Khởi động chiến dịch “Vì một Việt Nam xanh và phát triển bền vững”

(Xây dựng) – Hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới (5/6) với chủ đề “Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa”, Vietnam Airlines và MoMo Travel chính thức khởi động chiến dịch “Vì một Việt Nam xanh và phát triển bền vững” nhằm phục hồi 50ha rừng đang bị phân mảnh, suy thoái tại khu vực Tây Bắc trong năm 2024.

Khởi động chiến dịch “Vì một Việt Nam xanh và phát triển bền vững”
Người dân các tỉnh Hòa Bình, Sơn La tham gia trồng cây gây rừng.

Với vai trò là các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực du lịch – đi lại và quan tâm thúc đẩy du lịch bền vững, Vietnam Airlines và MoMo Travel kết hợp triển khai sáng kiến “Góp lá vá rừng” hướng đến chiến dịch “Vì một Việt Nam xanh và phát triển bền vững”. Trong sáng kiến này, hai bên sẽ đồng trích doanh thu nhằm tạo nguồn kinh phí phục hồi rừng, giúp mảng xanh đại ngàn được tiếp nối liền mạch.

Với mỗi giao dịch thành công đặt vé máy bay Vietnam Airlines trị giá từ 2.000.000 đồng trực tiếp trên MoMo Travel; hoặc thanh toán vé máy bay Vietnam Airlines bằng nguồn tiền từ siêu ứng dụng MoMo, khách hàng sẽ đóng góp 5.000 VNĐ (tương ứng với đơn vị 1 “Lá”) cho mục tiêu phục hồi 50ha rừng tự nhiên nối giữa Mai Châu (Hòa Bình) và Vân Hồ (Sơn La). Chiến dịch diễn ra từ ngày 5/6/2024 đến hết ngày 31/12/2024.

Ông Đặng Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines chia sẻ: “Vietnam Airlines luôn dành sự ưu tiên cho các hoạt động thúc đẩy phát triển bền vững, trong đó có bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí carbon. Đối với mục tiêu này, chúng tôi cho rằng phục hồi rừng là một trong những cách hiệu quả và thiết thực nhất”.

Ông Nguyễn Hoành Tiến, Phó Tổng Giám đốc cấp cao – Phụ trách Khối giải pháp Tiếp thị và Phân phối cho biết: “Thông qua mỗi giao dịch đặt vé, MoMo Travel tự hào góp phần phục hồi vẻ đẹp tự nhiên của những cánh rừng Tây Bắc. Chúng tôi hy vọng chiến dịch sẽ lan tỏa thông điệp tích cực, nâng cao ý thức về bảo vệ rừng đến đông đảo người dân Việt. Nhờ đó, công cuộc hồi sinh những cánh rừng sẽ nhanh cán đích và phát triển bền vững cho các thế hệ sau”.

Khởi động chiến dịch “Vì một Việt Nam xanh và phát triển bền vững”
Hình ảnh vượn đen má trắng được ghi nhận xuất hiện tại dải rừng tự nhiên nối giữa Hòa Bình và Sơn La.

Rừng xanh lên là chương trình phục hồi rừng dài hạn do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) khởi xướng nhằm phục hồi 500ha rừng tự nhiên kết nối giữa Mai Châu (Hòa Bình) và Vân Hồ (Sơn La) trong thời gian 10 năm (2022 – 2032).

Với Rừng xanh lên, các loài cây bản địa như giổi, trám, dâu da sẽ được trồng theo cấu trúc tầng tán rừng và tốc độ phát triển đan xen, để đạt được thời gian khép tán rừng tự nhiên sớm nhất. Người dân địa phương sẽ tham gia vào quá trình trồng, chăm sóc, theo dõi tỉ lệ sống và thực hiện trồng dặm rừng trong các năm tiếp theo để đảm bảo rừng trồng được phục hồi hoàn toàn.

Ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc PanNature cho hay, phục hồi rừng là nhiệm vụ cấp bách trong thập kỷ bảo vệ và hồi sinh các hệ sinh thái này. Tuy nhiên, sự nghiệp này đòi hỏi sự bền bỉ và đồng lòng của toàn xã hội, trong đó sự góp sức của cộng đồng địa phương và hỗ trợ của doanh nghiệp là vô cùng quan trọng.

Trong các năm qua, PanNature đã triển khai trồng phục hồi rừng tại Sơn La và đang tiếp tục thực hiện hoạt động này trong chương trình “Rừng xanh lên” nhằm hồi sinh dải rừng tự nhiên nối giữa Hòa Bình và Sơn La, giúp mở rộng sinh cảnh sống cho quần thể Vượn nguy cấp, đồng thời thúc đẩy các giải pháp sinh kế xanh cho khu vực sinh thái trọng yếu này.

Khởi động chiến dịch “Vì một Việt Nam xanh và phát triển bền vững”
Một góc rừng tự nhiên tại Vân Hồ (Sơn La).

Dải rừng tự nhiên trên hành lang núi đá kết nối giữa Hòa Bình và Sơn La là một trong những “lá phổi xanh” của Việt Nam, ngọn nguồn của dòng sông Đà, sông Hồng chảy xuôi về đồng bằng Bắc bộ. Không những vậy, nơi đây còn ngôi nhà chung của loài Vượn đen má trắng (Nomascus leucogenys) – loài linh trưởng đặc hữu, cực kỳ nguy cấp trên toàn cầu cùng nhiều loài động thực vật hoang dã khác.

Tuy nhiên, dưới tác động của các hoạt động khai thác và canh tác của con người, khu vực rừng này đã và đang bị suy thoái, phân mảnh nghiêm trọng. Nếu chỉ dựa vào sự hồi sinh tự nhiên, cánh rừng này sẽ cần rất nhiều thời gian mới có thể tự “chữa lành”. Song, nhờ bàn tay và sự giúp đỡ của con người, quá trình phục hồi rừng sẽ diễn ra nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích