Khi nhiệt độ tăng, thực vật cũng có thể góp phần vào ô nhiễm không khí
Khi nhiệt độ tăng, thực vật cũng có thể góp phần vào ô nhiễm không khí
Các nhà nghiên cứu ở Đại học Bang Michigan phát hiện, trong bối cảnh hành tinh ấm lên, những loài thực vật sẽ thải ra nhiều hơn isoprene – một hợp chất khiến tình trạng ô nhiễm không khí xấu đi, góp phần vào vấn đề bụi mịn và tầng ozone.
Các nhà nghiên cứu ở Đại học Bang Michigan phát hiện, trong bối cảnh hành tinh ấm lên, những loài thực vật như cây sồi và cây dương sẽ thải ra nhiều hơn isoprene – một hợp chất khiến tình trạng ô nhiễm không khí xấu đi, góp phần vào vấn đề bụi mịn và tầng ozone.
Trở ngại ở đây là chính isoprene cũng có thể cải thiện chất lượng không khí, đồng thời khiến thực vật chống chịu tốt hơn với những tác nhân gây căng thẳng như sâu bọ và nhiệt độ cao.
Isoprene từ thực vật là hydrocarbon được thải ra nhiều thứ hai trên Trái đất, chỉ sau phát thải khí mê-tan từ hoạt động của con người. Hợp chất này tương tác với các hợp chất oxit nitơ trong không khí ô nhiễm do các nhà máy nhiệt điện than và động cơ đốt trong của xe cộ tạo ra. Phản ứng giữa chúng tạo ra ozon, sol khí và các sản phẩm phụ khác không tốt cho sức khỏe của cả con người và thực vật.
Trước đây, các nhà khoa học đã biết một số loài cây sẽ sản sinh ra isoprene khi quang hợp, đồng thời những biến đổi mà hành tinh đang phải đối mặt cũng tác động tới quá trình này.
Nghiên cứu mới phát hiện lượng CO2 trong khí quyển tăng sẽ làm chậm tốc độ tạo ra isoprene, còn nhiệt độ tăng lên sẽ đẩy nhanh quá trình này. Nhưng hiệu ứng nhiệt độ sẽ chiến thắng hiệu ứng CO2: khi nhiệt độ tăng lên tới 35 độ C, khí CO2 không thể ức chế quá trình này nữa và isoprene được sinh ra với số lượng khổng lồ.
Các nhà nghiên cứu dùng cây dương để thí nghiệm và nhận ra khi nhiệt độ tăng lên 10 độ C, lượng isoprene mà một chiếc lá thải ra sẽ tăng hơn 10 lần.
Phát hiện mới giúp các nhà nghiên cứu dự đoán tốt hơn lượng isoprene sẽ được thải ra trong tương lai và chuẩn bị tốt hơn cho những tác động của nó. Nhóm tác giả cũng hy vọng nghiên cứu mang lại thông tin cần thiết cho người dân và cộng đồng để đưa ra lựa chọn, như là trồng ít cây sồi và cây dương hơn nhằm hạn chế lượng khí thải isoprene.
Còn với những cây đã và đang thải ra isoprene, các nhà khoa học cho rằng giải pháp không phải là đốn hạ chúng mà là kiểm soát oxit nitơ tốt hơn.
Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị