Khơi dậy và phát triển công nghiệp văn hóa từ nguồn lực di sản

Để phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô, thời gian qua, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội đã tăng cường phối hợp với các đơn vị, nghệ sĩ, nghệ nhân, thợ thủ công tổ chức nhiều sự kiện văn hóa nhằm bảo tồn, tôn vinh, phát huy các giá trị di sản; hỗ trợ nghệ nhân, nghệ sĩ trong sáng tạo nghệ thuật và tạo sự hấp dẫn, thu hút của di sản Hoàn Kiếm trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

Nâng cao công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa

Quận Hoàn Kiếm là trung tâm hành chính – chính trị, kinh tế, văn hóa của Thủ đô Hà Nội, gắn với lịch sử hình thành và phát triển của Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến. Di sản quận Hoàn Kiếm đa dạng với khu vực hồ Hoàn Kiếm được công nhận là di sản cấp quốc gia đặc biệt, khu Phố cổ Hà Nội là di sản cấp quốc gia.

Trên địa bàn quận có 51 di tích lịch sử văn hóa, di tích cánh mạng khác đã được xếp hạng với đầy đủ các loại hình tôn giáo, tín ngưỡng. Bên cạnh giá trị vật thể, các giá trị di sản phi vật thể hết sức phong phú như các nghề truyền thống, ẩm thực; nghệ thuật diễn xướng dân gian; lễ hội truyền thống,…

Khai mạc chuỗi hoạt động chào mừng Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam
Trung tâm văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm (Hoàn Kiếm, Hà Nội) trở thành không gian sáng tạo mới của quận Hoàn Kiếm.

Theo ông Nguyễn Quốc Hoàn – Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Hoàn Kiếm luôn quan tâm tới công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, góp phần phát triển kinh tế, du lịch của quận. Nhiều công trình giá trị đã được quận đầu tư trùng tu, tôn tạo. Các di sản văn hóa trở thành các không gian văn hóa, nơi diễn ra các hoạt động giáo dục di sản, tương tác với cộng đồng.

“Thực hiện “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” của Chính phủ, Nghị quyết “Về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” của Thành ủy Hà Nội, Ủy ban nhân dân quận, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội đã tăng cường phối hợp với các đơn vị, nghệ sĩ, nghệ nhân, thợ thủ công, các cá nhân trong và ngoài nước tổ chức nhiều sự kiện văn hóa nhằm bảo tồn, tôn vinh, phát huy các giá trị di sản; hỗ trợ nghệ nhân, nghệ sĩ trong sáng tạo nghệ thuật và tạo sự hấp dẫn, thu hút của di sản Hoàn Kiếm trong thời kỳ hội nhập và phát triển”, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm cho hay.

Các hoạt động này đã giúp truyền tải, lan tỏa các giá trị di sản văn hóa tới cộng đồng. Qua đó, nâng cao nhận thức của cộng đồng về công tác bảo tồn di sản. Các tổ chức và cá nhân chung tay với chính quyền trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá.

Bà Trần Thị Thúy Lan – Phó Trưởng ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội cho biết, trong nhiều năm qua, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản luôn được các cấp chính quyền cũng như các nhà khoa học và cộng đồng quan tâm. Xác định rõ di sản văn hóa là nguồn lực phát triển công nghiệp văn hóa, đặc biệt là ngành du lịch văn hóa, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động văn hóa đa dạng với mục đích bảo vệ, bảo tồn các giá trị di sản, thúc đẩy phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh Khu Phố cổ Hà Nội, khu vực Hồ Hoàn Kiếm nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung.

Chuỗi hoạt động văn hóa chào mừng Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11

Vừa qua, Thành phố Hà Nội đã tổ chức khai mạc chuỗi sự kiện Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 nhằm thúc đẩy tinh thần sáng tạo trên nền tảng di sản, từ chất liệu văn hóa truyền thống qua các chương trình phát triển văn hóa – kinh tế – xã hội. Tinh thần ấy được tiếp nối và lan tỏa trong chuỗi hoạt động văn hóa chào mừng Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11 của Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội.

Khai mạc chuỗi hoạt động chào mừng Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam
Màn trình diễn Trống hội cùng trích đoạn tác phẩm “Cõi thinh không” do các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam thể hiện.

Minh chứng là dịp này, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp với các đơn vị và cá nhân tổ chức chuỗi các hoạt động văn hóa phong phú, hấp dẫn với chủ đề “Dòng chảy Di sản” từ ngày 18/11 đến ngày 17/12/2023.

Cụ thể, tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội (50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm, Hà Nội) sẽ có Trưng bày giới thiệu về Nghệ thuật Tuồng trong di sản văn hóa truyền thống Việt; Tọa đàm về ứng dụng chất liệu Tuồng trong đời sống đương đại; Biểu diễn âm nhạc truyền thống “Xưa – Mới hôm nay” của nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc. Tại Ngôi nhà Di sản (87 Mã Mây), diễn ra Không gian giới thiệu Trà Việt với chủ đề “Ấm chén trà cụ trong không gian thưởng trà của người Hà Nội”. Tại Đình Kim Ngân (42 Hàng Bạc) có trưng bày giới thiệu tranh dân gian Kim Hoàng và nghệ thuật Thư pháp, chủ đề “Mảng chạm”.

Tại Trung tâm Thông tin Di sản Phố cổ (28 Hàng Buồm), diễn ra triển lãm nghệ thuật gốm Bát Tràng – Hà Nội và gốm Đông Hòa – Phú Yên. Tại Đình Đồng Lạc – 38 Hàng Đào có trưng bày, giới thiệu sản phẩm sơn mài Hanoia. Tại Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm – 2 Lê Thái Tổ, diễn ra Trưng bày 60 tác phẩm trong bộ ảnh “Ơi cuộc sống mến thương”.

Tại Lễ khai mạc chuỗi các hoạt động văn hóa nhân Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam, công chúng cũng đã được thưởng thức màn trình diễn Trống hội cùng trích đoạn tác phẩm “Cõi thinh không” do các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam thể hiện; tham quan không gian trưng bày và giao lưu cùng nghệ sĩ tuồng Nguyễn Kim Kê và họa sĩ Nguyễn Cao Thắng để tìm hiểu về mặt nạ tuồng truyền thống.

Trong nhiều thế kỷ, những di sản dân gian và truyền thống này đã đồng hành cùng văn hoá bản địa, ghi lại lịch sử bằng những giá trị vật thể và phi vật thể mang tính biểu tượng. Nghệ thuật gợi nhớ ký ức, phơi bày cả hạnh phúc và bi kịch nhưng luôn mang lại những hy vọng cùng sự thay đổi. Mỗi câu chuyện được kể qua nghệ thuật truyền thống đều mang nhịp đập của lịch sử và nỗi trăn trở của các thế hệ.

Chuỗi các hoạt động phong phú và hấp dẫn này giúp truyền tải, lan tỏa các giá trị di sản văn hóa tới cộng đồng. Qua đó, nâng cao nhận thức của cộng đồng về công tác bảo tồn di sản. Đặc biệt, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, giá trị văn hóa mang bản sắc của Thủ đô ngàn năm văn hiến trong phát triển công nghiệp văn hóa thời gian tới.

Phương Bùi

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích