Khơi sức mạnh từ kinh tế tư nhân
Vai trò của kinh tế tư nhân ngày càng được khẳng định và được liên tục phát triển và hoàn thiện dần qua từng giai đoạn, từ chỗ không được thừa nhận (trước Đổi mới) đến được thừa nhận và khẳng định “có vị trí quan trọng lâu dài” trong nền kinh tế nhiều thành phần, dần nâng cấp lên “là một động lực quan trọng của nền kinh tế” và “thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế”.
Thống kê cho thấy Việt Nam hiện nay có khoảng 900 nghìn doanh nghiệp hoạt động, với khoảng 7 triệu doanh nhân. Với lực lượng đông đảo, các doanh nghiệp tư nhân chiếm tỷ trọng lớn về số lao động, nguồn vốn và doanh thu của cộng đồng doanh nghiệp.
Kinh tế tư nhân hiện đang đóng góp gần 45% GDP cả nước, khoảng 30% thu ngân sách nhà nước, hơn 40% vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội, tạo ra công ăn việc làm cho 85% số lao động cả nước; chiếm tới 35% tổng kim ngạch nhập khẩu và 25% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Tại Hội nghị Chiến lược phát triển kinh tế tư nhân 2024, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, những kết quả trên mới chỉ là bước đầu và vẫn chưa tương xứng với tiềm năng phát triển và vai trò của khu vực kinh tế tư nhân, nhất là khi đất nước đang đứng trước những cơ hội, mục tiêu và khát vọng phát triển to lớn. Đó là đến năm 2030, trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao.
Kinh tế tư nhân hiện đang đóng góp gần 45% GDP cả nước. |
Hiện bối cảnh thế giới đang ngày càng chuyển biến nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều vấn đề phát sinh chưa có tiền lệ cùng nhiều xu thế mới đang đặt ra những thách thức mới, đòi hỏi khu vực kinh tế tư nhân phải không ngừng đổi mới để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức nhằm phát triển nhanh và bền vững.
Dẫn chứng kinh nghiệm quốc tế cũng như trong nước, theo tiến sĩ khoa học Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, việc cải cách mạnh mẽ, cải thiện môi trường kinh doanh là hỗ trợ thiết thực, hiệu quả và có giá trị nhất đối với doanh nghiệp trong thời kỳ sau khủng hoảng. Đây cũng là thời điểm để tạo đột phá về cải cách, qua đó giúp địa phương cũng như nền kinh tế phục hồi và phát triển.
Về nguồn vốn và giải pháp đa dạng nguồn vốn cho kinh tế tư nhân, ông Lưu Trung Thái, cố vấn lĩnh vực tài chính trong Chuỗi chương trình Chiến lược phát triển Việt Nam cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện khung chính sách phát triển thị trường vốn cho doanh nghiệp. Kiện toàn hành lang pháp lý với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, hướng dẫn triển khai các công cụ vốn chủ khác để doanh nghiệp có nhiều không gian với nguồn vốn chủ như quyền chọn cổ tức, cổ tức không có quyền biểu quyết, hay chính sách tái đầu tư cổ tức để các doanh nghiệp có thể hài hòa lợi ích cho cổ đông và giữ lại phần vốn phục vụ mở rộng sản xuất kinh doanh.
Sự liên kết chặt chẽ của khoa học và doanh nhân thúc đẩy thành lập một mạng lưới chuyên gia và doanh nhân tham gia xây dựng các chính sách lớn, với những trọng tâm như thu hút nhân tài, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững.
Hiện Viện Quản trị Chính sách và Chiến lược phát triển đang triển khai nhiều chương trình mang tính định hướng phát triển kinh tế tư nhân, nâng cao năng lực và đào tạo thực tiễn cho cộng đồng Doanh nhân Việt Nam. Đồng thời, liên kết mạng lưới khoa học và doanh nhân, với mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, doanh nhân, cung cấp cơ sở dữ liệu thực tiễn cho cộng đồng chuyên gia, khoa học nghiên cứu.
Bảo Thoa
Nguồn: Báo lao động thủ đô