“Khoa học kỹ thuật ngày càng tiến bộ, nếu không đổi mới sẽ tụt hậu”

Thời gian qua, các phong trào thi đua mang dấu ấn của tổ chức Công đoàn đang được triển khai sâu rộng và cho thấy hiệu quả rõ rệt. Với nhiều người lao động, các phong trào thi đua do Công đoàn huyện Đan Phượng (Hà Nội) phát động đã trở thành nguồn động lực để họ phấn đấu trong công việc, hăng say lao động sản xuất, tích cực tìm tòi, đổi mới, sáng tạo, đưa ra nhiều sáng kiến cải tiến có giá trị làm lợi cho cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Nhiều năm nay, anh Nguyễn Sơn Tùng được Ban lãnh đạo Công ty Cổ phần ứng dụng công nghệ & CNC Việt Nam (huyện Đan Phượng) giao trọng trách làm Trưởng nhóm thiết kế. Công việc chính của anh là tham gia nghiên cứu, chế tạo các thiết bị nhằm cải tiến, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống máy móc, tăng năng suất lao động, giảm sức người trong sản xuất của doanh nghiệp.

Từ kinh nghiệm thực tiễn đúc rút ra nhiều sáng kiến sáng tạo, đáp ứng nhu cầu đổi mới, phát triển sản xuất kinh doanh của Công ty. Nhiều sáng kiến sáng tạo anh Tùng và cộng sự đưa ra được áp dụng vào sản xuất, đem lại hiệu quả tăng năng suất lao động, giảm chi phí, bảo vệ môi trường, đã làm lợi cho Công ty hàng trăm triệu đồng.

“Khoa học kỹ thuật ngày càng tiến bộ, nếu không đổi mới sẽ tụt hậu”
Anh Nguyễn Sơn Tùng – Trưởng nhóm thiết kế Công ty cổ phần ứng dụng công nghệ & CNC Việt Nam.

Trong suốt quá trình làm việc, anh Tùng không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức. Từ kinh nghiệm thực tiễn; tự đặt cho mình mục tiêu đưa ra các giải pháp công nghệ tối ưu nhất trong sản xuất, để đáp ứng yêu cầu về chất lượng sản phẩm ngày càng cao của khách hàng… Gần đây nhất, anh Tùng cùng các cộng sự của mình đã có nghiên cứu thiết kế, chế tạo “đồ gá cho các trạm hàn robot tự động ứng dụng trong ngành ô tô, xe máy”, mang lại giá trị làm lợi lớn cho Công ty.

Anh Tùng cho biết, nghiên cứu này cung cấp giải pháp sản xuất hàng loạt với tính tự động hóa cao, tính ổn định cao, tăng năng suất và đảm bảo an toàn lao động. Đảm bảo tính đồng nhất chi tiết được gia công. Nhờ đồ gá mà loạt chi tiết được gia công đồng nhất về chất lượng chế tạo. Bất kỳ chi tiết nào trong loạt gia công cũng phù hợp với yêu cầu lắp ráp và tất cả các chi tiết đều có thể thay thế cho nhau.

Cùng với đó, nghiên cứu trên đã giảm thiểu chi phí cho việc kiểm tra chất lượng thành phẩm, giảm phế phẩm khi gia công. Giảm thiểu chi phí gia công tổng thể bằng cách tự động hóa hoàn toàn hoặc một phần quy trình. Giúp nâng cao năng suất lao động và tiết kiệm chi phí. Nhờ đó, Công ty không chỉ giảm được chi phí nhân công, mà còn giảm được các chi phí nguyên vật liệu, chi phí sản xuất liên quan đến việc sửa lỗi sản phẩm hoặc sản xuất bù.

Chia sẻ về kết quả đã đạt được, anh Tùng tự hào cho biết, làm việc tại Công ty cổ phần ứng dụng công nghệ & CNC Việt Nam, anh đã được đơn vị tạo điều kiện tốt nhất để phát triển năng lực chuyên môn, cũng như sức sáng tạo của bản thân thông qua nhiều hoạt động, phong trào thi đua. Điển hình như Phong trào “Sáng kiến, sáng tạo trong CNVCLĐ Thủ đô, “Công nhân giỏi”…

“Đặc biệt, tại Công ty, tôi luôn nhận được sự hỗ trợ, chỉ bảo nhiệt tình từ các anh, chị đồng nghiệp. Nhờ đó, việc được thỏa sức sáng tạo với những sáng kiến được ứng dụng hiệu quả vào quá trình sản xuất, mang lại lợi ích thiết thực cho công ty đã giúp tôi cảm thấy yêu nghề, tự tin hơn về giá trị của bản thân”, anh Tùng chia sẻ.

“Khoa học kỹ thuật ngày càng tiến bộ, nếu không đổi mới sẽ tụt hậu”
Sáng kiến sáng tạo nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống máy móc, tăng năng suất lao động, giảm sức người trong sản xuất của doanh nghiệp.

Theo chia sẻ của anh Nguyễn Sơn Tùng, muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ thì dù ở vị trí công việc nào, mỗi người lao động đều cần siêng năng, chăm chỉ, trách nhiệm, làm việc với tinh thần, thái độ tích cực. “Trong vai trò làm Trưởng nhóm thiết kế, tôi luôn gương mẫu chấp hành nghiêm nội quy, kỷ luật lao động của doanh nghiệp và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hằng ngày, tích cực nghiên cứu sáng kiến, cải tiến, rút kinh nghiệm… vì khoa học kỹ thuật ngày càng tiến bộ, đổi mới, đặt ra yêu cầu ngày càng cao hơn mà nếu không cố gắng học hỏi sẽ tụt hậu”, anh Tùng cho biết.

Không chỉ vững chuyên môn, giỏi tay nghề, mà trong suốt thời gian công tác, anh Nguyễn Sơn Tùng còn là một đoàn viên Công đoàn năng nổ, giàu nhiệt huyết, luôn hăng hái tham gia các phong trào của Công đoàn cơ sở và Công đoàn cấp trên phát động. Có thể kể đến các phong trào: “Lao động giỏi – Lao động sáng tạo”, “Sáng kiến sáng tạo”; thi đua xây dựng đơn vị, doanh nghiệp “Xanh – Sạch – đẹp”, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ…

Anh Nguyễn Sơn Tùng cũng là một trong những đại diện tiêu biểu của LĐLĐ huyện Đan Phượng tham gia Hội thi thợ giỏi thành phố Hà Nội năm 2023 và trong nhiều năm liền được Công ty, LĐLĐ huyện biểu dương là “Công nhân giỏi”, có nhiều sáng kiến sáng tạo.

Đặc biệt, năm 2024, anh Nguyễn Sơn Tùng vinh dự là 1 trong 100 công nhân lao động tiêu biểu của thành phố Hà Nội được tặng Bằng Công nhận danh hiệu “Sáng kiến, sáng tạo trong CNVCLĐ Thủ đô” vì đã có sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, giải pháp công nghệ hữu ích có giá trị, làm tăng năng suất lao động, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô.

“Khoa học kỹ thuật ngày càng tiến bộ, nếu không đổi mới sẽ tụt hậu”
Anh Nguyễn Sơn Tùng (đứng thứ 3, ngoài cùng bên phải) vinh dự là một trong 100 công nhân lao động tiêu biểu được tặng Bằng công nhận danh hiệu sáng kiến – sáng tạo trong CNVCLĐ Thủ đô năm 2024.

Theo bà Nguyễn Thị Thủy – Chủ tịch LĐLĐ huyện Đan Phượng, phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, các cấp Công đoàn huyện sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phong trào thi đua lao động giỏi, phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô” đạt kết quả cao hơn.

Cụ thể, các cấp Công đoàn sẽ tiếp tục phát động sâu rộng phong trào thi đua lao động giỏi, phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô”; tổ chức các Hội thi thợ giỏi nhằm nâng cao tay nghề, năng suất lao động; gắn phong trào thi đua yêu nước với việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động.

Đồng thời, các cấp Công đoàn huyện Đan Phượng tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng theo hướng thiết thực, hiệu quả; xây dựng tiêu chí, nội dung, cách thức thi đua khen thưởng phù hợp với các loại hình doanh nghiệp; coi trọng công tác khen thưởng đột xuất, tập trung vào những sáng kiến giải quyết khó khăn trong sản xuất kinh doanh, trong chăm lo, giải quyết việc làm cho người lao động, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động.

Minh Phương

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích