Khơi nguồn lực đón vận hội mới

Việt Nam đã đi được chặng đường gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo. Nhìn lại thời gian qua, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định: “Với tất cả sự khiêm tốn, có thể nói rằng chưa bao giờ đất nước có được cơ đồ như ngày hôm nay”. Thành tựu của gần 4 thập kỷ đổi mới chính là đất nước thoát nghèo, trở thành quốc gia có thu nhập trung bình; từ thế bị bao vây cấm vận, giờ Việt Nam có mối quan hệ với hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức lớn trên thế giới; trong đó có 6 quốc gia hàng đầu thế giới trở thành Đối tác chiến lược toàn diện, thế và lực của đất nước trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định, nâng cao. Từ đất nước có hạ tầng thấp kém đến nay kết cấu hạ tầng ngày càng hiện đại…

Khơi nguồn lực đón vận hội mới
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII giữa nhiệm kỳ.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, nhìn lại chặng đường phát triển đã qua, chúng ta chủ yếu dựa vào hai trụ cột chính: Tài nguyên thiên nhiên (đất đai, khoáng sản) và vốn đầu tư nước ngoài dưới hình thức gia công cho các đối tác. Do đó, giá trị gia tăng, chất xám trong cơ cấu tăng trưởng kinh tế chưa nhiều. Đây chính là một trong những nguyên nhân chúng ta chưa thể tiến lên công nghiệp hóa – hiện đại hóa như dự kiến đặt ra từ các kỳ Đại hội Đảng X, XI…

Thực hiện khát vọng “hóa rồng”, hay nói ngắn gọn là đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra mục tiêu cụ thể: “Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao”.

Để biến mục tiêu thành hiện thực trong một thế giới đầy biến động, khi cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; công nghệ phát triển và thay đổi hàng ngày, buộc chúng ta phải xác định phương hướng và đường đi phù hợp. Chắc chắn phát triển đất nước trong giai đoạn mới, chúng ta không thể dựa theo mô hình cũ (tài nguyên, gia công cho đối tác) mà phải dựa trên nền kinh tế tri thức. Muốn vậy, phải thực hiện chiến lược “đi tắt đỡ chặng đường dài”, khơi mọi nguồn lực đón vận hội mới đưa đất nước tiến lên.

Vậy nguồn lực đó là gì? Về tài nguyên cần khai thác, sử dụng một cách hợp lý, dựa trên khai thác giá trị gia tăng nhiều hơn phần khai thác thô. Về nguồn lực tài chính, bên cạnh hoàn thiện để các thị trường vốn, thị trường tài chính, tiền tệ, chứng khoán, bất động sản phát triển lành mạnh, cần khai thông “nguồn lực” tài chính trong dân để nhằm “khơi” nguồn vốn chảy vào nền kinh tế. Đặc biệt, sau khi Việt Nam nâng cấp quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ lên mức Đối tác chiến lược toàn diện, đi kèm đó nhiều tập đoàn, công ty lớn cam kết đầu tư vào lĩnh vực công nghệ, trí tuệ nhân tạo, chất bán dẫn (những lĩnh vực quyết định “sức khỏe” của bất kỳ quốc gia nào trong tương lai), đòi hỏi yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao càng trở nên quan trọng. Nếu chúng ta không khơi thông nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng với những đổi thay trong cuộc đua mới thì cơ hội đến cũng sẽ trôi đi. Vì vậy, yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất.

Với Thủ đô Hà Nội, hòa chung vào những thành tựu phát triển của đất nước, năm 2023, Thành phố cũng chứng kiến những bước phát triển vượt bậc trên mọi lĩnh vực của đời sống chính trị – kinh tế – xã hội. Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, nhưng bằng cách làm sáng tạo, năng động, kết thúc năm 2023, Hà Nội thu được kết quả toàn diện, thậm chí chưa từng có. Minh chứng sinh động nhất, lần đầu tiên thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt trên 410 nghìn tỷ đồng. Kết cấu hạ tầng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm theo hướng hiện đại, kết nối, lan tỏa…

Đặc biệt, năm 2023, Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định bàn giao cho Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội quản lý. Đây chính là một trong những yếu tố cần để Hà Nội tận dụng cơ hội, khai thác tiềm năng cho phát triển kinh tế trong kỷ nguyên số. Nếu như những khu công nghiệp – chế xuất hiện có của Thủ đô đã làm tốt “sứ mệnh” góp phần phát triển kinh tế và sẽ còn thể hiện sứ mệnh đó trong tương lai, thì Khu công nghệ cao Hòa Lạc sẽ mang “sứ mệnh” đặc biệt hơn, không chỉ là một trong những trục tăng trưởng kinh tế của Thành phố, mà còn mang tính chất “dẫn dắt” cho xu thế phát triển mới. Với hạ tầng sẵn có, với quy mô về diện tích rất lớn, chắc chắn tới đây, Khu công nghệ cao Hòa Lạc sẽ là mảnh đất cho các “đại bàng” lớn trên thế giới cũng như tập đoàn lớn của Việt Nam đến “làm tổ”. Những thương hiệu công nghệ tân tiến, những sản phẩm chất bán dẫn mang thương hiệu “Made in Vietnam”, “Make in Vietnam” sẽ có xuất xứ từ đây. Giá trị gia tăng từ kinh tế tri thức dựa trên hàm lượng chất xám, công nghệ cao sẽ chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu GRDP của Thành phố.

Đón chào năm mới Giáp Thìn 2024, năm bản lề chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp, hướng tới Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVIII, Đại hội XIV của Đảng, tin tưởng chắc chắn rằng chúng ta sẽ tiếp tục khơi thông mọi nguồn lực để đón vận hội mới cho mùa Xuân đất nước và Thủ đô.

Lê Hà

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích