Không bỏ lỡ “cơ hội vàng”!

Không bỏ lỡ “cơ hội vàng”!
Ảnh minh họa.

Trình bày Tờ trình về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025 trước Quốc hội, Bộ trưởng Kế hoạch- Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến nhanh, phức tạp, còn có thể kéo dài, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế cần được thực hiện nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi, tận dụng cơ hội và tạo đà bứt phá cho giai đoạn tới.

Theo đó, mục tiêu của kế hoạch được Chính phủ đề ra là tạo sự thay đổi rõ nét trong mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào tăng năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, hiệu quả sử dụng nguồn lực, tính tự chủ và khả năng thích ứng của nền kinh tế, từng bước hướng tới nền kinh tế dựa vào khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, đảm bảo phát triển nhanh, bền vững, hài hòa với văn hóa, xã hội, môi trường và quốc phòng- an ninh.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, năm 2030 Việt Nam chuyển sang già hóa dân số. Do đó, trong 10 năm nữa mà chúng ta không tranh thủ “cơ hội vàng” để vươn lên thì rất đáng tiếc, vì lúc đó đã phải lo an sinh xã hội, “chưa giàu đã già’. Vì vậy, Bộ trưởng Dũng cho rằng, việc cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước là rất quan trọng.

Trong khi đó, khu vực kinh tế tư nhân cũng rất bất cập, vừa nhỏ, vừa yếu về công nghệ, yếu về mọi thứ không đủ sức cạnh tranh. Bởi thế, thời gian tới cần phải tập trung vào công việc này. Đi vào phân tích cụ thể, một số đại biểu cho rằng, giai đoạn tới cần phải tận dụng mạnh mẽ các cơ hội của cách mạng công nghệ 4.0, tập trung cho số hóa, kinh tế số, xã hội số, đổi mới sáng tạo, các mô hình kinh tế mới, kinh tế xanh, kinh tế ban đêm, kinh tế chia sẻ…

Những ý kiến của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch- Đầu tư và các đại biểu Quốc hội là hoàn toàn xác đáng, song để tận dụng “thời gian vàng” khi dân số còn trẻ, chưa bị già hóa xét cho cùng yếu tố “giải phóng” nguồn nhân lực và phát huy tinh thần sáng tạo, phân phối nguồn lực cân bằng mới chính là “chìa khóa” thành công.

Đơn giản, trong khi đa phần doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí siêu nhỏ, số doanh nghiệp lớn như các tập đoàn tên tuổi trong nước hiện nay chưa nhiều; trong khi doanh nghiệp còn khát và khó tiếp nhận nguồn tín dụng thì còn nhiều dự án đầu tư công bị đội vốn, lãng phí, thậm chí cả thất thoát. Các rào cản “vô hình” khiến hoạt động của doanh nghiệp khó khăn.

Ngay trong công tác cán bộ khối cơ quan thuộc hệ thống chính trị, cơ chế “bằng cấp”, văn bằng, chứng chỉ… vẫn còn nhiều; chính sách trọng dụng người tài tuy đã có cải thiện, nhưng vẫn chưa có bước đột phá… Đây chính là những rào cản mà chúng ta cần phải hoàn thiện về mặt thể chế để tạo bước đột phá trong thời kỳ “cơ hội vàng”, “thời gian vàng” về dân số để đưa đất nước phát triển.

H.L

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích