Khoa học và Công nghệ gắn với Đời sống Xã hội

Khoa học và Công nghệ gắn với Đời sống Xã hội

MTĐT –  Thứ tư, 27/10/2021 10:54 (GMT+7)

Trong thời gian qua, các nhà khoa học Việt Nam đã rất nỗ lực, chủ động thực hiện nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đưa kết quả nghiên cứu ứng dụng vào sản xuất và đời sống.

Đặc biệt, các nhà khoa học đã có nhiều nghiên cứu quan trọng về công tác phòng, chống dịch Covid-19, góp phần chung tay xây dựng các chủ trương phòng, chống dịch đúng hướng, phù hợp với xu hướng thế giới và điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

Bám sát tình hình dịch bệnh để triển khai

Ngay từ khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, các nhà khoa học Việt Nam đã bám sát tình hình dịch bệnh để nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, đề xuất với cơ quan quản lý nhà nước những giải pháp phù hợp, góp phần kiểm soát dịch bệnh.

Trong đó, ngành Khoa học và Công nghệ đã chứng minh được vai trò quan trọng trong tuyên đầu phòng, chống dịch Covid-19. Theo Tiến sĩ khoa học Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, nhiều kết quả nghiên cứu đã phục vụ cho công tác xét nghiệm, truy vết nhanh, hạn chế tối đa sự lây lan của dịch bệnh, giúp nâng cao hiệu quả việc phòng, chống dịch Covid-19.

Còn theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam, đã có rất nhiều các ứng dụng khoa học, kỹ thuật được áp dụng trong phòng, chống dịch, như: Nuôi cấy, giải trình tự gen, phát triển bộ test PCR, test nhanh phục vụ chẩn đoán; nghiên cứu sản xuất vắc xin, khẩu trang Nano, chất sát khuẩn; xây dựng phác đồ điều trị, chế tạo máy thở, thử nghiệm thuốc trên lâm sàng, Robot phục vụ điều trị… Mới đây nhất, các nhà khoa học trong nước đã làm chủ quy trình giải trình tự gen vi rút SARS-CoV-2 với độ chính xác cao, giúp xác định nhanh các biến thể gen vi rút, không cần đến hệ gen tham chiếu.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết, các nghiên cứu khoa học xã hội thời gian qua cũng được các nhà khoa học tích cực thực hiện. Nhiều nghiên cứu về khoa học xã hội đã được tổng hợp và cung cấp luận cứ phục vụ công tác chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của Chính phủ. Tiêu biểu là các nghiên cứu của Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam đã cung cấp luận cứ khoa học, đề xuất các kiến nghị triển khai “mục tiêu kép”; “sống chung với dịch”; kiến nghị về việc cần có giải pháp cứu trợ người nghèo, lao động tự do, lao động ở khu vực không chính thức trước tác động của dịch bệnh…

Từ thực tế triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ phòng, chống dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt khẳng định, nền khoa học và công nghệ của Việt Nam có đủ năng lực, tiềm lực để giải quyết các công việc của đất nước.

Tập trung 7 hướng nghiên cứu

Do dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến khó lường, nên trong thời gian tới, ngành Khoa học và Công nghệ Việt Nam sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ mục tiêu “chung sống với Covid-19”, cũng như xây dựng tiền lực khoa học và công nghệ của đất nước.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, để phòng, chống dịch Covid-19 tốt cần bám sát tình hình dịch tễ để triển khai; tăng cường các đề tài nghiên cứu khoa học và vai trò của các nhà khoa học trong phòng, chống dịch Covid-19; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phòng, chống dịch bệnh…

Còn theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, ngành Khoa học và Công nghệ sẽ tập trung 7 hướng nghiên cứu phòng, chống dịch Covid-19 giai đoạn mới. Đó là nghiên cứu sản xuất vắc xin và thuốc điều trị Covid-19; nghiên cứu hội chứng hậu Covid-19; hỗ trợ hoàn thiện công nghệ sản xuất máy thở ô xy dòng cao (HFNC), hệ thống làm giàu ô xy; nghiên cứu các phương pháp xét nghiệm mới phát hiện nCoV qua mẫu bệnh phẩm là nước bọt, hơi thở; nghiên cứu sản xuất kít định lượng và khả năng trung hòa của kháng thể kháng vi rút SARS- CoV-2; các nghiên cứu đánh giá tác động đến kinh tế và khuyến nghị các mô hình hoạt động giáo dục, y tế thích ứng trong giai đoạn mới; định hướng phát triển các công nghệ hỗ trợ.

Để làm chủ các công nghệ nền liên quan đến chế tạo vắc xin, ngành Khoa học và Công nghệ sẽ tập trung triển khai Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia: “Nghiên cứu sản xuất vắc xin sử dụng cho người đến năm 2030”. Chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 1/10/2021, tại Quyết định số 1657/QĐ-TTg, với mục tiêu làm chủ công nghệ sản xuất 15 loại vắc xin và sản xuất được tối thiểu 5 loại vắc xin, trong đó ưu tiên vắc xin phòng Covid-19, vắc xin ung thư, vắc xin phối hợp nhiều thành phần.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho rằng, việc huy động tiềm lực của xã hội và doanh nghiệp vào thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ đóng vai trò rất quan trọng Bên cạnh đó là việc cắt giảm thủ tục hành chính trong tổ chức các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhà khoa học, doanh nghiệp tham gia thực hiện những nhiệm vụ, chương trình do ngân sách nhà nước tài trợ. 

TP.HCM giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, TP.Thủ Đức và các quận, huyện nhằm tăng cường quản lý, giảm thiểu rác thải nhựa.

tm-img-alt
Giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa; không xả chất thải bừa bãi ra đường phố, cống thoát nước, kênh rạch và nơi công cộng… Ảnh minh hoạ: Nguồn: Internet

Theo đó, trong Kế hoạch tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa trên địa bàn TP.HCM, TP giao các sở, ban, ngành, UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện chủ động nghiên, cứu, xây dựng tài liệu, nội dung và tổ chức truyền thông, tuyền truyền, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức đến toàn thể nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức; tất cả doanh nghiệp, cơ sở, tố chức, cá nhân có hoạt động nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ… trên địa bàn TP.

Nội dung tuyên truyền gồm: tác hại của chất thải nhựa đối với môi trường và con người; lợi ích của các hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa; không xả chất thải bừa bãi ra đường phố, cống thoát nước, kênh rạch và nơi công cộng…

TP.HCM yêu cầu tổ chức truyền thông, tuyên truyền tại nơi tập trung đông người như hệ thống siêu thị, trung  tâm thương mại, chợ, sân bay, ga tàu, bệnh viện, cơ sở y tế, trường học, cơ sở giáo dục, cửa hàng, điểm du lịch, khách sạn, công viên…

Tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đến tất cả đối tượng. Các sở, ban, ngành, UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện trong năm và xây dựng kế hoạch cụ thể cho năm tiếp theo và định kỳ trước ngày 30/11 hằng năm gửi về Sở TN-MT để tổng hợp, báo cáo UBND TP.

Bên cạnh đó, nghiên cứu, áp dụng các giải pháp hạn chế hoặc không sử dụng bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm nhựa dùng một lần trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, giao thông, du lịch, sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng… trên địa bàn TP. Tiếp tục thực hiện các hoạt động, nội dung giảm thiểu túi ni lông, phong trào “Chống rác thải nhựa”, “Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần”…

Sở TN-MT là đơn vị đầu mối theo dõi, đôn đốc và tổng hợp kết quả triển khai kế hoạch này của các sở, ban, ngành, UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện. Sở cũng được giao xây dựng, lồng ghép các tài liệu, nội dung truyền thông về tác hại của chất thải nhựa đối với môi trường và con người, lợi ích của hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa vào các chương trình, kế hoạch, sự kiện truyền thông về bảo vệ môi trường hằng năm.

Nghiên cứu, phát triển hạ tầng, dịch vụ thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa trên địa bàn TP; nghiên cứu mô hình 3T (tiết giảm – tái sử dụng – tái chế).

TP.HCM giao Sở TN-MT rà soát, đánh giá hiện trạng sản xuất, kinh doanh và sử dụng bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm nhựa dùng một lần trên địa bàn TP, phối hợp với các cơ quan chức năng đề xuất giải pháp phù hợp, hiệu quả để tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm hiểu chất thải nhựa. Đồng thời tham mưu UBND TP đề xuất Bộ TN-MT hoặc chủ động đề xuất trực tiếp Bộ TN-MT về các quy định, cơ chế, chính sách có liên quan đến chất thải nhựa, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học, sản phẩm nhựa dùng một lần và sản phẩm tái chế, thân thiện môi trường khi có yêu cầu.
Việt Nam trở thành Điểm đến hàng đầu châu Á năm 2021

Tổ chức Du lịch thế giới (World Travel Awards) vừa công bố kết quả bình chọn Giải thưởng du lịch thế giới lần thứ 28 khu vực châu Á Thái Bình Dương, trong đó có rất nhiều hạng mục vinh danh du lịch Việt Nam, nổi bật nhất là danh hiệu Điểm đến hàng đầu châu Á 2021. Để đạt danh hiệu này, Việt Nam đã vượt qua nhiều ứng viên nặng ký, như: Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Sri Lanka, Thái Lan. Đây là cơ hội rất tốt để Việt Nam trở thành tâm điểm thu hút khách du lịch quốc tế, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát.

Ngoài ra, thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) cũng nhận giải thưởng Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á. Tổng cục Du lịch Việt Nam tiếp tục vượt qua các cơ quan quản lý du lịch Brunei, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Sri Lanka, Malaysia, Thái Lan và Singapore để nhận giải Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á năm 2021…

Tài liệu tham khảo:
    1. Thu Hằng “Đưa khoa học và đời sống”. Báo HNM 26/10/2021.
    2. Thanh Thuỷ “Tăng cường giải pháp quản lý, giảm thiểu rác thải nhựa”. Báo Thanh niên 26/10/2021.

            PGS.TS Nguyễn Đức Khiển
            Nguyên Giám đốc Sở KH-CNMT Hà Nội

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích