Khởi động “Cánh đồng 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp”
Khởi động “Cánh đồng 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp”
Sáng 5/4, tại Hợp tác xã Thuận Tiến (xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ), diễn ra lễ khởi động cánh đồng 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Mô hình lúa chất lượng cao có diện tích 50ha, hướng đến mục tiêu thúc đẩy cơ giới hóa trong gieo sạ, tăng hiệu quả sử dụng phân bón, tăng năng suất và giảm phát thải khí nhà kính theo các tiêu chí của Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh”.
Theo đó, mô hình đáp ứng các tiêu chí: sử dụng giống xác nhận; áp dụng quản lý nước ướt khô xen kẽ (AWD); áp dụng bón phân chuyên biệt (SSNM), sạ hàng bằng máy kết hợp vùi phân, giảm số lần bón phân còn 2 lần/vụ; áp dụng IPM quản lý bảo vệ thực vật; áp dụng máy gặt đập liên hợp cho thu hoạch; thu gom rơm ra khỏi đồng làm nấm rơm và phân bón từ rơm, kết hợp bón phân hữu cơ cho lúa…
Thời gian qua, Cần Thơ có 38.000ha lúa thực hiện theo dự án Vnsat, với 32.000 hộ dân tham gia. Qua đó, trình độ sản xuất của người dân được nâng lên, người dân đã áp dụng các biện pháp để giảm chi phí sản xuất, góp phần tăng lợi nhuận.
Kế thừa và phát huy những kết quả đạt được từ dự án Vnsat, thành phố Cần Thơ cam kết thực hiện thắng lợi đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Phấn đấu đến năm 2025, Cần Thơ sẽ có vùng sản xuất chuyên canh lúa chất lượng cao quy mô 38.000ha, đến giai đoạn 2026-2030 đạt 50.000ha theo kế hoạch.
Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao thực hiện tại 12 tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trước khi thực hiện rộng rãi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện thí điểm ở 5 địa phương, trong đó có thành phố Cần Thơ.
Việc triển khai thực hiện đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, góp phần thúc đẩy chuyển đổi từ biện pháp canh tác truyền thống sang cơ giới hóa đồng bộ, phát triển các vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn ổn định lâu dài, bảo đảm chất lượng canh tác bền vững, hiệu quả và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị