Khoa học và công nghệ đóng góp tích cực cho sự phát triển đồng bộ các ngành, lĩnh vực
Nhiều kết quả đáng khích lệ
Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) vừa tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (ĐMST) năm 2023. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo Chính phủ; đại diện Lãnh đạo các cơ quan của Đảng, Quốc hội, các Bộ, ban, ngành Trung ương; Lãnh đạo UBND và Sở KH&CN một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện một số viện, trường, tổ chức và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực KH&CN; các phóng viên, biên tập viên cơ quan thông tấn, báo chí;…
Về phía Bộ KH&CN có Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt; các đồng chí Lãnh đạo Bộ và nguyên Lãnh đạo Bộ KH&CN cùng tập thể cán bộ chủ chốt của Bộ KH&CN.
Hội nghị là dịp để đánh giá các kết quả đã đạt được trong năm 2022, trao đổi, thảo luận giải pháp nhằm triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm về KHCN&ĐMST ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2023.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, năm 2022, được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương, sự đồng hành của doanh nghiệp và người dân, KHCN&ĐMST đã có nhiều kết quả đáng khích lệ, đóng góp vào thành công chung của cả nước.
Về tiếp tục xây dựng chủ trương của Đảng về KHCN&ĐMST, trong năm 2022, Bộ KH&CN đã phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương xây dựng các chủ trương về phát triển KHCN&ĐMST phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và đã được Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII thông qua vào ngày 17/11/2022 (Nghị quyết số 29-NQ/TW); Bộ KH&CN cũng phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng cơ bản hoàn thiện việc xây dựng Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Đã trình Bộ Chính trị, đang được xem xét thông qua).
Hiện nay, Bộ KH&CN đang tiếp tục phối hợp các cơ quan liên quan tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương khóa XI về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 06/8/2008 của Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Như vậy, các chủ trương của Đảng về phát triển KHCN&ĐMST tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện, bám sát theo các định hướng của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Hội nghị.
Về xây dựng pháp luật, năm 2022, Bộ KH&CN đã phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ VHTTDL chủ trì soạn thảo Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi) và đã được Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 6/2022. Đến năm 2025, Bộ KH&CN tiếp tục đăng ký sửa đổi, bổ sung thêm 4 luật là Luật KH&CN, Luật Năng lượng nguyên tử, Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa. Như vậy, đến năm 2025, 5 trong 8 luật của ngành KH&CN sẽ được sửa đổi, bổ sung, tạo hành lang pháp lý mới cho hoạt động KHCN&ĐMST cho cả giai đoạn tiếp theo.
Về các văn bản dưới luật, trong năm 2022, Bộ KH&CN phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan tập trung sửa đổi, bổ sung toàn bộ các Thông tư quản lý các nhiệm vụ KH&CN theo hướng đồng bộ, liên thông, cắt giảm các thủ tục hành chính và từng bước tin học hóa việc quản lý các nhiệm vụ KH&CN. Hiện nay, hệ thống các Thông tư này đã cơ bản được hoàn thành. Đồng thời, Bộ KH&CN cũng tập trung hoàn thiện các Thông tư ban hành định mức kinh tế – kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực KH&CN; phối hợp với Bộ Tài chính hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung các Thông tư liên quan đến việc trích lập và sử dụng quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.
Về các chính sách phát triển KHCN&ĐMST, Bộ KH&CN đã và đang hoàn thiện, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các chính sách phát triển thị trường KH&CN, chính sách thí điểm việc thương mại hóa các kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước, chính sách về thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030,…
Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành là bước cụ thể hoá các nội dung về KH,CN&ĐMST đề cập trong các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước và được nhấn mạnh trong Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030. Chiến lược hướng đến mục tiêu KH,CN&ĐMST được phát triển vững chắc, thực sự trở thành động lực tăng trưởng, góp phần quyết định đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.
Việc tái cơ cấu các chương trình KH&CN cấp quốc gia giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 được triển khai tập trung vào các hướng nghiên cứu cơ bản, công nghệ ưu tiên, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm trọng điểm, chủ lực trong các ngành, lĩnh vực. Bộ đã xây dựng cơ chế quản lý nhiệm vụ nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn và đơn giản hoá quy trình, thủ tục trong thực hiện nhiệm vụ KH&CN.
Các chính sách, pháp luật về KH,CN&ĐMST góp phần tăng cường xác lập, bảo hộ, thực thi, khai thác tài sản trí tuệ; đẩy mạnh nhập khẩu dây chuyền, thiết bị đã qua sử dụng; trích lập Quỹ phát triển KH&CN; thu hút, trọng dụng, sử dụng, phát triển đội ngũ tri thức; nâng cao hiệu quả hoạt động, tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH&CN công lập.
Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo toàn cầu ghi nhận Việt Nam xếp thứ 54, tăng 5 bậc so với năm 2021. Việt Nam hiện có 4 “kỳ lân” công nghệ (VNG, VNPAY, Momo, Sky Mavis), khẳng định vị thế trong “tam giác vàng” khởi nghiệp của Đông Nam Á, bên cạnh Singapore và Indonesia. Mô hình Techfest được lan tỏa và cộng hưởng trên cả nước, với hơn 10 Techfest vùng, địa phương được tổ chức trong năm 2022.
Đồng thời, ra mắt nhiều mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo cấp địa phương và cấp vùng cho thấy sự lớn mạnh của hệ sinh thái là kết quả nỗ lực sau 8 năm kể từ lần đầu tiên Việt Nam tổ chức Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Điều này thể hiện trên bảng xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), trong 12 năm liền, Việt Nam luôn có kết quả đổi mới sáng tạo cao hơn so với mức độ phát triển, cho thấy hiệu quả trong việc chuyển các nguồn lực đầu vào thành kết quả đầu ra đổi mới sáng tạo.
Bộ KH&CN đã chủ trì, phối hợp với WIPO và các cơ quan liên quan xây dựng, hoàn thiện Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII). Năm 2022 là năm đầu tiên Bộ KH&CN thực hiện và triển khai thí điểm với 20 địa phương, từ đó rút kinh nghiệm cũng như hoàn thiện phương pháp, cách thức triển khai, đánh giá tác động của bộ chỉ số với các địa phương. PII được kỳ vọng sẽ là công cụ hữu hiệu để mỗi tỉnh/thành phố xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu, các yếu tố tiềm năng và điều kiện cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội dựa trên KH,CN&ĐMST.
Quang cảnh Hội nghị.
Bộ KH&CN cùng các đối tác đã xây dựng bảng phân hạng năng lực công bố về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo của các cơ sở nghiên cứu và đào tạo tại Việt Nam. Khi có bảng xếp hạng riêng cho Việt Nam, cộng đồng học thuật, học sinh, sinh viên sẽ lựa chọn được nơi học tập, công tác; các cơ sở có tham chiếu, phân tích được điểm mạnh, yếu để làm tốt nghiên cứu, đào tạo.
Qua bảng xếp hạng này, cơ quan quản lý nhà nước cũng có thông tin để đánh giá, từ đó đầu tư và có kế hoạch giao nhiệm vụ phù hợp. Hoạt động này cũng góp phần hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030.
KH&CN đóng góp tích cực cho sự phát triển đồng bộ các ngành, lĩnh vực. Khoa học xã hội đã đóng góp tích cực và cung cấp luận cứ cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, cơ chế, chính sách và định hướng phát triển kinh tế – xã hội đất nước. Một số lĩnh vực khoa học tự nhiên đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới. Việc nghiên cứu, nâng cao năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư được quan tâm triển khai ở các bộ, ngành, địa phương; nhiều thành tựu KH&CN hiện đại được ứng dụng nhanh chóng và rộng rãi trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp, công nghiệp, thông tin,…; hoạt động xúc tiến hỗ trợ tìm kiếm, trao đổi, chuyển giao công nghệ được đẩy mạnh.
Triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm 2023
Năm 2023, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục hoàn thiện và đổi mới cơ chế, chính sách liên quan đến khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030; sắp xếp hệ thống tổ chức khoa học và công nghệ công lập theo Quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ.
Nghiên cứu, đề xuất cơ chế thí điểm phát triển loại hình doanh nghiệp khoa học và công nghệ, các viện nghiên cứu, trường đại học theo mô hình doanh nghiệp khởi nguồn (spin-off); thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu, phát triển tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ; tăng cường hợp tác với các đối tác chiến lược, quốc gia tiên tiến về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; bảo hộ, thực thi phát triển và khai thác tài sản trí tuệ; phát triển và ứng dụng năng lượng nguyên tử, bảo đảm an toàn bức xạ và hạt nhân; đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số gắn với cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Phong Lâm