Khoảng cách giữa pháp luật và thực tiễn xung quanh chai LPG

Bài 1: Những quy định của pháp luật về chai LPG

 Từ năm 2009 đến nay Chính phủ đã ký ban hành 3 nghị định về kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng. Cụ thể, ngày 26/11/2009, Chính phủ ký ban hành Nghị định số 107/2009/NĐ-CP về “kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng” (Nghị định 107) – Đây là Nghị định đầu tiên điều chỉnh hoạt động trong lĩnh vực này.  

Theo đó, hành vi Chiếm giữ trái phép, mua, bán, trao đổi chai LPG không thuộc sở hữu…đã được liệt vào nhóm “Các hành vi bị cấm trong hoạt động kinh doanh LPG”. Cụ thể tại khoản 3, Điều 50, Nghị định 107 quy định: “3. Chiếm giữ trái phép, mua, bán, trao đổi chai LPG không thuộc sở hữu (trừ trường hợp thuê nạp); nhái vỏ chai, nhái nhãn hàng hóa, thương hiệu chai LPG và LPG chai đang lưu thông trên thị trường đã được đăng ký tại cơ quan chức năng có thẩm quyền.”.

Tiếp theo, ngày 22/3/2016, Chính phủ ký ban hành Nghị định số 19/2016/NĐ-CP về “Kinh doanh khí” (Nghị định 19) thay thế cho Nghị định 107. Theo đó, tại khoản 2, Điều 8, Nghị định 19 quy định: “2. Không chiếm giữ chai LPG của các thương nhân kinh doanh LPG khác”.

Thay thế Nghị định 19, ngày 15/6/2018, Chính phủ ký ban hành Nghị định số 87/2018/NĐ-CP về “Kinh doanh khí” (Nghị định 87). Tại nghị định này, hành vi “Chiếm giữ trái phép, mua, bán, trao đổi chai LPG không thuộc sở hữu;” thuộc 1 trong các trường hợp bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện được quy định tại tiết g khoản 1, Điều 46.

Hàng ngàn vỏ bình gas bị đơn vị ký gửi bỏ tại một kho ở TP.Thủ Đức (TPHCM) nhiều năm qua. Ảnh: nguồn Internet

Để pháp luật được thực thi, Chính phủ cũng đồng thời ban hành các chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu, và khí. Cụ thể, ngày 25/5/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 67/2017/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành từ ngày 10/7/2017 và ngày 26/8/2020, Chính phủ ký ban hành Nghị định 99, có hiệu lực thi hành từ ngày 11/10/2020.

Theo đó, hành vi “Chiếm giữ trái phép, mua, bán, trao đổi, lưu giữ chai LPG không thuộc sở hữu trừ trường hợp thuê nạp.” sẽ bị phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng” và phạt bổ sung với hình thức: Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh LPG từ 01 tháng đến 03 tháng; Tịch thu chai LPG vi phạm (điều chỉnh bởi Nghị định 67). Đối với Nghị định 99, thì hành vi “Chiếm giữ trái phép, mua, bán, trao đổi, lưu trữ, thu gom chai LPG không thuộc sở hữu mà không có hợp đồng mua bán chai LPG, hợp đồng thuê chai LPG hoặc không có thoả thuận về việc trao đổi chai LPG với chủ sở hữu chai LPG, trừ trường hợp thuê nạp” bị phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng và giữ nguyên hình thức phạt bổ sung như Nghị định 67.

Pháp luật quy định là thế, song trên thực tế vẫn có thương nhân phân phối LPG tại thời điểm kiểm tra kho, bãi vẫn tồn trữ tới hàng ngàn, thậm chí cả vạn vỏ chai PLG không thuộc sở hữu mà không có hợp đồng mua bán chai LPG, hợp đồng thuê chai LPG hoặc không có thoả thuận về việc trao đổi chai LPG với chủ sở hữu chai LPG… song vẫn không bị xử lý..?  

Theo tôi, nguyên nhân chính là các thương nhân phân phối LPG, và không ít các cơ quan quản lý chức năng có thẩm quyền quản lý trong lĩnh vực kinh doanh khí ở địa phương chưa hiểu (hoặc cố tình không hiểu) về bản chất hàng hóa của vỏ chai LPG.

LPG là loại hàng hóa đặc biệt, dễ xảy ra cháy nổ nên chai LPG lưu hành trên thị trường đã được Chính phủ quy định rất cụ thể về khái niệm chai LPG và chủ sở hữu chai LPG.

Ví dụ như về chủ sở hữu chai LPG, khoản 5 Điều 3 Nghị 107 quy định: “5. Chủ sở hữu chai LPG là thương nhân đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh LPG theo quy định tại Nghị định này, là chủ thể đã mua chai LPG từ nhà sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu hoặc mua lại từ thương nhân kinh doanh LPG khác (chủ sở hữu khác) theo hợp đồng chuyển nhượng hợp pháp, các chai này phải có đủ hồ sơ do nhà sản xuất hoặc nhà nhập khẩu cung cấp, có thương hiệu đã được đăng ký theo quy định.”. Hay tại khoản 15 Điều 3 Nghị định 19 có viết: “15. Chủ sở hữu chai LPG là thương nhân kinh doanh LPG đầu mối. Chai LPG phải có đủ hồ sơ do nhà sản xuất hoặc nhà nhập khẩu cung cấp, có nhãn hiệu hàng hóa đã được đăng ký theo quy định.”.

Trên thực tế kinh doanh LPG, thông thường chỉ có thương nhân sản xuất LPG (thương nhân có trạm nạp LPG) là ra bình và đi đăng ký sở hữu trí tuệ nhãn hiệu hàng hóa. Còn thương nhân phân phối LPG thuần túy (không có trạm nạp LPG) thì không có nhãn hiệu hàng hóa cho riêng mình mà chủ yếu là ký hợp đồng mua bán chai LPG, hợp đồng thuê chai LPG  với chủ sở hữu chai LPG.

Chính vì thế nên trong kinh doanh LPG mới quy định việc ký cược vỏ chai LPG giữa chủ sở hữu chai LPG với thương nhân phân phối thuần túy. Và có như thế mới ràng buộc trách nhiệm mua bảo hiểm cháy nổ và đăng kiểm vỏ chai LPG theo quy định của Nhà nước của chủ sở hữu chai LPG.

Và tại Nghị định 107 và Nghị định 19, Chính phủ cũng đã quy định rõ khái niệm về Ký cược chai LPG và Tiền ký cược chai LPG. Cụ thể tại khoản 21, 22 Điều 3 Nghị định 19 quy định:

“21. Ký cược chai LPG là việc khách hàng (tổng đại lý kinh doanh LPG, đại  kinh doanh LPG và người sử dụng LPG) giao một Khoản tiền cho thương nhân kinh doanh LPG đầu mối là chủ sở hữu chai LPG nhằm bảo đảm nghĩa vụ trả chai LPG mượn theo thỏa thuận để phục vụ việc lưu thông, tồn chứa và sử dụng LPG.

22. Tiền ký cược chai LPG là Khoản tiền của khách hàng có nhu cầu sử dụng chai LPG giao cho thương nhân kinh doanh LPG đầu mối là chủ sở hữu chai LPG đó để được chuyển quyền sử dụng chai LPG vào Mục đích phục vụ việc lưu thông, tồn chứa và sử dụng LPG.”. Thông thường tiền ký cược chai LPG bằng 1/3 giá trị chai LPG tại thời điểm chủ sở hữu chai LPG mua của nhà sản xuất.

  Cùng với đó, để điều chỉnh quan hệ “Ký cược”, Điều 329 Bộ luật Dân sự 2015 cũng đã quy định: “1. Ký cược là việc bên thuê tài sản là động sản giao cho bên cho thuê một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản ký cược) trong một thời hạn để bảo đảm việc trả lại tài sản thuê. 2. Trường hợp tài sản thuê được trả lại thì bên thuê được nhận lại tài sản ký cược sau khi trả tiền thuê; nếu bên thuê không trả lại tài sản thuê thì bên cho thuê có quyền đòi lại tài sản.”.

Từ đây có thể khẳng định việc ký cược không kết lập quyền sở hữu cho người ký cược mà chỉ là để đảm bảo cho việc người ký cược thuê/mượn vỏ chai.

Quy định pháp luật là thế, song trên thực tế nhiều thương nhân phân phối LPG, và không ít các cơ quan quản lý chức năng có thẩm quyền quản lý trong lĩnh vực kinh doanh khí ở địa phương chưa hiểu (hoặc cố tình không hiểu) nên vẫn cho rằng những vỏ chai LPG mà thương nhân kinh doanh LPG thu gom được trong quá trình lưu thông và hiện lưu giữ trong kho của mình là thuộc quyền sở hữu của họ./.

(còn nữa)

Nguồn: hoanhap.vn

Bạn cũng có thể thích