Khó khăn bủa vây doanh nghiệp khi trở lại hoạt động trong tình cảnh còn dịch

Trước thông tin lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh khẳng định sẽ bắt đầu từng bước mở lại kinh tế sau khi mãn lệnh giãn cách 15/9, các doanh nghiệp đang rục rịch cho việc trở lại sản xuất. Sau hơn 3 tháng giãn cách xã hội, nhiều doanh nghiệp đã phải tạm ngừng sản xuất hoặc cố gắng thực hiện “3 tại chỗ”.

Doanh nghiệp mong đợi mở cửa lại kinh tế – Ảnh: Chí Nhân 

Trải qua thời kỳ dài khó khăn, doanh nghiệp hầu hết đều gặp phải những vấn đề chung như thiếu vốn, thiếu lao động, mất khách hàng,…

Theo kết quả một cuộc khảo sát trực tuyến do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cùng với VNExpress tiến hành mới đây, các doanh nghiệp tự đánh giá chỉ có thể cầm cự được 1-3 tháng nữa do cạn dòng tiền. Khó khăn lớn nhất là việc trả lương cho lao động, tiếp đó là trả lãi vay ngân hàng. Áp lực lớn khiến nhiều doanh nghiệp phải giảm chi phí hoạt động để duy trì kinh doanh.

Kế hoạch phục hồi của doanh nghiệp còn phụ thuộc lớn vào người lao động. Không ít doanh nghiệp vẫn chưa thể hoàn thành tiêm vaccine mũi 1 cho công nhân. Điều này gây khó khăn cho người lao động trở lại làm việc.

Thời điểm dịch bệnh, nhiều lao động đã trở về quê, vì vậy doanh nghiệp muốn tái sản xuất thì cần tuyển thêm lao động mới. Quá trình sàng lọc, đảm bảo an toàn y tế cho lao động cũng cần thời gian, kéo dài thời điểm doanh nghiệp có thể trở lại hoạt động bình thường.

Khó khăn bủa vây khiến nhiều doanh nghiệp hoang mang và có mong muốn được hỗ trợ để tái sản xuất

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Trường đại học Fulbright, đánh giá cần thống kê, khảo sát tình hình thực tế của các ngành nghề để đưa ra những giải pháp hỗ trợ phù hợp như thuế ưu đãi phục hồi, lãi suất ưu đãi, các chi phí tái thiết lập thị trường lao động và chuỗi cung ứng.

Thời gian qua, Chính phủ đã và đang xây dựng các gói chính sách tài khóa, tiền tệ,… để hỗ trợ doanh nghiệp, tuy nhiên quy mô và ảnh hưởng vẫn còn hạn chế. Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận các gói hỗ trợ. Vì vậy, cần có sự thay đổi tư duy làm chính sách, tối giản những điều kiện, thủ tục để mở rộng đối tượng tiếp cận.

Bà Lý Kim Chi – Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM nhận xét thành phố đang có những tín hiệu rất tốt trong việc phòng, chống dịch và công tác mở cửa trở lại, điển hình là 2 chợ đầu mối (Hóc Môn và Bình Điền). Tuy nhiên, thành phố cần có lộ trình dành cho doanh nghiệp và kế hoạch chi tiết về việc mở cửa sản xuất như thế nào, thời gian và ngày giờ cụ thể để lên kế hoạch chuẩn bị chu đáo, chứ không thể ứng biến nữa.

Bên cạnh đó, bà Lý Kim Chi cũng đề xuất cần đưa ra nhiều gói hỗ trợ mới về tài chính trong giai đoạn các doanh nghiệp chuẩn bị vào mùa sản xuất phục vụ thị trường dịp Noel. Nếu có thể thì giao quyền tự chủ cho các doanh nghiệp để chủ động trong việc phòng, chống dịch, không phải chạy theo các văn bản của thành phố như trước đây.

Ông Nguyễn Chánh Phương – Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (Hawa) cho biết thêm, có 6 yếu tố ảnh hưởng đến việc phục hồi của các doanh nghiệp ngành gỗ, gồm: nguồn nhân lực, chuỗi cung ứng, thị trường, vận hành an toàn, di chuyển và tài chính. Trong 6 yếu tố này, doanh nghiệp chỉ có thể bảo đảm việc vận hành an toàn dù việc này rất khó. Năm yếu tố còn lại đều phụ thuộc vào bên ngoài đặc biệt là vấn đề tài chính.

Đề xuất của chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, hiện nay, ngân hàng cần có trách nhiệm giúp đỡ doanh nghiệp một số mặt như giảm lãi suất, giảm lệ phí, cơ cấu lại nợ, giãn nợ… Tuy nhiên biện pháp này chỉ giúp được những doanh nghiệp đã vay ngân hàng, còn các doanh nghiệp khác đang cầm cự hoạt động thì rất khó.

Ông Hiếu cho rằng cần phải có biện pháp mạnh hơn nữa: “Các ngân hàng cần tham gia vào một tổ hợp tín dụng cho cả nước, hỗ trợ các doanh nghiệp đang bị tác động bởi dịch bệnh và cho vay vốn với lãi suất rất thấp từ 3-5%. Và cho vay với hình thức tín chấp chứ không đòi hỏi tài sản đảm bảo”.

Phương Dung (t/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích