Khởi công ba dự án giao thông quan trọng
(Xây dựng) – Sáng 18/6, Lễ khởi công Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh và hai cao tốc trục ngang, gồm: Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, Biên Hòa – Vũng Tàu được tổ chức với hình thức trực tuyến tại 3 điểm cầu: Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu và Đắk Lắk.
Thủ tướng cùng lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương nhấn nút khởi công ba dự án giao thông quan trọng. |
Tại điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh có sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương. Điểm cầu Bà Rịa – Vũng Tàu có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cùng lãnh đạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai. Điểm cầu tỉnh Đắk Lắk có lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk.
Thực hiện chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm giai đoạn 2021 – 2030 với mục tiêu phấn đấu đến 2030 cả nước có khoảng 5.000km đường bộ cao tốc. Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh và cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu và cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột có tầm quan trọng với sự phát triển kinh tế – xã hội, hình thành tuyến đường vành đai, các trục cao tốc ngang và dọc, kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế, các cảng biển, cảng hàng không, đặc biệt là cảng Long Thành, tạo dư địa, tạo động lực và không gian phát triển cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như vùng Tây Nguyên.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn nút khởi công dự án trọng điểm tại điểm cầu Bà Rịa – Vũng Tàu. |
Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh có tổng chiều dài 76,3km đi qua 4 địa phương: Thành phố Hồ Chí Minh (47,35km), các tỉnh: Đồng Nai (11,26km), Bình Dương (10,76km), Long An (6,81km); sơ bộ tổng mức đầu tư 75.378 tỷ đồng, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026. Đây là dự án đặc biệt quan trọng với Thành phố Hồ Chí Minh bởi không chỉ rút ngắn thời gian lưu thông giữa các địa phương, tuyến đường còn giúp tăng tính kết nối liên vùng nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển các cụm công nghiệp, dịch vụ du lịch, đô thị hóa nông thôn dọc tuyến, kết nối các thành phố vệ tinh của Thành phố Hồ Chí Minh, góp phần hình thành trung tâm theo hướng đô thị đa tâm.
Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1 có chiều dài khoảng 53,7km (tỉnh Đồng Nai khoảng 34,2km; tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khoảng 19,5km). Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 90 để triển khai dự án với tiến độ yêu cầu cơ bản hoàn thành năm 2025, hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2026. Dự án khi hoàn thành sẽ kết nối với đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển; phát huy tối đa tiềm năng của cảng biển Cái Mép – Thị Vải. Từ đây, đáp ứng nhu cầu vận tải; tạo không gian phát triển vùng Đông Nam bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại; góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh; nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, từng bước thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Lãnh đạo các Bộ, ngành rất quan tâm tới các dự án giao thông trọng điểm này. |
Tuyến đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 có tổng chiều dài khoảng 117,5km, mục tiêu cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2027. Khi hoàn thành, tuyến cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 sẽ góp phần hình thành trục ngang kết nối vùng Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung bộ, kết nối hệ thống trục dọc (đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 1, đường bộ ven biển), tạo dư địa, động lực phát triển không gian vùng.
Chỉ đạo tại điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết: Với mục tiêu đến năm 2030, cả nước có 5.000km đường cao tốc. Vì vậy, đến năm 2025, nước ta phải đạt ít nhất 3.000km. Để đạt mục tiêu này, từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã đưa vào khai thác thêm 566km đường cao tốc, nâng tổng số cao tốc cả nước lên 1.729km.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết: 3 dự án khởi công hôm nay được đẩy mạnh phân cấp phân quyền, giao cho các địa phương. Vốn đầu tư được huy động từ 5 nguồn vốn như vốn từ Trung ương, vốn địa phương, nguồn vốn từ tăng thu, tiết kiệm chi; nguồn đầu tư trung hạn; nguồn vốn hợp tác khác; nguồn vốn các chương trình phục hồi. Từ 5 nguồn vốn này chúng ta mới có nguồn lực lớn như thế, như vậy mới có 500.000 tỷ để xây dựng hạ tầng giao thông.
Thủ tướng nhấn mạnh: Để triển khai thành công 3 dự án giao thông quan trọng thì các Bộ, ngành, địa phương, các đơn vị tham gia cần thực hiện nghiêm túc 6 yêu cầu: Phải đảm bảo chất lượng công trình; phải đảm bảo tiến độ; phải đảm bảo an toàn kỹ thuật, mỹ thuật, môi trường vệ sinh và an toàn lao động; không được đội vốn bất hợp lý, không chia nhỏ gói thầu và chống tham nhũng tiêu cực, lợi ích nhóm; đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Thọ – Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết: Do được áp dụng các cơ chế đặc thù để thực hiện nhằm rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư, chỉ trong thời gian rất ngắn từ tháng 7/2022 đến nay đã hoàn thành khối lượng công việc lớn từ lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, đánh giá tác động môi trường, thiết kế kỹ thuật công trình, giải phóng mặt bằng, tiến hành lựa chọn các nhà thầu… để kịp khởi công dự án ngày hôm nay vượt tiến độ do Thủ tướng Chính phủ giao.
Nguồn: Báo xây dựng