Khoa học xã hội và nhân văn trong cuộc chiến chống Covid – 19

 

Khoa học xã hội và nhân văn trong cuộc chiến chống COVID-19
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các lãnh đạo MTTQVN, Tổng LĐLĐVN, Bộ Thông tin và Truyền thông khởi động chương trình nhắn tin “Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch bệnh COVID-19”. Ảnh: 

Vai trò của khoa học xã hội và nhân văn với đại dịch

Đại dịch (pandemic) là những đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm trên quy mô lớn, có thể làm tăng đáng kể tỷ lệ mắc bệnh và tử vong trên một khu vực địa lý rộng và gây ra sự gián đoạn đáng kể về kinh tế, xã hội và chính trị(1). Chức năng của KHXH&NV là nghiên cứu các quy luật hình thành và phát triển của xã hội và con người, của mối quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội, góp phần cải tạo, biến đổi xã hội, ở những mức độ khác nhau. Sự xuất hiện của các vấn đề toàn cầu như khủng hoảng kinh tế, thảm hoạ thiên nhiên, đại dịch… để lại những hậu quả sâu rộng khiến cho tầm quan trọng của KHXH&NV trong sự phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội của mỗi quốc gia và của toàn thế giới càng được khẳng định rõ hơn.

Ngay khi đại dịch Covid – 19 xảy ra, ngay tại cuộc họp nhằm “đánh giá mức độ hiểu biết về căn bệnh Covid – 19”, tại trụ sở của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các quan chức y tế hàng đầu thế giới đã kêu gọi “tích hợp khoa học xã hội vào ứng phó với bùng phát”(2). Điều này khẳng định vai trò quan trọng của KHXH&NV trong ứng phó với dịch bệnh. Trước khi Covid – 19 xuất hiện, thế giới cũng từng trải qua các đại dịch rất nghiêm trọng như: tả, sốt Thung lũng Rift, cúm, SARS, Ebola, mà quá trình từ phát hiện tới ngăn chặn dịch bệnh và tái thiết nền kinh tế, ổn định xã hội sau đại dịch đều có vai trò nổi bật của KHXH&NV trên các khía cạnh như sau:

Một là, KHXH&NV nghiên cứu thói quen hành vi, tập quán văn hoá giúp làm sáng tỏ lý do dịch bệnh khởi phát, từ đó đề xuất phương hướng kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh. Những người đầu tiên phát hiện ra lý do dịch tả Ebola lây lan nhanh trong đợt bùng phát ban đầu ở Tây Phi không phải là các chuyên gia dịch tễ, mà chính là những nhà nhân  học. Họ là những người đã trực tiếp sinh sống cùng người bản địa, quan sát và xác định được rằng, hành vi trì hoãn việc chôn cất người chết trong nhiều ngày, mang xác vào nhà để chịu tang và chuẩn bị tang lễ như một tập quán văn hóa của các cộng đồng ở những khu vực bị ảnh hưởng, là thủ phạm gây nên đại dịch.

Hai là, KHXH&NV góp phần vào việc xác định “định kiến và phân biệt đối xử là tác nhân có thể làm lan truyền dịch bệnh”. Ví dụ, định kiến từ trận dịch hạch đã gây ra bạo lực lớn ở châu Âu, khiến nhiều người Catalonia ở Sicily, các giáo sĩ và người ăn xin bị sát hại; nó cũng là nguyên nhân gây ra các cuộc tấn công người Do Thái làm cho hơn một nghìn cộng đồng bị xóa sổ. Hay những cuộc tấn công người gốc Á ở các quốc gia có đa số là người da trắng và việc một số chính khách gọi SARS-CoV-2 là “virus Vũ Hán”, “virus Trung Quốc” đã tạo nên sự kỳ thị và dẫn đến hiện tượng giấu diếm bệnh tật, trốn tránh các biện pháp y tế khiến cho việc kiểm soát dịch bệnh khó khăn hơn.

Ở Việt Nam, hiện tượng khai gian dối về lịch sử dịch tễ để tránh bị kỳ thị, lên án từ cộng đồng cũng diễn ra khi Việt Nam chưa áp dụng việc mã hoá danh tính bệnh nhân ở thời kỳ đầu. Điều này được các nhà KHXH&NV khuyến cáo là một sai lầm, gây bất lợi cho phòng chống dịch và đã được điều chỉnh kịp thời. Việc xác định chính xác và nhanh chóng hành vi gây lan truyền dịch bệnh, thái độ ứng xử phù hợp với người bệnh, cũng như việc định hình các biện pháp can thiệp, định hướng chính sách và thiết kế chiến lược ứng phó là những đóng góp không thể thiếu của KHXH&NV trong giai đoạn đầu chống dịch.

Ở giai đoạn khống chế, ngăn chặn dịch bệnh bằng chiến lược tiêm chủng diện rộng, KHXH&NV giữ vai trò không hề kém quan trọng so với dịch tễ học. Chiến lược “phủ nhanh vaccine” để dập tắt dịch bệnh sẽ không thể thành công nếu người dân không hợp tác. Từ các trận dịch tả, bại liệt, Zika, HPV, Ebola, sởi, quai bị, rubella, Sars-CoV-2 đều có câu chuyện người dân phản đối và từ chối tiêm vaccine, mà thủ phạm chính chính là thuyết âm mưu. Vì tin đồn và thuyết âm mưu được chứng minh là có liên quan chặt chẽ đến các yếu tố lịch sử, xã hội, văn hóa và chính trị(3) nên để “điều trị” được chúng, chỉ có cách hiểu rõ về lịch sử của mỗi cộng đồng, dân tộc, quốc gia. Câu chuyện vaccine Sinopharm ở Thành phố Hồ Chí Minh vừa qua là một ví dụ điển hình. Người dân Thành phố phản ứng dữ dội và cự tuyệt một số loại vaccine được sản xuất từ quốc gia có nhiều “vấn đề” trong lịch sử với Việt Nam, dù chúng được WHO công nhận, ngay trong bối cảnh dịch bệnh đang hoành hành dữ dội và cơn khát vaccine đã lên đến đỉnh điểm. Điều đó cho thấy, việc không xem xét thấu đáo các yếu tố xã hội, văn hóa, chính trị ảnh hưởng tới tâm lý người dân khi xây dựng đối sách ứng phó phù hợp thì không thể thành công trong phòng chống dịch. Sứ mệnh của KHXH&NV lúc này là “kiểm soát” nỗi sợ hãi của người dân, ngăn chặn tin tức giả, thuyết âm mưu, thay đổi nhận thức, thay đổi hành vi, hình thành thói quen đúng đắn để phòng chống dịch bệnh.

Bên cạnh đó, những nghiên cứu đa chiều của KHXH&NV còn làm rõ những tác động của dịch bệnh tới mọi mặt đời sống xã hội, tổng kết, đúc rút những bài học kinh nghiệm truyền lại cho các thế hệ sau; đồng thời, đóng góp vào việc hoạch định chính sách, xây dựng các kế hoạch tái thiết nền kinh tế, điều chỉnh các chính sách xã hội để nhanh chóng phục hồi và sửa chữa các khiếm khuyết.

Những vấn đề đặt ra đối với đại dịch Covid  – 19

Covid – 19 được WHO tuyên bố là một đại dịch vào ngày 11/3/2020, sau 3 tháng kể từ khi nó khởi phát và gây nên những hậu quả thảm khốc ở thành phố Vũ Hán tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Đến nay, dịch Covid – 19 đã lan ra hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với hơn 217 triệu người nhiễm virus, đã có gần 4,5 triệu người tử vong. Tất cả các quốc gia đều chọn giải pháp giãn cách xã hội như một công cụ hữu hiệu nhằm giảm áp lực cho y tế trong lúc chờ đợi quá trình phát triển vaccine, tạo miễn dịch cộng đồng. Những đợt “lockdown” liên tục trong suốt gần 2 năm qua đã dẫn đến nhiều hệ luỵ: hàng trăm triệu học sinh trên thế giới không được đến trường; du lịch lữ hành bị “nghiền nát”; “kinh tế chia sẻ” đứng trước nguy cơ phá sản; hầu hết nhà máy đóng cửa, hàng triệu công nhân bị sa thải, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy khi các hoạt động giao thương đồng loạt bị chặn đứng…, người nghèo, dân cư bần cùng hóa gia tăng, tâm trạng bất an trong xã hội trở nên phổ biến. Quá trình nghiên cứu và thử nghiệm vaccine đối với virus SARS-CoV-2 trở thành những cuộc chạy đua không cân sức với việc nảy sinh quá nhanh chóng những biến thể mới ngày càng nguy hiểm, có tốc độ lấy lan nhanh. Từ khủng hoảng y tế, Covid – 19 đã tàn phá các cộng đồng và nền kinh tế trên toàn thế giới, làm thay đổi sâu sắc cách con người sinh sống và làm việc.

Từ khi Việt Nam ghi nhận ca nhiễm Covid – 19 đầu tiên vào ngày 24/12/2020, đến nay, đã trải qua 4 đợt bùng phát. Đối với 3 đợt đầu tiên, Việt Nam đã khống chế thành công, không để đại dịch lan rộng. Cho đến ngày 25/3/2021, chúng ta chỉ có 35 ca tử vong vì Covid – 19, được thế giới bình chọn là một trong những quốc gia ứng phó với đại dịch tốt nhất. Thành công của Việt Nam trong giai đoạn này xuất phát từ 2 nguyên nhân. Về khách quan, ở 3 đợt bùng phát đầu, chủng virus có xuất xứ từ Anh (Alpha) có tốc độ lây nhiễm chưa mạnh nên Việt Nam có đủ thời gian để quan sát diễn biến chống dịch trên thế giới, rút kinh nghiệm kịp thời; chiến lược ứng phó khoanh vùng, truy vết, cách ly tập trung toàn bộ F1, F2, tập trung toàn bộ nguồn lực Y tế cứu chữa F0 (bệnh viện tuyến cao nhất, với đội ngũ y bác sĩ xuất sắc nhất) kết hợp giãn cách xã hội phù hợp với bối cảnh và nguồn lực của Việt Nam thời điểm này. Về chủ quan, 2 nhân tố quan trọng mang tính quyết định chính là truyền thống văn hoá và tính ưu việt của thể chế chính trị của Việt Nam trong ứng phó với các tình huống khẩn cấp. Dịch Covid – 19 ập đến cũng giống như những lần đất nước đối mặt với nguy nan, cộng đồng dân tộc lập tức như được “kích hoạt” với truyền thống đoàn kết, ý chí đặc biệt. Trong bối cảnh đó, bệ đỡ văn hoá Việt Nam với truyền thống chống thiên đai địch hoạ từ thuở khai thiên lập địa, kết hợp với sự lãnh đạo, chỉ đạo nhất quán, đồng lòng từ chủ trương của Đảng, các chính sách của nhà nước, đã phát huy tối đa thế mạnh, biến những tinh hoa của dân tộc thành một sức mạnh tổng hợp: Toàn dân đoàn kết, tuân thủ triệt các khuyến cáo và chính sách cách ly, giãn cách của Chính phủ; tinh thần tương thân tương ái được phát huy. Việc Chính phủ Việt Nam đón những người con trên khắp thế giới về đất nước trong bối cảnh dịch dã hoành hành đã làm lay động tất cả trái tim, kết nối đồng bào mang dòng máu Việt. Không đắn đo, không kỳ thị, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đồng lòng nhường cơm sẻ áo, lá lành đùm lá rách, chung lưng đấu cật vượt qua thử thách. Câu chuyện về thành công của Việt Nam trong ứng phó với đại dịch ở giai đoạn đầu – một nước đang phát triển với những hạn chế về nguồn lực – đã trở thành chủ đề nghiên cứu của nhiều học giả trên thế giới, như một trường hợp điển hình cần được học hỏi, nhìn nhận đánh giá. Báo chí quốc tế đánh giá Việt Nam là một điểm sáng hiếm hoi trên thế giới về kiểm soát tốt dịch bệnh, duy trì được ổn định chính trị – xã hội, giữ nhịp tăng trưởng kinh tế tốt. Điều đó đã lập tức biến thành những phần thưởng hữu hình. Ở trong nước, niềm tin của người dân với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ được tăng lên. Trên trường quốc tế, uy tín và vị thế của Việt Nam được nâng cao. Theo Tổng cục Thống kê, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn đã chuyển hướng sang Việt Nam. Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đến 20/4/2021 đạt 12,25 tỷ đô la, trong đó FDI đạt 5,5 tỷ đô la, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2020 là một minh chứng sinh động.

Bắt đầu từ đợt bùng phát thứ 4 với biến thể Delta (từ ngày 27/4/2021 đến nay), cuộc chiến chống đại dịch Covid – 19 của Việt Nam đã bước sang một giai đoạn mới, khốc liệt hơn. Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến hết ngày 29/8/2021, đã có 430.939 ca dương tính, 10.749 ca tử vong. Đại dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp nhất là ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam. Vì sao từ một nước đang ở thế “làm chủ” với đại dịch, lại có khá nhiều thời gian quan sát và chuẩn bị từ những bài học từ ứng phó với Delta của các nước, một số địa phương trong nước vẫn rơi vào lúng túng, để bệnh dịch lan nhanh? Về khách quan, biến thể Delta có sức lây lan nhanh, mạnh hơn 40-60% so với Alpha; việc tiếp cận với vaccine vẫn khó khăn. Về chủ quan, Việt Nam lẽ ra cần phải có chiến lược ứng phó mới trước sự tấn công khốc liệt của biến thể Delta. Hệ quả là, đợt bùng phát dịch thứ 4 đã gây nên một cú sốc đối với nền kinh tế: 79,7 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 25,5%. Theo quan sát, đánh giá từ nhiều chuyên gia, những hệ luỵ từ kinh tế ẩn chứa nguy cơ gây ra bất ổn xã hội trong nước, làm giảm uy tín của quốc gia trên bình diện quốc tế. Đã xuất hiện hiện tượng vốn ngoại chảy ra khỏi quốc gia: tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/7/2021 đạt 16,72 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm trước(4).

Đứng trước những thách thức to lớn ấy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát đi thông điệp “chống dịch như chống giặc”. Hưởng ứng lời hiệu triệu, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch quốc hội đều khích lệ, động viên quân dân cả nước dồn sức và nguồn lực cho miền Nam chống dịch: Quân đội được huy động hỗ trợ hầu hết mọi hoạt động dân sự của Thành phố Hồ Chí Minh; hơn 16.000 chuyên gia, y bác sĩ từ miền Bắc cùng hàng tấn trang thiết bị y tế đã lên đường vào Nam, triển khai các kênh ngoại giao, tranh thủ mọi nguồn lực quốc tế về vaccine. Để sức mạnh tổng hợp ấy biến thành chiến thắng, cần thiết phải có những đánh giá toàn diện, kịp thời điều chỉnh chiến lược phù hợp với diễn biến mới.

Ứng phó và thoát khỏi đại dịch

Trước sự gia tăng nhanh chóng của những biến thể SARS-CoV-2 với tốc độ lây lan quá mạnh, thách thức khả năng kiểm soát của con người, nhiều quốc gia buộc phải chuyển mục tiêu từ “chống dịch” sang “sống chung với dịch”, xác định Covid – 19 là một dạng cúm mùa, đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng tạo miễn dịch cộng đồng. Việc Thái Lan, Singapore nới lỏng lệnh phong toả vào tháng 9/2021, đặc biệt là Thái Lan cân nhắc triển khai áp dụng “hộ chiếu vaccine” để mở cửa trở lại ngành du lịch, bắt đầu tại Phuket vào tháng 10/2021 cho thấy họ đã sẵn sàng bước vào một chiến lược mới.

Câu hỏi đặt ra là đã đến lúc Việt Nam thay đổi chiến lược chưa? Những tín hiệu khá tích cực về nguồn cung vaccine của Việt Nam cho thấy chúng ta có lý do để hy vọng, nếu các địa phương cùng thúc đẩy nhanh hơn nữa lộ trình “phủ” vaccine. Trước mắt, điều chỉnh nguồn lực y tế, truy vết ca nhiễm, áp dụng cách ly F0 linh hoạt, triển khai tiêm chủng thật nhanh vẫn là con đường thoát hiểm duy nhất trước khi chuyển hướng dần theo xu thế thế giới.

Song song với các nỗ lực của cộng đồng, hệ thống chính trị cần đặc biệt chú trọng bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh mới. Dịch bệnh kéo dài cùng với các biện pháp giãn cách xã hội đã ảnh hưởng lớn tới cuộc sống người dân, nhất là tại các thành phố lớn. Để tuân thủ mệnh lệnh “ai ở đâu ở yên đấy”, người dân rất cần nguồn lực để duy trì cuộc sống, khi mà nguồn thu nhập từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, buôn bán nhỏ lẻ không còn. Các gói hỗ trợ của Chính phủ cần phải đáp ứng yêu cầu của tình hình, “đúng” và “trúng” đối tượng. Cần nhanh chóng giảm thiểu những quy định, thủ tục, thậm chí loại bỏ để cho các gói hỗ trợ được thực hiện ngay. Các hoạt động nhân đạo thiện nguyện của cộng đồng cần được nhìn nhận như một nguồn lực bổ sung quan trọng cho an sinh xã hội, cần được khuyến khích, nhân rộng.

Vấn đề đảm bảo ổn định vĩ mô, giám sát nợ xấu và các cân đối lớn trong nền kinh tế là ưu tiên quan trọng được các chuyên gia kinh tế thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam khuyến nghị. Các Thông tư 01 (năm 2020) và Thông tư 03 (năm 2021) của Ngân hàng Nhà nước nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid – 19 là các biện pháp cần thiết nhưng chưa đủ. Các doanh nghiệp cần nhiều hơn nữa các biện pháp hỗ trợ thực chất, đủ nhanh và đủ mạnh để bù đắp phần nào ảnh hưởng rất tiêu cực từ cú sốc. Theo đó, ngoài giãn nộp thuế, Chính phủ cần nghiên cứu miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp. Ngoài ra, giảm lãi suất cho các khoản vay mới và vay cũ tại các địa phương đang phải thực hiện giãn cách xã hội là cần thiết vì các biện pháp này không chỉ hỗ trợ cho các doanh nghiệp mà cũng đồng thời hỗ trợ cho các ngân hàng. Nếu các doanh nghiệp không trả được nợ, hệ thống ngân hàng cũng chịu thiệt hại.

Về những vấn đề về chiến lược phát triển kinh tế và quản trị xã hội, thực tiễn cho thấy, đại dịch đã làm phát lộ nhiều khe hở và những điểm dễ bị tổn thương của nền kinh tế mà chỉ mới cách đây 2 năm, chúng ít được tính đến trong nhiều dự báo chiến lược. Nhìn nhận một cách tích cực, đại dịch Covid – 19 cũng mang tới những trải nghiệm, bài học xương máu để chúng ta khẩn trương “thiết kế” một nền tảng có sức chống chọi với các biến cố tương tự trong tương lai với một số nội dung như sau:

Thứ nhất, cần phải xây dựng một cơ cấu nền kinh tế cân đối hơn, không thể coi nhẹ vai trò trọng yếu của nông nghiệp xanh; một ngành du lịch không chỉ dựa vào một vài đối tác quốc tế và lữ hành thuần tuý; lộ trình số hoá cần phải được ưu tiên thúc đẩy, làm nền tảng cho mọi sự chuyển đổi.

Thứ hai, cần phải hoàn thiện một thiết chế xã hội linh hoạt hơn, đáp ứng những thay đổi nhanh chóng; hoàn chỉnh hệ thống an sinh xã hội; củng cố và nâng cấp hệ thống Y tế để sẵn sàng sống chung với dịch.

Thứ ba, nếu “chung sống với dịch” được coi là một chiến lược thì cũng đồng thời cần phải xây dựng một kế hoạch có tính thích ứng với nó. Có những hành vi, tập quán, lối sống nào cần phải được điều chỉnh để chuẩn bị cho một cộng đồng thích ứng với dịch bệnh; vấn đề giải trí trong bối cảnh “ai ở đâu ở đó”, “gia đình cách ly gia đình”… phải được tính đến để hạn chế những hệ lụy; trẻ em học trực tuyến như thế nào để vẫn có thể tiếp thu kiến thức trong khi hạn chế những mặt trái của sự thiếu tương tác xã hội và kiểm soát của nhà trường… Đó chính là sứ mệnh quan trọng đang đặt ra cho KHXH&NV trong việc ứng phó với những biến đổi, thách thức của xã hội trong và sau đại dịch…

TS. Nguyễn Thị Thu Hà

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

(1) Nita Madhav, Ben Oppenheim, Mark Gallivan, Prime Mulembakani, Edward Rubin, and Nathan Wolfe (2017), Pandemics: Risks, impacts, and mittigation, World Bank.(2) https://coronavirus.tghn.org/covid-social-science/.

(3) Bowmer, A., Lees, S., Marchant, M. (2020), Social sciences research for vaccine Diployment in epidemic outbreaks, Social sciences in humantarian action platform (SSHAP), issue 5, May 2020.

(4) Nguồn báo cáo của Viện Hàn lâm KHXHVN

 

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích