Khởi nghiệp Fintech ứng dụng tại nông thôn: Có đầu tư ‘ươm mầm’ mới có doanh nghiệp tỷ đô

Hiện nay, Fintech – công nghệ tài chính là một trong những lĩnh vực có sự phát triển sâu rộng trên phạm vi toàn cầu. Sự xuất hiện của làn sóng Fintech đã và đang đem lại hiệu ứng tích cực với người tiêu dùng và ngành dịch vụ tài chính bằng tư duy đổi mới sáng tạo, nhạy bén với nhu cầu người dùng. 

Tại Việt Nam, các Fintech khởi nghiệp xuất hiện từ khoảng năm 2015 và nhận được nhiều quan tâm của người dùng trong lĩnh vực tài chính, các tập đoàn, ngân hàng và cơ quan quản lý nhà nước. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, số lượng công ty Fintech đã tăng 4 lần, từ 39 công ty vào cuối năm 2015 đến hơn 154 công ty vào cuối năm 2021, trong đó có khoảng 70% là công ty khởi nghiệp.

Tuy nhiên, hiện việc phát triển thị trường Fintech Việt Nam cũng còn nhiều vấn đề như hầu hết các công ty Fintech còn khá trẻ, trong khi đó câu chuyện ứng dụng Fintech mới đang phổ biến ở thành phố lớn, còn ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa vẫn gặp những khó khăn. Lý do nằm ở chỗ do hệ sinh thái Fintech chưa có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa các chủ thể (cơ quan quản lý nhà nước; công ty khởi nghiệp Fintech; tổ chức tài chính…), đồng thời khuôn khổ pháp lý quản lý lĩnh vực Fintech chưa được đồng bộ.

Nhằm thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ nâng cao năng lực khu vực tư nhân trong đào tạo, ươm tạo, kết nối, gọi vốn, truyền thông cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam thuộc Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025, đồng thời tạo diễn đàn để các nhà quản lý, chuyên gia, startup trẻ trong việc thúc đẩy khởi nghiệp trong lĩnh vực tài chính công nghệ, đặc biệt là ứng dụng trong khu vực nông thôn, Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt phối hợp với Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức Hội nghị online với chủ đề: “Thúc đẩy khởi nghiệp công nghệ tài chính Fintech và ứng dụng ở vùng nông thôn”.

 Hội nghị online với chủ đề: “Thúc đẩy khởi nghiệp công nghệ tài chính Fintech và ứng dụng ở vùng nông thôn”.

Đầu tư “ươm mầm” tạo doanh nghiệp tỷ đô

Chia sẻ tại chương trình, ông Trần Duy Khanh – Viện trưởng Viện nghiên cứu và Đào tạo doanh nhân APEC cho biết, Chính phủ lấy năm 2016 là năm Quốc gia khởi nghiệp. Từ đó đến nay, ngoài Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng các văn bản kèm theo thì hiện có 4 văn bản giao cho các Bộ, ngành liên quan đến lĩnh vực khởi nghiệp, đó là: Đề án 844 – hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025; Quyết định 939 – hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025; Quyết định 1665 – hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025; mới đây nhất là Quyết định 987 – hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2022 – 2030. Nhìn chung, bức tranh khởi nghiệp tại Việt Nam đang rất sôi động ở mọi tầng lớp, lĩnh vực, và riêng dư địa cho khởi nghiệp công nghệ tài chính Fintech ứng dụng khu vực nông thôn là vô cùng lớn.

Có điều, tiềm năng lớn luôn song hành với thách thức. Ông Khanh cho hay, khởi nghiệp đã khó, khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tài chính Fintech ứng dụng khu vực nông thôn lại càng khó hơn, bởi để khởi nghiệp trong lĩnh vực này, các bạn trẻ cần phải có kiến thức về công nghệ; kiến thức tài chính, tín dụng, ngân hàng; có kinh nghiệm và niềm đam mê thực sự. Từ các yếu tố tổng hòa nêu trên mới có thể “đẻ” ra các ý tưởng khởi nghiệp và theo đuổi nó.

Khởi nghiệp công nghệ tài chính Fintech tại nông thôn đặt ra 3 vấn đề cần phải đáp ứng, đó là người dùng phải sử dụng thuận tiện, thứ hai là phải dựa vào nhu cầu cuộc sống và thứ ba là phải kết hợp được với các tổ chức tín dụng. “Thực tế, khởi nghiệp công nghệ tài chính Fintech chính là cầu nối giữa người sử dụng và các tổ chức tín dụng tài chính”, ông Khanh nói.

Phân tích rõ về các khó khăn phát triển Fintech tại nông thôn, theo ông Khanh, ở nông thôn người dân có thói quen sử dụng tiền mặt hay nói cách khác là “ăn chắc mặc bền” còn với ứng dụng công nghệ thường có sự nghi ngờ. Mặt khác, tình trạng lỗ hổng bảo mật vẫn tồn tại rất nhiều dẫn đến niềm tin của người sử dụng bị khủng hoảng.

Hơn nữa, để khởi nghiệp lĩnh vực này thì một vấn đề rất quan trọng đó là nguồn vốn. Đa số các bạn trẻ bỏ vốn đầu tư vào nghiên cứu, thử nghiệm, sau đó phải mất vài năm “chạy demo” thì mới có thể thu được lợi nhuận. Nhưng hầu hết khi đến bước “chạy demo” thì cạn vốn mà giai đoạn đó các tổ chức tín dụng chưa dám cho vay tiền vì không có gì đảm bảo. Đây là một nút thắt lớn cần có các chính sách hỗ trợ, thành lập các quỹ hỗ trợ từ phía Nhà nước, doanh nghiệp nhằm mục tiêu ươm mầm khởi nghiệp. Bởi nếu không có đầu tư “ươm mầm” thì làm sao có các doanh nghiệp tỷ đô sau này!

Tạo dựng hành lang pháp lý thuận lợi

Đồng quan điểm, PGS. TS. Vũ Sỹ Cường – Kinh tế trưởng Viện phát triển công nghệ tài chính – Học viện tài chính cũng khẳng định, Fintech tại khu vực nông thôn có tiềm năng phát triển rất cao nếu các bạn trẻ có hướng đi đúng đắn và tạo nên sự khác biệt. Ông Cường đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề hành lang pháp lý nhằm tạo thuận lợi cho lĩnh vực Fintech tại Việt Nam. Trong đó, quy định về pháp lý cho Fintech rất nhiều nhưng hầu hết là các chính sách mang tính chất gợi ý. Đáng nói, chúng ta có rất nhiều vấn đề vi phạm về bảo mật thông tin nhưng chế tài xử lý chưa thực sự nghiêm khắc để người dân có thể tin tưởng ứng dụng công nghệ…

Thông tin thêm, ông Trần Duy Khanh cũng bày tỏ rằng hệ thống pháp lý của nước ta nhiều nhưng chồng chéo và vẫn tồn tại nhiều lỗ hổng. Chúng ta cũng phải xác định rằng hệ thống pháp lý đang trong giai đoạn hoàn thiện: “Giống như một đứa trẻ phải trải qua quá trình biết lật, biết bò, biết đi thì hệ thống pháp lý cũng vậy, cũng cần thời gian hoàn thiện chứ không thể đòi hỏi trong nay mai có thể hoàn thiện được ngay. Đặc biệt trong lĩnh vực tài chính liên quan trực tiếp đến cơm áo gạo tiền thì càng phải cẩn trọng hơn”.

Một lời khuyên rất hữu ích ông Khanh dành cho các bạn trẻ khởi nghiệp Fintech tại nông thôn nói riêng và khởi nghiệp nói chung, đó là tâm thế dám chấp nhận thất bại: “Các bạn trẻ có thể thất bại 3 lần, 5 lần, thậm chí 10 lần mới có thể thành công chứ không nên nghĩ rằng ngay từ lần đầu đã thành công. Tuy nhiên, tại nước ta, văn hóa chấp nhận thất bại vẫn chưa phổ biến và đây là một điểm yếu.

Cũng có một thực tế là nhiều bạn trẻ Việt Nam thất bại tại lĩnh vực này lại “nhảy” sang lĩnh vực khác, khởi nghiệp mỗi lĩnh vực một thời gian ngắn như “chuồn chuồn đạp nước” thì rất khó để thành công, đây là bài học xương máu mà chúng ta cần phải nhìn nhận và rút kinh nghiệm. Thất bại càng nhiều thì thành công càng vững chắc”, ông Khanh khẳng định.

Thanh Tùng

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích