Khơi thông hoạt động hàng không trong giai đoạn mới

Khơi thông hoạt động hàng không trong giai đoạn mới
Ảnh minh họa

Những tồn tại, vướng mắc

Trong giai đoạn thí điểm tái khởi động mạng bay nội địa, nhu cầu di chuyển của hành khách là khá cao sau một thời gian bị đè nén. Song nhìn chung, vẫn tồn tại một số vướng mắc cần được xem xét điều chỉnh để tạo thuận lợi cho các giai đoạn áp dụng chính thức kế tiếp.

Theo ông Nguyễn Khắc Hải – Phó Tổng Giám đốc Bamboo Airways, chính sách mở bán được công bố cận ngày mở bán vé sẽ khiến khách hàng khó tiếp cận thông tin; quy định giãn cách ghế cũng ảnh hưởng đến khả năng khai thác thương mại của các hãng bay. Đặc biệt, tỷ lệ tiêm vắc xin chưa đồng đều, điều kiện bay đối với trẻ dưới 18 tuổi chưa tiêm vắc xin và quy định phòng, chống dịch của địa phương cũng tạo nên rào cản nhất định.

Khơi thông hoạt động hàng không trong giai đoạn mới
Ông Nguyễn Khắc Hải – Phó Tổng Giám đốc Bamboo Airways

Cùng quan điểm, ông Đỗ Xuân Quang – Phó Tổng Giám đốc Vietjet Air cũng đề cập đến những khó khăn mà hãng hàng không tư nhân gặp phải trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Từ khai thác 400-500 chuyến bay mỗi ngày, hãng không thể khai thác thương mại và hệ thống tàu bay phải nằm đất thời gian dài.

Tuy nhiên bất chấp tình hình, các hãng đều cho biết không sa thải bất kỳ nhân viên nào. Với việc mở rộng đội tàu bay và khai trương các đường bay mới tới Côn Đảo, Điện Biên, Bamboo Airways còn tuyển mới nhiều nhân sự, bao gồm đội ngũ phi công, kỹ sư, kỹ thuật bảo dưỡng tàu bay…

Trên cơ sở đánh giá kết quả thí điểm, Bộ Giao thông vận tải đã thông qua kế hoạch triển khai các đường bay nội địa giai đoạn 21/10 – 30/11, trong đó nâng tần suất khai thác nhiều đường bay trục quan trọng như Hà Nội – thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội – Đà Nẵng, Đà Nẵng – thành phố Hồ Chí Minh.

Điều kiện khách bay và quy định của địa phương cũng được điều chỉnh theo hướng thuận tiện hơn, phần nào tạo điều kiện cho việc mở rộng đối tượng hành khách và giúp hãng bay nhanh chóng khôi phục mạng bay nội địa. Cùng với Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, các chuyên gia nhận định cơ hội cho doanh nghiệp phát triển ổn định đang dần được mở rộng.

Đảm bảo “bay an toàn”

Khi mở cửa thị trường vận tải hàng không là xu thế tất yếu sau khi kiểm soát được dịch bệnh, các giải pháp để mở rộng cơ hội khai thác, qua đó vực dậy ngành hàng không – du lịch và thúc đẩy phát triển kinh tế đã được thảo luận dưới nhiều góc nhìn sâu sắc.

Đánh giá mối quan hệ mật thiết giữa hàng không và du lịch, ông Đặng Đức Thành – Chủ tịch Câu lạc bộ Các nhà kinh tế thành phố Hồ Chí Minh (VEC) thuộc Hiệp hội doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh đề xuất mở các đường bay đến các khu du lịch nội địa nổi tiếng và tiêm vắc xin cho người dân ở vùng này nhằm thực hiện mục tiêu “mở cửa an toàn”, bởi nếu mở nhanh khu du lịch trong nước thì việc mở rộng đường bay sẽ được tháo gỡ. Hàng không và du lịch có tác động tương hỗ, do đó cũng cần có giải pháp kích cầu du lịch nội địa.

Bàn về giải pháp an toàn bay, ông Đỗ Xuân Quang phân tích: “Không ai muốn bay với tinh thần lo sợ, không thoải mái. Do đó, phải có giải pháp để hành khách cảm thấy an toàn khi bay”. Cùng với đó, ông đề xuất cần có chính sách của Chính phủ nhằm đảm bảo phòng chống, quản lý dịch bệnh hiệu quả và chính sách riêng của hãng hàng không để thực hiện những “chuyến bay xanh”.

Khơi thông hoạt động hàng không trong giai đoạn mới
Ông Đỗ Xuân Quang – Phó Tổng Giám đốc Vietjet Air

Đối với vấn đề tiêm chủng vắc xin, việc đồng bộ hoá cơ sở dữ liệu được đánh giá là điều tất yếu, giúp tiết kiệm thời gian khi triển khai chuyến bay và tạo cơ sở kiểm soát dịch hiệu quả. Song ở khía cạnh khác, khi tỷ lệ tiêm chủng thấp, nhiều địa phương mới đạt tỷ lệ phủ 20-30%, việc áp dụng tiêu chí tiêm vắc xin đối với hành khách chưa hợp lý.

Về chính sách hỗ trợ tài chính, đại diện các hãng hàng không kiến nghị triển khai chính sách cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp như gia hạn và tăng thêm mức hỗ trợ, miễn giảm với các chính sách đã được ban hành như: tăng mức giảm thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay từ mức 30% lên 70%; gia hạn đến hết năm 2022 và tăng mức giảm giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay… để hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động và kích cầu thị trường.

Việc điều chỉnh quy định cho phép ngân hàng gia hạn thời gian tái cơ cấu nợ, cấp thêm hạn mức và cho vay mới với doanh nghiệp hàng không; ban hành cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp hàng không tư nhân tiếp cận các khoản vay ngắn hạn theo hình thức tái cấp vốn từ ngân hàng thương mại, các khoản tín dụng trung và dài hạn với lãi suất và điều kiện vay ưu đãi cũng được đề xuất. Cùng với đó, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp hàng không tư nhân phải rộng mở và thiết thực, điều khoản cụ thể, thủ tục nhanh gọn…

Đề cập đến cơ chế xin – cho trong phân bổ đường bay, đại diện các hãng hàng không cho rằng các tiêu chí quy định đã có, quan trọng là cần áp dụng một cách nhất quán, đảm bảo công bằng, đồng thời có cơ chế giám sát cụ thể.

H.D

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích