Khoảng 8 triệu tấn rác thải nhựa phát sinh trong đại dịch Covid

Khoảng 8 triệu tấn rác thải nhựa phát sinh trong đại dịch Covid

MTĐT –  Thứ tư, 17/11/2021 09:22 (GMT+7)

Khoảng 26.000 tấn trong số đó bị xả ra các đại dương. Số rác thải này có thể ảnh hưởng đến hệ sinh thái và gây ô nhiễm môi trường.

Nghiên cứu mới đây của một nhóm các nhà khoa học tại Trung Quốc và Mỹ đã công bố nghiên cứu về rác thải trong thời kỳ đại dịch trên tạp chí khoa học Proceedings of the National Academy of Sciences. Nghiên cứu này cho thấy 193 quốc gia trên thế giới đã tạo ra khoảng 8 triệu tấn rác thải nhựa, khoảng 26.000 tấn trong số đó bị xả ra các đại dương. Số rác thải này có thể ảnh hưởng đến hệ sinh thái và gây ô nhiễm môi trường.

tm-img-alt
Thu gom rác thải tại khu cách ly Covid-19. Ảnh: ITN

Những mối lo ngại trên bắt đầu kể từ khi dịch COVID-19 mới bùng phát. Việc thiết bị bảo hộ cá nhân ngày càng thông dụng và mua sắm trực tuyến phát triển nhanh chóng trong đại dịch chính là nguyên nhân khiến ô nhiễm chất nhựa tăng mạnh.

Báo cáo do các nhà khoa học Trung Quốc và Mỹ công bố là một trong những nghiên cứu đầu tiên định lượng quy mô của số rác thải nhựa có liên quan đến cuộc khủng hoảng sức khỏe.

Theo các nhà khoa học, rác thải nhựa sẽ xâm nhập các đại dương trên thế giới thông qua những con sông lớn. Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng 3 tuyến đường thủy bị ô nhiễm nhựa trong đại dịch nhiều nhất đều nằm ở châu Á, bao gồm sông Shatt al-Arab chảy vào vịnh Ba Tư, sông Indus đổ ra biển Ả Rập và sông Dương Tử chảy ra biển Hoa Đông.

Dạng chất thải nhựa chính đổ vào đại dương là rác thải y tế xuất phát từ bệnh viện, loại rác này chiếm tới hơn 70% lượng ô nhiễm chất nhựa.

Ngoài chất thải y tế, khâu đóng gói trong hoạt động mua sắm trực tuyến cũng góp phần gây ô nhiễm vì gói hàng thông thường bao gồm hộp cacton, bao bì nilon và màng xốp hơi (bubble wrap). Những thứ này sẽ trở thành rác thải sau khi người dùng nhận hàng và mở ra sử dụng. Châu Á cũng là nơi đứng đầu về loại rác này, dù chúng có tác động tương đối nhỏ đến lượng xả thải toàn cầu.

Các nhà nghiên cứu cho biết nguyên nhân châu Á xả rác nhiều là do tỷ lệ sử dụng thiết bị bảo hộ dùng một lần cao, trong khi nhiều nước lại không mạnh về xử lý chất thải – điển hình là Trung Quốc và Ấn Độ. Ngược lại, các nền kinh tế phát triển bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19 ở Bắc Mỹ và Châu Âu có lượng rác thải nhựa đại dịch tương đối thấp.

Tình hình này trở nên xấu hơn do việc đình chỉ hoặc nới lỏng các hạn chế đối với sản phẩm nhựa sử dụng một lần trên toàn cầu. Vào mùa xuân năm 2020, bang New York (Mỹ) từng đưa ra lệnh cấm sử dụng một lần, nhưng lệnh chỉ được thực thi vào mùa thu năm đó.

“Cần tăng cường quản lý rác thải y tế ở khu vực tâm chấn, đặc biệt là ở các nước đang phát triển”, nghiên cứu viết. Các nhà khoa học thực hiện nghiên cứu cũng kêu gọi các nước nên phát triển những vật liệu thân thiện với môi trường hơn.

Sự gia tăng rác thải nhựa đã để lại hậu quả nghiêm trọng cho động vật hoang dã. Theo một nghiên cứu quan sát do các nhà khoa học Hà Lan thực hiện, tính đến tháng 7, có 61 trường hợp động vật chết hoặc bị phân hủy do rác thải nhựa đại dịch. Các trường hợp được công bố bao gồm một con cá rô Mỹ bị quấn vào khẩu trang ở Canada, các tình nguyện viên người Hà Lan cũng phát hiện xác một con cá rô khác bị quấn trong găng tay y tế dùng một lần. Theo National Geographic, trường hợp thứ hai là ghi nhận đầu tiên về việc loài cá bị giết bởi găng tay dùng một lần.

Các nhà khoa học chỉ ra rằng phần lớn rác thải nhựa sinh ra từ hậu quả của đại dịch sẽ bị xả xuống đáy biển hoặc các bãi biển. Chúng có thể tạo thành những “con đường tử thần” đối với động vật ven biển, đồng thời, nhựa tích tụ trên các bãi biển gây nguy cơ làm tăng nhiệt độ xung quanh và tác động xấu đến môi trường sống của động vật hoang dã. Khi nhựa phân hủy theo thời gian, các hóa chất độc hại có thể được giải phóng và xâm nhập vào chuỗi thức ăn.

PV (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích