Khoản vay trăm tỉ của ông Phan Thạch Tâm ở Saigontel

 

Saigontel cho ông Phan Thạch Tâm vay tín chấp 121,5 tỉ đồng để làm gì?
Saigontel cho ông Phan Thạch Tâm vay tín chấp 121,5 tỉ đồng để làm gì?

Theo tìm hiểu của VietTimes, các khoản vay tín chấp nêu trên đều phát sinh từ các hợp đồng được ký trong năm 2020.

Cụ thể, CTCP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (Saigontel – Mã CK: SGT) đã cho ông Phan Thạch Tâm vay 6 tỉ đồng theo thoả thuận vay vốn ngày 6/8/2020, thời hạn 1 năm, lãi suất 12%/năm.

Trong khi đó, CTCP Đầu tư và Phát triển Đô thị Sài Gòn (công ty con của Saigontel) và ông Phan Thạch Tâm đã ký hợp đồng mượn vốn vào ngày 26/6/2020, thời hạn 1 năm kể từ ngày giải ngân lần đầu tiên, lãi suất cho mượn chỉ 4%/năm. Tính đến ngày 30/6/2021, số dư khoản vay này là 115,5 tỉ đồng.

Tài liệu công bố của SGT không thuyết minh nên chưa biết SGT và SGU giải ngân cho ông Tâm số tiền khổng lồ trên để làm gì. Nhưng hẳn các bên phải rất tin nhau mới có thể có được giao dịch tín chấp lớn như vậy.

Báo cáo quản trị công ty 6 tháng đầu năm 2021 của Saigontel cũng không ghi nhận ông Phan Thạch Tâm là người nội bộ và người có liên quan tới người nội bộ của công ty.

Tuy nhiên, trong nhiều sự kiện của Saigontel có ghi nhận sự xuất hiện của một cá nhân cùng tên, được giới thiệu là Phó ban hợp tác đầu tư của công ty này. Chưa rõ đây có phải là nhân vật đã được Saigontel cho vay hàng trăm tỉ đồng hay không.

Phó ban hợp tác đầu tư của Saigontel - ông Phan Thạch Tâm
Phó ban hợp tác đầu tư của Saigontel – ông Phan Thạch Tâm

Số tiền mà ông Phạm Thạch Tâm đã ‘mượn’ ở SGU, lưu ý, đã tương đương 57,75% vốn điều lệ của công ty này.

Theo dữ liệu của VietTimes, bên cạnh công ty mẹ Saigontel (với tỉ lệ sở hữu 60% vốn điều lệ), SGU còn có 2 cổ đông sáng lập khác là CTCP Đầu tư bất động sản BMI (BMI) và bà Nguyễn Cẩm Phương với tỉ lệ sở hữu lần lượt là 30% và 10% vốn điều lệ.

Bà Nguyễn Cẩm Phương là CEO của Saigontel, đứng tên nhiều công ty trong hệ sinh thái của doanh nhân Đặng Thành Tâm.

Trong khi đó, BMI được thành lập vào tháng 8/2019 bởi 3 cổ đông sáng lập, bao gồm: CTCP Bất động sản BHS (59% VĐL), CTCP MeryLand (40% VĐL) và ông Trương Hùng Cường (1% VĐL). Nhóm cổ đông này đều có liên quan tới BHS Group của cựu lãnh đạo Cengroup Nguyễn Thọ Tuyển.

Nửa năm ‘tăng tốc’ của Saigontel

Tính đến cuối quý 2/2021, quy mô tổng tài sản của Saigontel đã tăng 1,68 lần so với đầu năm, đạt 4.235,4 tỉ đồng, chủ yếu đến từ các hoạt động đầu tư.

Nửa đầu năm 2021, Saigontel tỏ ra rất tích cực trong việc mở rộng kinh doanh với một loạt nghị quyết của HĐQT về việc thành lập một loạt các pháp nhân như: Công ty TNHH Saigontel Long An, CTCP Đầu tư và phát triển Long An, CTCP Tập đoàn đầu tư Vũng Tàu,…

Trong đó, việc thành lập Công ty TNHH Saigontel Long An được tin rằng sẽ giúp liên danh Saigontel và CTCP khu công nghiệp Sài Gòn – Hải Phòng thuận lợi hơn trong việc lập thủ tục đầu tư dự án Khu công nghiệp Nam Tân Tập tại Long An.

Việc lựa chọn liên danh trên đầu tư dự án có tổng mức đầu tư 2.590,4 tỉ đồng này hiện đang nhận được sự quan tâm lớn của dư luận. Một số ý kiến trên truyền thông tỏ ra nghi ngờ về tính hợp lý, hợp lệ của Long An trong việc chỉ định nhà đầu tư, mà không thực hiện đấu thầu như thông lệ.

Tại ngày 30/6/2021, Saigontel ghi nhận khoản vốn góp 337,5 tỉ đồng, tương đương 75% vốn điều lệ của Công ty TNHH Saigontel Long An.

Bên cạnh đó, các khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết của Saigontel cũng tăng gấp 9 lần, đạt mức 1.311 tỉ đồng.

Trong đó, chủ yếu là các khoản góp vốn vào CTCP Đầu tư Phát triển Long An (600 tỉ đồng), CTCP Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Hưng Yên (540 tỉ đồng) và CTCP Công viên Tâm linh Bảo Lạc (30 tỉ đồng).

 

Tuy nhiên, tính đến cuối quý 2/2021, CTCP Đầu tư Phát triển Long An và CTCP Công viên Tâm linh Bảo Lộc đã cho vay Saigontel vay dài hạn lần lượt 599,5 tỉ đồng và 28,8 tỉ đồng. Bên cạnh đó, Saigontel cũng vay dài hạn CTCP Đầu tư và Phát triển Hưng Yên 540 tỉ đồng.

Các khoản vay này là nguyên nhân chính khiến quy mô dư nợ vay và nợ thuê tài chính của Saigontel tại ngày 30/6/2021 đạt 1.854,5 tỉ đồng, tăng gấp 4 lần so với đầu năm.

Theo truyền thông trong nước, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Long An (Ban QLKKT) đã tiếp nhận văn bản của 5 nhà đầu tư có nguyện vọng tham gia lập thủ tục đầu tư dự án Khu công nghiệp Nam Tân Tập.

Các nhà đầu tư này bao gồm: CTCP Đầu tư An Kiến Phát; Liên danh CTCP Đầu tư An Kiến Phát –

Công ty TNHH Hải Sơn; Liên danh CTCP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (Saigontel) và CTCP Khu công nghiệp Sài Gòn – Hải Phòng; Saigontel; Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC).

Trước đó, Hội đồng đầu tư tỉnh Long An đã giao Ban QLKKT xây dựng tiêu chí phù hợp; thành lập Hội đồng xét chọn nhà đầu tư theo quy định.

Tuy nhiên, cho rằng đối với dự án phát triển hạ tầng khu công nghiệp không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu và Nghị định 25/2020, Ban QLKKT đề xuất 2 phương án:

Thứ nhất, tiếp tục lấy ý kiến góp ý của các sở ngành và thành lập Hội đồng xét chọn để chọn chủ đầu tư;

Thứ hai, do lãnh đạo tỉnh có khảo sát thực tế và xem xét năng lực của các nhà đầu tư dự định đầu tư vào tỉnh Long An, qua xem xét các hồ sơ năng lực của các công ty nêu trên, đề xuất chọn liên danh CTCP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn và CTCP Khu Công nghiệp Sài Gòn-Hải Phòng để tiến hành lập thủ tục đầu tư dự án này.

Ban QLKKT đã đề xuất chọn phương án 2 tức là chỉ định nhà đầu tư là Liên danh Công ty CP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn và Công ty CP Khu Công nghiệp Sài Gòn-Hải Phòng./.

Copy link

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích