Khởi sắc thị trường lao động cuối năm

Dễ tiếp cận hơn với cơ hội việc làm

Sau khi chăm chú đọc kỹ bảng tuyển dụng lao động tại phiên giao dịch việc làm huyện Đông Anh vừa diễn ra mới đây, chị Nguyễn Thị Lan (35 tuổi, quê huyện Hoài Đức, Hà Nội) đã quyết định nộp hồ sơ ứng tuyển vị trí công nhân may tại một doanh nghiệp trong Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội. Trước đây, chị là công nhân may nhưng đã nghỉ việc từ cuối năm 2022 do Công ty giảm đơn hàng. Từ đó đến nay, chị Lan làm đủ các việc bán thời gian từ phụ hàng ăn, giao hàng, trông trẻ… để mưu sinh. Nữ công nhân này vẫn luôn mong muốn có công việc ổn định, được đóng bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ khi về hưu.
“Nếu như vài tháng trước, tôi gặp khó khăn khi nộp hồ sơ vì liên quan đến độ tuổi, trình độ thì hiện nay rất nhiều doanh nghiệp mở rộng độ tuổi tuyển dụng lên đến 40, không yêu cầu tốt nghiệp cấp trung học phổ thông, có thêm kinh nghiệm may là một lợi thế. Do đó, tôi đã có thể dễ dàng tìm được cơ hội công việc cho “- chị Lan bộc bạch.

Khởi sắc thị trường lao động cuối năm
Tư vấn tuyển dụng cho người lao động tại phiên giao dịch việc làm huyện Đông Anh năm 2023.

Cũng như chị Lan, nhiều NLĐ từng thất nghiệp cho biết, sau thời gian tìm kiếm việc làm đầy khó khăn, ở thời điểm này, họ cảm thấy dễ dàng tiếp cận cơ hội công việc hơn thông qua nhiều kênh thông tin việc làm khác nhau, nhất là tại các sàn giao dịch việc làm, phiên giao dịch việc làm diễn ra liên tục trên địa bàn thành phố Hà Nội. Ông Vũ Quang Thành – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, cho biết, thời điểm cuối năm, nhu cầu tuyển dụng đang tăng cao ở nhiều nhóm ngành nghề. Theo quan sát của đơn vị này cũng như thông qua hoạt động thu thập thông tin, phản hồi trực tiếp từ các doanh nghiệp, từ nay đến cuối năm, thương mại – dịch vụ vẫn tiếp tục có xu hướng tuyển dụng nhiều lao động; tiếp đến là nhóm công nghiệp chế biến – chế tạo. Các lĩnh vực ngành nghề hoạt động khác như xây dựng, tài chính – ngân hàng, văn phòng cũng sẽ tăng tuyển dụng. Riêng lĩnh vực công nghệ thông tin, thời gian qua có nhu cầu tuyển dụng lớn thì vẫn tiếp tục xu hướng này…

Trên phạm vi cả nước, theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng năm 2023, lao động có việc làm cả nước đạt 51,2 triệu người, tăng 776.000 người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực thành thị là 19 triệu người, tăng 321.600 người so với cùng kỳ năm trước; khu vực nông thôn là 32,2 triệu người, tăng 454.300 người. Xét theo khu vực kinh tế, lao động có việc làm 9 tháng năm 2023 trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 13,8 triệu người, chiếm 27% và giảm 118.200 người so với cùng kỳ năm trước; khu vực công nghiệp và xây dựng là 17,2 triệu người, chiếm 33,5% và tăng 318.500 người; khu vực dịch vụ là 20,2 triệu người, chiếm 39,5% và tăng 575.700 người.

Tăng cường kết nối việc làm

Đánh giá thị trường lao động 9 tháng qua, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho rằng, bên cạnh một số ngành bị ảnh hưởng tiêu cực, vẫn có nhiều ngành có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cũng tăng nhờ đó đã giúp ổn định đời sống, giải quyết việc làm cho NLĐ. Ngoài ra, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động cũng cao hơn so với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cũng góp phần tạo thêm việc làm cho NLĐ. Ngoài ra, thị trường lao động chuyển biến tích cực cũng là nhờ các địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp, chương trình đề án về lao động – việc làm trong Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030, trong đó có các giải pháp tăng cường kết nối cung – cầu lao động, nhất là kết nối thông tin về lao động – việc làm giữa các tỉnh có nguồn nhân lực dồi dào với các tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm.

Hệ thống thông tin thị trường lao động tiếp tục được quan tâm đầu tư, nhất là ứng dụng chuyển đổi số và công nghệ thông tin trong kết nối cung – cầu lao động; hiệu quả hoạt động của các Trung tâm giới thiệu việc làm tiếp tục được nâng cao. Đặc biệt, chỉ qua 9 tháng, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là hơn 111.500 người đã vượt chỉ tiêu 101,37% kế hoạch của cả năm 2023, tạo điểm nhấn tích cực trong công tác tạo việc làm. Cùng với đó, số doanh nghiệp thành lập mới cao hơn so với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (103,7 nghìn/71,8 nghìn doanh nghiệp) góp phần quan trọng tạo nhiều việc làm cho NLĐ.

Tuy nhiên, theo Bộ LĐTBXH, mặc dù thị trường lao động duy trì đà phục hồi, song Bộ LĐTBXH nhìn nhận, thị trường lao động chưa cải thiện nhiều về chất lượng khi số lao động làm các công việc bấp bênh, thiếu tính ổn định vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, 9 tháng năm 2023, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức vẫn chiếm gần 65%, chỉ giảm 1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng doanh nghiệp trong nước bị cắt giảm đơn hàng, gây khó khăn cho việc sản xuất, nhất là trong các ngành như chế biến, chế tạo, dệt may, da giày…, dẫn đến nguy cơ lao động tiếp tục bị mất việc và giảm giờ làm, giảm thu nhập.

Do đó, Bộ LĐTBXH và các địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh kết nối cung cầu lao động, thúc đẩy giải quyết việc làm đồng thời tăng cường các chương trình đào tạo nâng cao tay nghề, tác phong, kỷ luật cho NLĐ để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập quốc tế. Ngoài giải pháp của cơ quan chức năng, theo các chuyên gia, NLĐ phải tự nâng cấp bản thân để phù hợp với tình hình mới, tăng thêm cơ hội tìm kiếm hoặc thay đổi việc làm.

Phạm Diệp

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích