Khối ngoại bán ròng kỷ lục, chuyên gia kỳ vọng sớm đảo chiều
Theo các chuyên gia, giai đoạn quý 4/2021 sẽ là thời điểm mua ròng rất mạnh của khối ngoại để đón đầu cho năm 2022 đạt miễn dịch cộng đồng và kinh tế Việt Nam quay trở lại guồng tăng trưởng.
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: TTXVN) |
Trong khi thị trường chứng khoán Việt Nam liên tiếp lập đỉnh về điểm số, thanh khoản cũng lên mức cao kỷ lục, với hàng tỷ USD mỗi phiên giao dịch thì khối ngoại vẫn “miệt mài” bán ròng suốt 2 năm qua. Dù vậy, giới chuyên gia vẫn kỳ vọng khối ngoại sẽ sớm trở lại mua ròng trong thời gian tới.
Trong 8 tháng năm 2021, khối ngoại bán ròng nhiều nhất trong lịch sử giao dịch. Cụ thể, tính đến ngày 30/8, khối ngoại đã bán ròng hơn 1,5 tỷ USD. Trước đó, trong năm 2020, khối ngoại bán ròng khoảng 1 tỷ USD.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích khối Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho biết sau khi mua ròng vào đầu tháng 7/2021 thì đến cuối tháng này khối ngoại đã có động thái bán ròng trở lại.
Đến tháng 8, khối ngoại lại tiếp diễn xu hướng bán ròng mạnh nhất kể từ năm 2020. Điều này cho thấy thấy khối ngoại đang lo ngại về tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại Việt Nam, giống như Thái Lan, Philippines, Singapore. Do đó, khối ngoại có động thái thận trọng hơn.
Bên cạnh đó, các quỹ ETF (quỹ đầu tư thụ động) có động thái rút ròng trong thời gian gần đây, chẳng hạn như quỹ đầu tư từ Đài Loan (Trung Quốc) là Fubon FTSE Vietnam ETF trước đây mua ròng mạnh nhưng thời gian gần đây cũng có động thái rút ròng.
Tuy nhiên có thể thấy rằng bản chất khối ngoại không rút tiền ra khỏi thị trường Việt Nam mà đang chờ cơ hội để giải ngân trở lại. Nhìn vào thị trường các nước, mỗi khi dịch COVID-19 được khống chế thì chứng khoán đi lên. Có lẽ khối ngoại đang chờ đợi tình hình dịch bệnh COVID-19 ổn định để quay trở lại thị trường.
Thực tế, khi dòng tiền ngoại rút khỏi thị trường cổ phiếu thì có thể đã chuyển qua các kênh đầu tư khác, ví dụ như kênh trái phiếu hiện tại đang hút dòng vốn khá tốt. Đến khi rủi ro trên thị trường cổ phiếu giảm đi, khối ngoại có thể sẽ giải ngân trở lại.
Nếu khối ngoại rút tiền khỏi thị trường Việt Nam thì đây có lẽ là chiến lược sai lầm của họ vì có thể sau dịch COVID-19, thị trường chứng khoán sẽ đi lên. Chính vì thế mà có khả năng khối ngoại sẽ lo mất cơ hội đầu tư mà chưa rút tiền khỏi thị trường Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc rút tiền khỏi thị trường Việt Nam còn có yếu tố liên quan đến tỷ giá. Có thể thấy rằng năm 2018, dòng tiền nước ngoài đổ vào Việt Nam rất mạnh, trong khi tại thời điểm đó tỷ giá USD/VND lên rất cao. Nếu giờ đây khối ngoại rút tiền ra khỏi thị trường Việt Nam sẽ phải chịu thiệt về tỷ giá.
Ông Minh nhìn nhận trong vài tuần tới có thể nhà đầu tư nước ngoài sẽ giảm bán ròng và xu hướng mua ròng trở lại dự báo diễn ra rõ ràng hơn vào tháng 10/2021. Nguyên nhân là do các thị trường chứng khoán tại châu Á có thể tích cực trở lại.
“Tôi cho rằng quý 3/2021, nền kinh tế Việt Nam sẽ chịu thiệt hại nặng nề nhưng sẽ hồi phục trở lại trong quý 4”, ông Minh nói.
Theo ông Minh, Việt Nam cũng có thể tiếp tục được hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển sản xuất và trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất tại Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ đẩy nhanh các gói đầu tư công trong giai đoạn quý 4/2021. Đây là những yếu tố thu hút dòng vốn ngoại quay trở lại thị trường cổ phiếu Việt Nam.
Theo ông Lê Chí Phúc, Tổng giám đốc SGI Capital, không chỉ riêng Việt Nam mà các thị trường mới nổi nhỏ đều bị rút ròng trong những tháng đầu năm. Việt Nam bị coi như là thị trường rủi ro và khi rủi ro lên cao thì nhà đầu tư nước ngoài sẽ bán mạnh.
Tuy nhiên, khi kinh tế bước vào chu kỳ phục hồi rõ nét thì tiền sẽ đổ vào các thị trường cận biên; trong đó có Việt Nam. Thực tế cho thấy, các thị trường chứng khoán khác đã bắt đầu được mua ròng lại.
Ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc môi giới hội sở của Công ty trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, cũng cho rằng khi dịch bệnh được kiểm soát và ổn định thì khối ngoại sẽ quay trở lại mua ròng bởi nền tảng vĩ mô tốt lên và định giá trở nên hấp dẫn.
Ông Tuấn nhìn nhận, có thể giai đoạn quý 4/2021 sẽ là thời điểm mua ròng rất mạnh của khối ngoại để đón đầu cho năm 2022 đạt miễn dịch cộng đồng và kinh tế Việt Nam quay trở lại guồng tăng trưởng.
Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho biết nếu tính trên quy mô và điều chỉnh danh mục đầu tư thì nhà đầu tư nước ngoài có rút ra trên thị trường cổ phiếu nhưng lại đầu tư trên thị trường trái phiếu.
Bên cạnh đó thời gian qua, số lượng các quỹ được thành lập mới tăng cả về số lượng lẫn quy mô, điều đó cho thấy sự quan tâm của các nhà đầu tư tổ chức đối với thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt-TVSI, cho biết khối ngoại liên tiếp bán ròng mạnh trong 2 năm trở lại đây, chủ yếu là do dòng tiền các quỹ đầu tư nước ngoài có xu hướng rút về đầu tư ở các thị trường phát triển nhiều hơn.
Ví dụ như là Mỹ hay các quốc gia châu Âu, các chỉ số chứng khoán liên tục tăng. Bởi, các gói kích thích kinh tế của Mỹ khiến lãi suất tại đây xuống rất thấp, từ đó thúc đẩy thị trường cổ phiếu tăng.
Bên cạnh đó, việc kiểm soát dịch bệnh, tiêm chủng tại các quốc gia châu Âu, hay Mỹ đạt hiệu quả nên các hoạt động kinh tế trở lại bình thường nhanh hơn.
Trong khi đó, tại Việt Nam các doanh nghiệp lớn thường liên quan đến các ngành nghề phải tiếp xúc trực tiếp nhiều nên khi thực hiện giãn cách sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh. Do đó, triển vọng kinh tế cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực hơn từ dịch bệnh. Đây có lẽ là nguyên nhân chính khiến khối ngoại có khuynh hướng rút ròng mạnh.
Tuy vậy ông Nam cho rằng dù nhà đầu tư nước ngoài rút ròng nhưng không ảnh hưởng nhiều tới thị trường nhờ dòng tiền nội mạnh mẽ. “Dòng tiền nội đến từ việc lãi suất tiền gửi ngân hàng thấp. Việc tìm kiếm kênh đầu tư có lợi nhuận tốt hơn so với gửi tiết kiệm là nguyên nhân căn bản nhất giúp tiền tìm đến chứng khoán,” ông Nam nói.
Thực tế, các quỹ đầu tư nước ngoài trong giai đoạn nào đó mua ròng thì sẽ có giai đoạn bán ròng. Cụ thể, giai đoạn 2013-2018, khối ngoại mua ròng liên tục thì từ năm 2020 tới nay lại liên tiếp bán ra. Việc này thuần túy là do các quỹ cơ cấu đầu tư giữa các thị trường với nhau.
Có thể các quỹ đầu tư nhận định giai đoạn nào đó thị trường chỗ này hấp dẫn hơn chỗ kia thì sẽ có sự dịch chuyển nhất định. Theo ông Nam, thời điểm hiện tại có lẽ cũng chưa đánh giá được chính xác bao giờ khối ngoại có thể trở lại mua ròng.
Công ty cổ phần Chứng khoán BOS (BOS) cho rằng kỳ vọng lãi suất tại Mỹ tăng làm thị trường rút khỏi thị trường mới nổi; trong đó có thị trường Việt Nam. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến khối ngoại liên tục rút ròng từ năm 2020.
Tuy nhiên, dòng vốn rút ra khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ mang tính thời điểm và sẽ sớm quy trở lại thị trường chứng khoán Việt Nam nhờ triển vọng nâng hạng. Theo BOS, tổ chức xếp hạng thị trường MSCI (Morgan Stanley Capital International) có thể đưa thị trường chứng khoán Việt Nam vào danh sách theo dõi nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi từ kỳ đánh giá tháng 6/2022.
“Triển vọng nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ giúp thu hút dòng vốn lớn từ các quỹ ngoại, tăng tính hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài,” BOS nhận định.
BOS cho rằng sự gia nhập mạnh mẽ của nhà đầu tư F0 (thuật ngữ “F0” được giới đầu tư đặt cho các nhà đầu tư mới tham gia thị trường từ năm 2020 – năm dịch COVID-19 xuất hiện và bùng phát). khiến tác động tới thị trường chứng khoán Việt Nam của khối ngoại đã phần nào suy giảm.
Việc vận hành hệ thống KRX từ đầu năm 2022 được kỳ vọng sẽ triển khai được giao dịch lô lẻ và hỗ trợ giao dịch T+0 (giao dịch trong ngày). Ngoài ra, năng lực xử lý lệnh được mở rộng sẽ tăng khả năng triển khai nhiều sản phẩm mới để đáp ứng chiến lược phát triển thị trường.
Theo ông Nguyễn Quang Long, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các công ty quản lý quỹ và Quỹ đầu tư chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thời gian qua, Chính phủ, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có rất nhiều nỗ lực, triển khai nhiều giải pháp nhằm thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nguồn vốn của các tổ chức nước ngoài, các quỹ đầu tư nước ngoài có uy tín với tính ổn định và mục tiêu đầu tư dài hạn, bền vững.
Các giải pháp cơ bản nhằm thu hút dòng vốn nước ngoài như tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán, tạo lập một hệ thống pháp lý chặt chẽ, thống nhất. Từ đó, bảo vệ thị trường hoạt động minh bạch, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư; đảm bảo có nhiều sản phẩm đầu tư có chất lượng nhằm thu hút nhà đầu tư dài hạn tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý tiếp tục cải cách hành chính, gỡ bỏ các thủ tục đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia và đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Đồng thời, đẩy mạnh các giải pháp nhằm nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.
Cùng đó, chất lượng quản trị doanh nghiệp từng bước được nâng cao, quản trị rủi ro, chế độ kế toán IFRS (gồm các chuẩn mực, quy tắc chung trong báo cáo của ngành tài chính, kế toán được tạo ra và ban hành bởi Hội đồng chuẩn mực kế toán Quốc tế IASB) của các công ty niêm yết, công ty đại chúng theo thông lệ quốc tế./.
Nguồn: Báo xây dựng