Khởi động chương trình “Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối”
Khởi động chương trình “Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối”
Ngày 9/9, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), Báo Tiền Phong đã tổ chức lễ phát động chương trình “Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối”.
Tham dự buổi lễ có sự tham gia của anh Nguyễn Minh Triết, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam.
Chương trình “Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối” nhằm mục đích khuyến khích người tiêu dùng, đặc biệt là sinh viên, tham gia tích cực vào việc phân loại và tái chế chai nhựa và lon đã qua sử dụng. Bằng cách này, chương trình hy vọng sẽ hình thành thói quen thu gom và xử lý rác thải đúng cách, góp phần hiện thực hóa tầm nhìn “Vì một thế giới không rác thải” trong cộng đồng học sinh, sinh viên.
Trong khuôn khổ chương trình, sinh viên sẽ có cơ hội thể hiện sự sáng tạo và ý thức bảo vệ môi trường qua cuộc thi clip với chủ đề: “Bảo vệ môi trường bắt đầu từ việc xây dựng và duy trì thói quen thu gom, phân loại, gửi đi tái chế rác thải nhựa”. Đây là cơ hội để các bạn trẻ chia sẻ ý tưởng và giải pháp hữu ích, đồng thời nhận những phần thưởng giá trị từ ban tổ chức.
Để tăng cường hiệu quả thu gom rác thải nhựa, ban tổ chức đã lắp đặt các máy thu gom tại một số khu dân cư và 5 trường đại học ở TP.HCM, bao gồm Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, Trường Đại học Công Thương, Trường Đại học Ngân Hàng, Trường Đại học Gia Định và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Mỗi trường sẽ được trang bị 2 máy thu gom, hoạt động trong vòng 3 tháng, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên tham gia.
Chương trình còn có sự hỗ trợ từ cổng thông tin chuyên biệt trên ứng dụng Zalo, với các hoạt động đổi quà và giải thưởng hấp dẫn, nhằm khuyến khích sự tham gia rộng rãi và tận dụng sức mạnh của cộng đồng trong việc tái chế hiệu quả hơn.
Chia sẻ tại lễ phát động, nhà báo Phùng Công Sưởng, Tổng biên tập Báo Tiền Phong, nhấn mạnh: “Sinh viên là một bộ phận bạn đọc mà chúng tôi đặc biệt quan tâm. Thông qua chương trình này, chúng tôi hy vọng nâng cao ý thức và thói quen thu gom, tái chế, giúp giảm thiểu rác thải nhựa, đặc biệt là chai nhựa và lon nhôm ra môi trường.”
Chương trình “Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối” hy vọng đây sẽ không chỉ là một chiến dịch bảo vệ môi trường, mà còn là một phong trào mạnh mẽ kết nối cộng đồng, thúc đẩy hành động và sáng tạo trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị