Khi phim truyền hình Việt lên ngôi
Tỷ lệ xem phim truyền hình cao
Từ ngày Hà Nội bước vào đợt dịch bùng phát lần thứ 4, bà Trần Thị Thuận (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chỉ quanh quẩn trong nhà làm bạn với chiếc tivi. Tối nào gia đình bà cũng luôn háo hức chờ đến 21h00 để được xem phim “Hương vị tình thân” trên kênh VTV1. Bà Thuận chia sẻ: “Cùng nhau xem phim đã trở thành thói quen của cả nhà tôi trong suốt mấy tháng nay. Trước đây, chỉ có tôi là thỉnh thoảng xem phim truyền hình vì con cháu còn bận việc và có nhiều thú vui bên ngoài. Nhưng giờ đây, cả nhà từ già trẻ lớn bé cứ đến tối lại cùng nhau xem phim với sự hào hứng. Dù bộ phim được phát sóng cả tuần (từ thứ hai đến thứ sáu), nhưng nhà tôi luôn cảm thấy chưa đủ vì mỗi tập phát sóng diễn ra quá chóng vánh”.
Một cảnh trong phim “Hương vị tình thân”. |
Những ý kiến trên của khán giả phần nào đã cho thấy tình cảm và sự yêu mến của mọi người dành cho phim truyền hình hiện nay. Có lẽ chưa khi nào khán giả lại ủng hộ phim truyền hình nhiều như bây giờ. Khi các hoạt động giải trí tạm dừng vì Covid-19, việc thưởng thức một bộ phim truyền hình để giải trí tại nhà đang là lựa chọn của đa số khán giả.
Theo Nghiên cứu thói quen sử dụng truyền thông và tiêu dùng sản phẩm của Kantar Media Vietnam – đơn vị đo lường truyền thông tại 4 thành phố lớn (Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, thành phố Hồ Chí Minh), trong thời gian giãn cách xã hội lần thứ 4 đến nay, top các chương trình có lượng xem cao nhất thuộc về phim truyền hình như “Hướng dương ngược nắng”, “Mùa hoa tìm lại”, “Hãy nói lời yêu”, “Hương vị tình thân”, “11 tháng 5 ngày”. Điều đó chứng tỏ hiện nay, phim truyền hình Việt đã trở thành món ăn tinh thần của đại đa số người dân, qua đó làm nên những kỷ lục bất ngờ.
Bên cạnh đó, những bộ phim này chiếm được cảm tình của khán giả nhờ bám sát những vấn đề về cuộc sống thường ngày, mối quan hệ trong gia đình, xã hội, với câu chuyện nhẹ nhàng nhưng sâu sắc. Đội ngũ biên kịch đã rất khéo trong việc khai thác triệt để những tình huống éo le, những câu chuyện về góc khuất xã hội, phát triển chúng một cách hài hoà với mạch phim để tạo thành điểm nhấn cho chính những tập phim của mình. Mặt khác, diễn xuất của dàn diễn viên trẻ nhiệt huyết kết hợp cùng những nghệ sĩ gạo cội cũng là điểm hấp dẫn của các bộ phim. Hồng Diễm, Hồng Đăng, Mạnh Trường, Thu Quỳnh, Phương Oanh, Thanh Hương, Duy Hưng… đang ngày càng khẳng định mình trong lòng khán giả. Sự trở lại của Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Như Quỳnh, NSND Trung Hiếu, NSND Thu Hà, Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Võ Hoài Nam, NSƯT Nguyệt Hằng… giúp cho những cảnh quay thêm tinh tế, chuyên nghiệp. Điều này cho thấy được sự đầu tư dài hơi, bắt kịp xu hướng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khán giả.
Thách thức không nhỏ
Dưới áp lực chạy sóng trong những ngày giãn cách xã hội là một thách thức không nhỏ đối với những người làm phim truyền hình. Ví như, “Ngày mai bình yên” là dự án phim được chuẩn bị gấp rút, vừa mang tính thông tin tuyên truyền vừa là món ăn tinh thần giải trí cho khán giả vào thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến căng thẳng và phức tạp vừa qua. Đoàn làm phim đã phải vừ căng mình để cho kịp với tiến độ phát sóng, vừa phải đảm bảo và tuân thủ nghiêm ngặt quy định 5K ở trường quay.
Để có những tập phim lên sóng phục vụ khán giả theo kế hoạch, các đoàn làm phim của Trung tâm Sản xuất phim truyền hình, Đài Truyền hình Việt Nam triển khai giải pháp tác nghiệp thích ứng với dịch bệnh như lựa chọn bối cảnh xa trung tâm, có không gian rộng, thu nhỏ quy mô sản xuất và đảm bảo an toàn phòng dịch. Theo đạo diễn phim “Hương vị tình thân” Nguyễn Danh Dũng, êkíp được nhà đài cấp giấy phép quay phim lẫn giấy thông hành. Thông thường đoàn phim có khoảng 70-80 người, hiện rút xuống còn khoảng một nửa. Mọi người tuân thủ quy định 5K khi làm việc. Anh cũng phải đứng từ xa chỉ đạo, dùng loa điều phối công việc. Ê-kíp gặp khó trong việc mượn bối cảnh, đặc biệt là ở ngoài trời, thường phải chọn những xa khu dân cư hoặc thay bằng cảnh trong nhà.
Ðể đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong thời điểm quay phim khi Thành phố thực hiện giãn cách vừa qua, diễn viên Thu Quỳnh của “Hương vị tình thân” là một trong những thành viên ê-kíp tự giác cách ly gia đình thời gian này để quay phim chạy sóng. Còn diễn viên Phương Oanh cho biết, trung bình khoảng ba ngày, cô phải xét nghiệm một lần. Những lần đầu lấy mẫu, cô hơi sợ, có cảm giác khó chịu, buồn nôn nhưng dần quen. “Trong bối cảnh hiện tại, xét nghiệm là biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn cho tôi và các thành viên trong ê-kíp. Hơn nữa, chúng tôi cũng an tâm hơn khi làm việc”, cô nói.
Khẩu trang, nước rửa tay trở thành vật bất ly thân của Phương Oanh trên phim trường. Thậm chí, cô sắm máy sát khuẩn mini mang theo sử dụng. Sau khi đạo diễn hô cắt, cô và bạn diễn lập tức súc họng, đeo khẩu trang và rửa tay. Khi tập luyện, bàn kịch bản, các thành viên vẫn giữ khoảng cách nhưng nói to để hiểu ý nhau. Diễn viên có xe riêng, mỗi lúc không có cảnh quay, cô lên xe ngồi học kịch bản.
Có lẽ, qua mỗi đợt dịch bùng phát ở trong nước, các diễn viên và ê-kíp sản xuất phim lại có thêm kinh nghiệm triển khai các giải pháp làm việc hiệu quả, sáng tạo, an toàn để cho ra đời những bộ phim phục vụ khán giả trong bối cảnh hiện nay./.
Nguồn: Báo lao động thủ đô