những biện pháp chủ động phòng tránh. Về hướng xử trí những bệnh về da trong mùa mưa lũ, bác sĩ Phương khuyến cáo, khi gặp sự bất thường của làn da, người dân cần tìm chuyên gia da liễu để xử trí sớm. Đồng thời, người dân cần thay đổi thói quen trong mùa mưa lũ như không nên đi tất ẩm, giày ẩm, làm viêm kẽ do nấm, vi khuẩn; phải có thói quen vệ sinh thân thể sạch sẽ hằng ngày.
Để phòng bệnh ngoài da, người dân ở vùng lũ lụt cần chú ý vệ sinh môi trường sạch sẽ, bảo đảm sát khuẩn chân tay, cơ thể, sử dụng phương tiện bảo hộ như ủng, găng tay cao su khi tiếp xúc với các nguồn nước bẩn để tránh tiếp xúc với các yếu tố gây bệnh. Nếu phải lội nước mưa, thì về nhà phải làm sạch, phải chấm khô kẽ chân, tay, giày dép phơi khô thì hãy sử dụng lại.
Cùng với việc phòng tránh các bệnh mùa mưa bão, thì các bác sĩ, ngành Y tế cũng khuyến cáo người dân cần chú ý đảm bảo an toàn thực phẩm. Theo đó, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế khuyến cáo người dân vùng ngập lụt, ảnh hưởng mưa bão tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm chết làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm. Trường hợp các nguồn cấp nước như giếng khoan, giếng khơi bị ngập úng thì phải được lọc và khử trùng trước khi sử dụng.
Bên cạnh đó, phương châm của ngành Y tế là nước rút đến đâu người dân nên làm vệ sinh môi trường đến đó; kịp thời thu gom, xử lý xác gia súc, gia cầm, động vật chết; phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ để tránh phát sinh các dịch, bệnh truyền nhiễm; làm vệ sinh và xử lý các nguồn nước cấp cho ăn uống sinh hoạt để đảm bảo có nước sạch cho người dân.
Minh Khuê
Nguồn: Báo lao động thủ đô