Khởi động nhiều dự án nhà ở xã hội, kỳ vọng tăng cung cho thị trường

Các chuyên gia nhận định, nguồn cung nhà ở xã hội sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Nhất là khi Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì thực hiện Chương trình cho vay theo gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho người mua nhà và chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây lại chung cư cũ.

Khởi động nhiều dự án nhà ở xã hội, kỳ vọng tăng cung cho thị trường
Hà Nội là địa phương có nhiều chung cư nhất cả nước với 1.135 tòa nhà chung cư thương mại, nhà ở xã hội. Ảnh minh họa: Tuấn Anh/TTXVN

Mặc dù vẫn còn nhiều lý do khiến giải ngân gói tín dụng này bước đầu chưa như kỳ vọng nhưng cũng tạo động lực thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội.

Theo ông Nguyễn Quốc Anh – Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, dữ liệu từ hành vi tìm kiếm bất động sản của người dùng cho thấy từ khóa “nhà ở xã hội” tăng mạnh trong những tháng đầu năm. Điều này phản ánh mối quan tâm và nhu cầu thực sự của người dân với bất động sản. Bất động sản nhu cầu thực là xu hướng của thị trường trong bối cảnh hiện nay. Không chỉ có các dự án nhà ở xã hội năm 2023, nguồn cung nhà ở xã hội cũng sẽ có những thay đổi theo hướng tích cực trong những năm tới khi Chính phủ đang có những động thái rõ ràng trong việc ưu tiên phát triển phân khúc này.

Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính, cho rằng nguồn cung nhà ở xã hội sẽ có sự tăng trưởng do các chính sách điều hành vĩ mô đều đang ưu ái cho phân khúc này. Tuy nhiên, các chính sách vẫn cần có độ “ngấm” để tác động dần dần vào thị trường nên nguồn cung nhà ở xã hội sẽ chưa tăng trưởng mạnh ngay trong năm nay mà sẽ khởi sắc từ từ theo độ “ngấm” chính sách.

“Không chỉ nguồn cung mà sức thanh khoản của nhà ở xã hội cũng sẽ rất mạnh do phân khúc này có lực cầu rất lớn” – ông Đính nhận xét.

Ghi nhận thực tế cho thấy, từ đầu năm 2023 đến nay, nguồn cung mới của các dự án nhà ở xã hội liên tiếp được gia tăng ngay từ thời điểm đầu năm. Đến cuối tháng 5 và đầu tháng 6, thị trường bất động sản tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước đồng loạt đón nhận những thông tin tích cực về phân khúc này.

Nổi bật là cuối tháng 5, UBND thành phố Hà Nội đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Nhà ở xã hội cao tầng Vĩnh Hưng tại số 4-6-8 phố Vĩnh Hưng, phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai. Chủ đầu tư của dự án là Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh bất động sản và thương mại Vĩnh Hưng và Công ty TNHH Hòa Bình. Dự án này có quy mô gần 5.000 m2 với hơn 1.183,4 tỷ đồng vốn đầu tư; quy mô cao khoảng 31 tầng và sẽ là nơi an cư cho khoảng 1.150 người dân Thủ đô.

Cùng đó, Hà Nội đón thêm một dự án nhà ở xã hội Khu nhà ở Đô thị Kim Hoa, huyện Mê Linh. Dự án đã khởi công xây dựng với tổng vốn đầu tư 1.268 tỷ đồng. Khu nhà ở đô thị Kim Hoa bao gồm 9 toà nhà có thiết kế 9 tầng nổi và 1 tầng hầm. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ cung cấp cho Hà Nội 720 căn hộ với diện tích linh hoạt từ 62 – 69 m2, giải quyết được nhu cầu về chỗ ở cho người lao động có thu nhập thấp, đặc biệt là người dân sinh sống ở phía Bắc Thủ đô.

Ngoài ra, trong giai đoạn 2021 – 2025, thành phố Hà Nội sẽ có 22 dự án nhà ở xã hội hoàn thành, giải quyết vấn đề chỗ ở cho người dân Thủ đô. Hiện thành phố đang khẩn trương hoàn thiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư để có thể hoàn thành mục tiêu này.

Không riêng Hà Nội, một số địa phương trong cả nước cũng triển khai xây dựng nhiều dự án nhà ở xã hội trong năm 2023. Cụ thể, tỉnh Phú Thọ công bố 3 dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp và cho công nhân có nhu cầu vay vốn trên địa bàn (đợt 1) theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng. Đó là các dự án: Khu nhà ở xã hội thấp tầng tại lô đất N02 do Công ty TNHH Nhà ở xã hội Minh Phương làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư trên 173 tỷ đồng , diện tích xây dựng 21.000 m2, với 147 căn hộ/nhà ở và dự kiến hoàn thành vào năm 2024.

Khu nhà ở và dịch vụ Khu công nghiệp Thụy Vân, xã Thụy Vân, Thành phố Việt Trì, có tổng diện tích xây dựng 8.023 m2 với 671 căn hộ/nhà ở do Công ty cổ phần đầu tư sản xuất và thương mại Hà Thành làm chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư 284,66 tỷ đồng và dự kiến đến năm 2025 sẽ hoàn thành.

Khu công nghiệp Phú Hà tại xã Hà Lộc, thị xã Phú Thọ cũng có dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở xã hội cho công nhân với tổng diện tích xây dựng 43.175 m2, quy mô 606 căn hộ/nhà ở. Dự án do Tổng công ty Viglacera – CTCP làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư 360,18 tỷ đồng và dự kiến đến quý IV/2023 sẽ hoàn thành; trong đó, nhu cầu vay vốn của chủ đầu tư là 216 tỷ đồng.

Tương tự, UBND thành phố Hải Phòng và Công ty cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn – Hải Phòng chính thức khởi công khu nhà ở xã hội thuộc dự án Khu đô thị – Dịch vụ thương mại và nhà ở công nhân Tràng Duệ, huyện An Dương. Dự án có quy mô đầu tư xây dựng trên 2.500 căn gồm 10 tòa chung cư cao 15 tầng, cung ứng chỗ ở cho hơn 9.000 lao động. Tổng mức đầu tư dự án gần 1.600 tỷ đồng; tiến độ chuẩn bị và thực hiện từ quý II/2023 đến quý IV/2025.

Về phía doanh nghiệp, nhiều đơn vị cũng chủ động “nhập cuộc” phân khúc nhà ở xã hội; trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn, tên tuổi. Ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Hưng Thịnh Incons (thuộc Tập đoàn Hưng Thịnh) chia sẻ, sau kiến nghị của một số doanh nghiệp, cơ quan điều hành đã xem xét bất động sản là ngành dẫn dắt nền kinh tế nhưng đồng thời sẽ không để nó phát triển quá được bởi hiện nay, phần lớn các khu vực đều phát triển theo dạng nhà thấp tầng.

Để phù hợp với sự phát triển hiện tại, xu hướng của Việt Nam trong tương lai sẽ dần chuyển sang nhà chung cư. Điều này sẽ mở ra cơ hội cho Tập đoàn Hưng Thịnh nói chung cũng như Hưng Thịnh Incons nói riêng. Nhằm thích ứng với tình hình hiện tại, Hưng Thịnh Incons dự kiến sẽ phát triển nhà ở xã hội theo xu hướng.

Theo đó, công ty sẽ đàm phán với các đối tác để phát triển các dự án nhà ở xã hội và định hướng trong tương lai sẽ trở thành đơn vị phát triển nhiều dự án thuộc phân khúc này, phù hợp với định hướng của Chính phủ. Cụ thể, việc đơn vị này hợp tác với Amata Thái Lan để sở hữu một phần dự án vừa túi tiền người dân cũng có thể được xem là khởi đầu của công ty trong phân khúc nhà ở xã hội – ông Trung cho hay.

Ngoài ra, mảng nhà ở xã hội đã có biên lợi nhuận chuẩn, bên cạnh đó, Hưng Thịnh Incons lại có lợi thế là làm chủ được chuỗi giá trị thi công và nguyên vật liệu. Do đó, có thể chuyển hóa thành lợi nhuận ổn định cho công ty.

Dưới góc nhìn chuyên gia, ông Nguyễn Quốc Anh – Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn nhận xét, thực tế thị trường cho thấy nhiều doanh nghiệp đang tham gia phát triển phân khúc này, hứa hẹn sự cải thiện về nguồn cung trong tương lai. Vì vậy, Nhà nước cũng cần đẩy nhanh việc sửa đổi các quy định về phát triển nhà ở xã hội; đồng thời, tháo gỡ các điểm nghẽn đang cản trở phân khúc này phát triển để thúc đẩy nhà ở xã hội tăng trưởng nhanh trong thời gian tới.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích