Khoa học và công nghệ – động lực quan trọng để phát triển lực lượng sản xuất

Nhằm phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, lấy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo làm động lực quan trọng để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại. Tăng tỷ trọng đóng góp của KH&CN trong việc nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo vệ môi trường, nhằm đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế – xã hội của tỉnh Bến Tre.

Cụ thể, giai đoạn 2021-2025, tỉnh Bến Tre ưu tiên nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ gắn với ứng dụng và đổi mới công nghệ sản xuất để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm trong các doanh nghiệp. Tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị đạt 25%. Giá trị sản phẩm công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt 35%. Giá trị sản phẩm và dịch vụ KH&CN trên thị trường tăng bình quân 22%/năm và chiếm tỷ trọng 8,5% GRDP.

Đầu tư phát triển tiềm lực KH&CN của tỉnh đạt trình độ trung bình chung của cả nước, nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu, làm chủ công nghệ tiên tiến, hiện đại để chuyển giao, ứng dụng có hiệu quả trong sản xuất và đời sống, tập trung một số lĩnh vực ưu tiên: nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, nuôi trồng và chế biến thủy sản, dược liệu,… Tỷ trọng đóng góp của KH&CN thông qua TFP khoảng 40% vào tăng trưởng kinh tế; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt 7%/năm.

 Ảnh minh họa.

Bảo hộ và phát triển quyền sở hữu trí tuệ trong và ngoài nước từ 20 đối tượng trở lên cho các sản phẩm, nhóm sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc thù, sản phẩm OCOP và sản phẩm làng nghề mang địa danh của địa phương. Hỗ trợ đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với giống cây trồng cho ít nhất 02 giống cây trồng mới. Thành lập Trung tâm Thương hiệu để quản lý và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm được chứng nhận Chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu hàng hóa và sản phẩm được chứng nhận OCOP.

Hình thành 02 cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN. Hỗ trợ 3 – 5 dự án khởi nghiệp ĐMST và doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST.

Hỗ trợ 30 lượt doanh nghiệp tham gia xây dựng, áp dụng và chứng nhận các Hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, chứng nhận sản phẩm hữu cơ, hệ thống truy suất nguồn gốc; 50 doanh nghiệp xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, thử nghiệm, giám định, kiểm định chứng nhận chất lượng sản phẩm, hàng hóa. 05 doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ KH&CN trong nghiên cứu, đổi mới, chuyển giao, ứng dụng công nghệ về các mô hình công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh, chuyển đổi số; 05 lượt doanh nghiệp tham gia Giải thưởng Chất lượng Quốc gia.

Giai đoạn đến năm 2030, tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị đạt 30%; Giá trị sản phẩm công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt 40%; Giá trị sản phẩm và dịch vụ KH&CN trên thị trường tăng bình quân 22%/năm và chiếm tỷ trọng 10% GRDP; Tỷ trọng đóng góp của KH&CN thông qua TFP khoảng 45% vào tăng trưởng kinh tế; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt 7,5%/năm; Số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu tăng trung bình 10%/ năm; Hỗ trợ tạo lập đối với sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc thù, có lợi thế, sản phẩm làng nghề và sản phẩm OCOP của tỉnh dưới hình thức chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho 20 sản phẩm và hỗ trợ khai thác, quản lý và phát triển cho từ 10 sản phẩm hàng hóa đã được bảo hộ; Hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với giống cây trồng cho ít nhất 03 giống cây trồng mới.

An Hạ

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích