Khí thải từ các tàu du lịch lớn có thể gây ô nhiễm nghiêm trọng cho môi trường và sức khỏe

Chi phí du lịch trên biển đang ngày càng giảm so với cách đây 10 năm, một phần nhờ việc hưởng lợi từ các thiên đường thuế và tuyển dụng hàng ngàn nhân công từ những nước đang phát triển. Quy mô của các tàu và cảng du lịch càng lớn thì lợi thế kinh tế thu về được càng nhiều. Việc tập trung xây dựng các siêu tàu, giảm số lượng tàu thuyền nhỏ cũng gián tiếp góp phần giúp du lịch xanh hơn.

Theo dữ liệu được Hiệp hội Quốc tế các hãng tàu du lịch (CLIA) cung cấp, năm 1980 chỉ có khoảng 1,4 triệu hành khách đi du lịch biển. Năm 2024, CLIA dự kiến đón 36 triệu hành khách và số lượng tàu viễn dương sẽ vượt qua 300. Nhiều chuyến du lịch trên biển giờ đây không hề đắt đỏ, thậm chí đôi khi là món hời trong bối cảnh các nhà khai thác tìm mọi cách thu hút hành khách quay trở lại sau đại dịch Covid-19.

Ngay cả trong thời kỳ suy thoái, một số bên đánh vào thị trường đại chúng vẫn cố gắng giữ giá vé đủ thấp để lấp đầy các chuyến tàu. Khi hành khách đã lên tàu, hơn 1/3 doanh thu có thể đến từ các khoản chi tiêu như đồ uống, trị liệu spa, nhà hàng và casino.

Bên cạnh lợi ích kinh tế, các siêu tàu du lịch biển cũng đem lại các tác động tới môi trường những nơi đi qua, chẳng hạn như cư dân của Southampton, Anh, tỏ ra lo ngại về các nguy cơ sức khỏe, bao gồm cả bệnh hen suyễn và đau ngực, liên quan đến ô nhiễm không khí do siêu tàu biển du lịch gây ra.

Với sức chứa hàng ngàn hành khách, các siêu tàu thải khói nghiêm trọng đến mức người dân địa phương có thể ngửi, nhìn thấy, thậm chí nếm chúng trong không khí. Những người sống gần bến tàu cho rằng, khói từ các tàu du lịch và tàu chở hàng góp phần đáng kể vào việc khiến chất lượng không khí khu vực xấu đi. Người dân cũng cho rằng, giao thông đường bộ do hành khách và hàng hóa di chuyển đến và đi từ tàu tạo ra là một nguyên nhân khác gây ra chất lượng không khí kém.

 Khí thải từ những con tàu lớn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, sức khỏe con người. Ảnh inh họa

Theo CLIA, các công ty đã đầu tư đáng kể trong thập niên qua để phát triển các công nghệ mới giúp giảm lượng khí thải. Nhưng các nhà phân tích ô nhiễm biển ở Đức và Brussels cho rằng, một con tàu lớn như vậy có thể đốt ít nhất 150 tấn nhiên liệu/ngày và thải ra nhiều lưu huỳnh hơn vài triệu ô tô, nhiều khí NO2 hơn tất cả phương tiện giao thông đi qua một thị trấn cỡ trung bình và lượng khí thải dạng hạt nhiều hơn hàng ngàn xe buýt ở London.

Theo nhà phân tích ô nhiễm độc lập hàng đầu của Đức Axel Friedrich, một tàu du lịch lớn sẽ thải ra hơn 5 tấn khí thải NOX và 450kg hạt siêu mịn/ngày. Bill Hemmings, chuyên gia hàng hải tại nhóm Giao thông vận tải và môi trường có trụ sở tại Brussels, cho biết: “Những con tàu này đốt nhiên liệu bằng cả thị trấn. Chúng sử dụng nhiều năng lượng hơn tàu container và ngay cả khi chúng đốt nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh thấp, nó còn tệ hơn 100 lần so với dầu diesel trên đường”.

Các chuyên gia về môi trường của Mỹ cho rằng, các phương tiện tàu biển là nguồn gây ô nhiễm rất lớn đối với môi trường, đặc biệt tại các thành phố cảng và ven biển do chúng sử dụng nhiên liệu nhựa đường kém chất lượng, có lượng khí thải như nitơ oxit (NO), dioxit lưu huỳnh (SO2) rất cao. Bên cạnh đó, những chất thải này cũng tạo ra những cơn mưa axit và những hạt bồ hóng nhỏ li ti trong không khí. Cơ quan BVMT Mỹ (EPA) đã công bố những thông tin trên, nhằm ngăn chặn khoảng 8.300 trường hợp tử vong mỗi năm ở Mỹ và Canada do hít phải khói và các khí thải độc hại từ tàu biển.

Theo số liệu thống kê của Chính phủ Mỹ, các tàu biển là thủ phạm gây ra 2/3 lượng khí thải SO2 trong ngành giao thông vận tải năm 2002 và việc thiếu các biện pháp kiểm soát sẽ khiến tỷ lệ này có thể lên tới 98% vào năm 2020. Bên cạnh đó, Chính phủ Mỹ và Canada cũng đặt ra những tiêu chuẩn mới về khí thải đối với các tàu biển cỡ lớn, theo đó từ năm 2015, các tàu biển mới sẽ phải giảm 96% lượng SO2 so với hiện nay. Tương tự, các tàu biển được đóng sau năm 2016 sẽ phải cắt giảm 80% lượng khí thải NO. Khí thải từ động cơ của các tàu cá và tàu hàng là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường biển       

Theo Báo cáo đánh giá tác động của khí thải tàu biển đối với sức khỏe của Liên minh châu Âu (EU), lượng khói thải độc hại từ các loại tàu biển đang giết chết khoảng 39.000 người mỗi năm ở châu Âu, trong đó Anh chịu thiệt hại nặng nề nhất. 

Hiện Việt Nam có trên 1.700 tàu vận tải, cùng với số lượng tàu cá khoảng gần 130 nghìn tàu, tương ứng với lượng nhiên liệu xăng dầu tiêu thụ khoảng gần 4 triệu tấn/năm. Có thể nói, đây chính là nguồn gây ra ô nhiễm cho vùng biển, ven biển và nhiều nơi, tác động nghiêm trọng đến hệ sinh thái biển, hủy hoại các nguồn tài nguyên biển, gây nguy hiểm cho sức khỏe con người.     

Nhằm kiểm soát tốt khí thải từ tàu trong hoạt động hàng hải ở mức độ cho phép, theo Viện Khoa học Biển và Hải đảo, đối với tàu vận tải, Việt Nam cần có các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, quy định, quy chuẩn nhà nước cho các tàu cá và tàu vận tải về giảm thiểu phát thải khí thải – đặc biệt khí thải nhà kính, về khoa học công nghệ tàu biển, máy tàu, lò thu gom khí thải.     

Việt Nam cần sớm xem xét tham gia đầy đủ phụ lục VI – “Các quy định về ngăn ngừa ô nhiễm không khí do tàu gây ra” của Công ước MARPOL 73/78 IMO.     

Đồng thời, xây dựng các bộ chỉ số theo chuẩn mực IMO về thiết kế hiệu quả năng lượng (EEDI) là một chỉ số có thể thẩm định nhờ tính toán các thông số thiết kế tàu. Chỉ số này là một phương tiện giúp các chủ tàu so sánh hiệu quả các bản thiết kế cùng một loại tàu có kích cỡ như nhau của nhiều xưởng đóng tàu khác nhau.     

Ngoài ra, cần tổ chức đào tạo nhân lực, nâng cao nhận thức về giảm thiểu khí thải từ tàu biển và BĐKH cho các đối tượng liên quan đến hàng hải, thủy sản và kinh tế biển; Đổi mới công nghệ đóng tàu biển theo tiêu chuẩn hàng hải xanh, giảm phát thải động cơ – máy tàu, lò đốt rác; Ban hành chính sách đánh thuế, thu phí khí thải tàu biển; Hợp tác và trao đổi kinh nghiệm với các tổ chức môi trường-hàng hải quốc tế trong lĩnh vực khí thải biển; Nghiên cứu, xây dựng, thiết lập một số vùng “kiểm soát khí thải” hay “đặc biệt” tàu biển tại các khu vực hải cảng gần khu biển có giá trị đặc biệt về môi trường sinh thái trên vùng biển Việt Nam. Theo đó, tất cả những tàu biển cỡ lớn có lượng khí thải ô nhiễm vượt quá tiêu chuẩn cho phép sẽ hạn chế không được cập cảng, hoặc theo chế độ hoa tiêu đặc biệt. “Vùng kiểm soát khí thải” này có thể thiết lập tại 2 khu vực ven biển Quảng Ninh – Hải Phòng và Vũng Tàu – TP. Hồ Chí Minh. 

An Dương (T/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích