Khi nghị quyết của Đảng về đất đai vào cuộc sống

Ngày 16/6/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”. Đây là một trong những nghị quyết đặc biệt quan trọng không chỉ khơi thông nguồn lực đất đai mà thực sự là Nghị quyết “của lòng dân”, “hợp lòng dân” vì mục tiêu cao nhất là điểu chỉnh các mối quan hệ hài hòa, lấy lợi ích của người dân làm trung tâm, khắc hạn chế, bất cập về đất đai vốn để xảy ra những vụ khiếu kiện kéo dài, thậm chí tham nhũng, tiêu cực.

Khi nghị quyết của Đảng về đất đai vào cuộc sống
Hội nghị lần thứ năm, BCH TW khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 18 để khắc phục những bất cập về đất đai theo đúng tính thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Quản lý và sử dụng đất phải bảo đảm lợi ích chung của toàn dân; nhân dân được tạo điều kiện tiếp cận, sử dụng đất một cách công bằng, hiệu quả và bền vững” (Ảnh: TTXVN)

Như chúng ta đều biết, đất đai với người dân vốn như máu với thịt. Xưa trong màn đêm nô lệ, nhân dân ta phải chịu cảnh một cổ hai tròng, để giải phóng dân tộc với mục tiêu độc lập – tự do, đưa quyền làm chủ về tay nhân dân, Đảng ta đã đưa ra lời “hiệu triệu”: “Đánh đuổi thực dân, đế quốc giải phóng dân tộc; đánh đổ phong kiến người cày có ruộng”. Nghe theo Đảng, cả dân tộc đã đứng dậy cùng Việt Minh làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám long trời, lở đất. Đất nước được độc lập, người cày được có ruộng. Cuộc sống bước sang một trang sử mới.

Cùng với quá trình đổi mới nền kinh tế, đất đai dần trở thành loại hàng hóa, thậm chí là hàng hóa đặc biệt. Để khơi thông nguồn lực đất đai, năm 2012 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã ban hành Nghị quyết 19-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại”. Tiếp đó, năm 2013, Quốc hội cũng thông qua Luật Đất đai (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014). Đây chính là những nền tảng quan trọng để hoàn thiện công tác lãnh đạo, quản lý Nhà nước về đất đai.

Tuy nhiên, do thực tế có sự buông lỏng công tác quản lý, đặc biệt ở cấp địa phương dẫn đến những hệ lụy đến nay chưa thể giải quyết dứt điểm. Đó là tình trạng khiếu kiện liên quan đến đất đai, trong đó chủ yếu thu hồi đất đền bù chưa thỏa đáng; quy hoạch treo, dự án treo Những vụ khiếu kiện kéo dài, vượt cấp gây bức xúc trong nhân dân, làm mất an toàn xã hội… Nhiều vụ án liên quan đến tham nhũng, buông lỏng quản lý gây thất thoát liên quan đến đất đai đã, đang được xử lý; nhiều cán bộ bị kỷ luật về Đảng, những vụ việc này không chỉ làm mất niềm tin trong nhân dân mà cũng là cớ để các thế lực thù địch “rêu rao” trên không gian mạng về cái gọi là “cội nguồn” dẫn đến tiêu cực, tham nhũng đất đai ngày một nhiều. Bởi thế, các thành phần này kêu gọi, Đảng, Nhà nước phải sửa Hiến pháp, sửa Nghị quyết để đất đai phải thuộc sở hữu tư nhân như một số quốc gia, không thể để “đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”!

Khi nghị quyết của Đảng về đất đai vào cuộc sống
Thực hiện việc dồn đền, đổi thửa để tạo ra cánh đồng mẫu lớn áp dụng khoa học vào sản xuất, nhiều hộ dân canh tác trên diện tích hàng héc ta (Ảnh: Thu hoạch lúa ở Giai Lai-BGL)

Vậy thực tế ra sao? Là một nước nông nghiệp, “đất với dân như máu với thịt”, nên trước cách mạng tháng Tám, Đảng đã ra lời hiệu triệu “đánh đuổi thực dân, đế quốc giải phóng dân tộc, đánh đổ phong kiến người cày có ruộng” và sau khi nước nhà độc lập, vấn đề đất đai luôn được Đảng ta đặc biệt quan tâm. Rất nhiều cơ chế, chính sách về đất đai đã được ban hành nhờ đó đảm bảo hành lang pháp lý cho người dân được sử dụng hợp pháp nguồn lực đất đai. Từ thành thị, đến nông thôn, người dân đều được tiếp cận đất đai một cách dễ dàng, Nhà nước bảo hộ quyền sử dụng hợp pháp về đất, sở hữu về nhà cho nhân dân. Nhiều người làm giàu từ đất đai; nhà nước không khống chế hạn điền, nhờ đó nhiều cánh đồng mẫu lớn do nhân dân sử dụng ngày nhiều…

Song muốn trở nên giàu có, chúng ta không thể mãi là “đất nước nông nghiệp”. Chính vì thế, Đảng ta đã chủ trương chuyển đổi mô hình tăng trưởng, trong đó đó có việc chuyển đổi một số diện tích đất sang mục đích khác để khai thác giá trị gia tăng như làm khu công nghiệp, nhà máy, khu du lịch. Tuy nhiên, bất luận hoàn cảnh nào, Đảng, Nhà nước đều đặt lợi ích người dân lên trên hết. Chỉ vì cơ chế, chính sách mà cụ thể Luật Đất đai hiện hành đã nảy sinh một số bất cập, tạo “kẽ hở” để một số kẻ có chức quyền lợi dụng làm sai “chủ trương của Đảng”, “pháp luật của Nhà nước” dẫn đến những sự vụ đáng tiếc như thời gian vừa qua.

Đảng ta là Đảng cầm quyền, nhưng Đảng không làm thay Nhà nước; Nhà nước ta là “Nhà nước của dân, do dân và vì dân”, quyền lực Nhà nước là thống nhất, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Và thực tiễn của cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng đến nay không có mục đích gì hơn là phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Bởi vậy, vấn đề “đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý” là một phạm trù xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đất đai là của toàn dân, Nhà nước chỉ “đại diện” chủ sở hữu và thống nhất quản lý (về mặt pháp luật). Nhà nước luôn lấy pháp luật bảo hộ quyền sở dụng đất đai và sở hữu nhà ở cho nhân dân, nhưng “tuyệt đối” không được tư nhân hóa đất đai bởi điều này sẽ tạo ra những hệ lụy nguy hiểm. Do đó, việc cổ xúy hay đổ lỗi chuyện quy định đất đai sở hữu toàn dân, Nhà nước đại diện chủ sở hữu là căn nguyên gây ra khiếu kiện, tham nhũng, tiêu cực là không đúng, không có cơ sở.

Xin nhắc lại, có dịp đi khắp đất nước, từ đồng bằng đến miền núi, đặc biệt các tỉnh Tây Nguyên, chúng ta bắt gặp những cánh đồng hoa màu, cây công nghiệp bát ngát. Có những hộ dân sử dụng cả héc ta, thậm chí hàng chục héc ta phục vụ trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất. Không ai, không có văn bản luật nào khống chế về mặt hạn điền trong việc trồng trọt, canh tác… đối với người dân.

Là Đảng cầm quyền, Đảng được thành lập và rèn luyện bởi Chủ tịch Hồ Chí Minh Kính yêu, nên Đảng ta trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo luôn thấm nhuần lợi dạy của Bác: “Việc làm gì có lợi cho dân thì làm, việc gì có hại cho dân thì tránh”. Lấy tinh thần cầu thị vì nước, vì dân làm trọng tâm, nên khi nhận thấy những vấn đề bất cập về đất đai, đặc biệt số vụ khiếu kiện về đất đi liền với cán bộ quản lý bị khởi tố, điều tra, cảnh cáo có xu hướng tăng, Đảng đã lắng nghe dư luận, “nghe tiếng nói dân”, nghiên cứu thấu đáo và kịp thời ban hành Nghị quyết mới về đất đai.

Khi nghị quyết của Đảng về đất đai vào cuộc sống
Nghị quyết 18 tạo niềm tin cho nông dân yên tâm sản xuất trên những cánh đồng, mảnh đất của mình

Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”. Nghị quyết số 18 có một số điểm mới cực kỳ quan trọng. Cụ thể như bỏ khung giá đất, có phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; Đánh thuế cao hơn đối với người sở hữu nhiều nhà, đất; Giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; có quy định cụ thể bồi thường, hỗ trợ tái định cư nếu người dân bị thu hồi đất; Mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông

Phải khẳng định, đây là một nghị quyết mang tính đột phá, nói là lịch sử cũng không sai. Vì nó tạo tiền đề giải quyết mâu thuẫn âm ỉ rất lâu dẫn đến xung đột lợi ích đó là một số nơi chính quyền buông lỏng quản lý, thậm chí cấu kết với doanh nghiệp, “lách luật” để thực hiện việc quy hoạch, lấy đất của dân bừa bãi. Thu hồi giá thấp để doanh nghiệp bán giá cao.

“Lật thuyền mới biết dân là nước”- chúng ta làm cách mạng cũng phải dựa vào dân, nên một khi người dân có quá nhiều tâm tư, bức xúc gửi đến Đảng, Nhà nước và đã được Đảng ta lắng nghe, điều chỉnh kíp thời thì nói đây là nghị quyết ý Đảng- lòng dân . Đặc biệt với Nghị quyết số 18, Đảng ta chủ trương mở rộng hạn điền sử dụng đai, xóa bỏ cơ chế hai giá, lấy lợi ích của người dân làm trung tâm là bước tiến quan trọng thể hiện tầm nhìn của Đảng ta về quản lý đất đai và cũng là thể hiện quan điểm xuyên suốt “người dân là trung tâm”, là chủ thể thụ hưởng, không cần cái gọi là “tư hữu hóa đất đai”. Nghị quyết về đất đai của Đảng được ban hành, Đảng đã lắng nghe dân để kịp thời điều chỉnh chính sách đất đai, dân càng tin Đảng…

Qua đúng gần một năm kể từ khi Nghị quyết số 18 được ban hành, dẫu Chính phủ (ban soạn thảo) đang hoàn thiện các ý kiến đóng góp của Nhân dân nhằm trình các cơ quan và Quốc hội xem xét về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), nhưng phải khẳng định nghị quyết số 18 đã thực sự đi vào cuộc sống. Trên khắp cả nước, việc quản lý đất đai đã bắt đầu vào quy củ. Nhiều nơi chính quyền đã tạm dừng cấp đất cho doanh nghiệp mà không thông qua đấu giá.

Nói một cách ngắn gọn, dù Luật Đất đai (sửa đổi) vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, nhưng lĩnh vực quản lý đất đai dần được thiết lập. Người dân không còn nỗi lo nơm nớp mất đất; các quy hoạch về sử dụng đất được công bố công khai. Ở đâu đất dành cho công nghiệp, ở đâu đất dành cho dịch vụ, du lịch, nông nghiệp dân đều được công bố công khai để người dân cùng biết. Một không khí tin tưởng, phấn khởi phủ khắp các làng quê. Đây chính là chân lý thêm một lần nữa khẳng định chân lý: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu” là quan điểm đã được thực tiễn chứng minh và không thể thay đổi.

Hà Lê

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích